.

Lang thang mì Quảng

.

Quảng Nam với gió Lào và bão lũ liên miên đã buộc nhiều người Quảng xưa phải tha phương. Theo chân họ là món mì địa phương nặng tình tri kỷ. Nơi đâu có người Quảng Nam, ở đó có món này. Trên đất khách quê người, mì Quảng không chỉ là món ăn quen miệng mà đã trở thành “cá tính”, thành “nỗi hoài hương”, thành “hành trang”của bao người bôn ba khắp chốn… Chính vì thế cứ phải “lang thang mì Quảng” nghĩa là “gặp đâu nói đó, gặp chi nói nấy” như cách nói mộc mạc của người địa phương về món mì này.

Thương hiệu mì Quảng

Trước hết là tên gọi: Xưa, vùng giữa miền Trung gọi là “ngũ Quảng” gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Nghĩa và Quảng Đức vốn là tên một thời của Thừa Thiên. Nhưng, nói đến “mì Quảng” là người xứ khác biết ngay nơi xuất xứ. Chẳng cần đăng ký thương hiệu cũng chẳng sợ ai tranh chấp với mình. Nói không ngoa, chẳng có nơi nào trên cả nước lại như Quảng Nam: Không có dịp thì thôi; hễ có dịp là “ăn mì Quảng, nói mì Quảng” khắp nơi, khắp chốn. Đám giỗ: ăn mì; đầy tháng, thôi nôi: ăn mì; thi đỗ, người thân ở xa về, bạn bè lâu ngày gặp mặt, khao người quen vừa tránh tai nạn hiểm nghèo… thảy đều ăn mì; kể chi đến hoạt động vùng quê như chất cây rơm, cúng cơm mới, khao thợ gặt… tứ thời bát tiết thảy đều lấy mì làm “chính vị”.

Xưa, nông thôn xứ Quảng nhà nào cũng có một chiếc cối xay bột bằng đá, vườn nhà ai cũng trồng chuối; bờ ao, bờ ruộng nào cũng trồng rau; trên kèo của bếp nhà nào cũng có một chùm trái đậu phụng khô treo lủng lẳng và cứ vài chục nóc nhà lại có một lò tráng bánh. Tất cả đều sẵn sàng cho chế biến món mì.

Không như bún bò, phở hoặc hủ tiếu; mì Quảng bình thường mà đặc biệt: Không ai đem ba món kia đặt lên mâm cúng nhưng mì Quảng thì có đấy! Ngoài đám giỗ, người Quảng Nam chỉ ăn mì những lúc có lý do mà nôm na gọi là “có cớ”. Và để tạo ra cái cớ đó thì nhiều vô thiên lủng!

Mì Quảng thời “toàn cầu hóa”

Một lần, tôi vào Sài Gòn, cùng con gái và rể đi ăn mì ở một quán Quảng Nam có tiếng. Chưa kịp ngồi đã nghe một giọng Quảng đặc sệt oang oang với cậu chạy bàn:

- Mi nói “lố” (láo)! Nói “lố” với ai chớ với thằng Quảng Nam thứ thiệt như tau không được mô! Trái ớt ni mà dám nói là ớt ngoài Quảng đưa vô. Trái ớt Quảng Nam vừa cay vừa giòn, cắn vô thơm lựng chớ có mô hôi òm như ri. Trái ớt ni trồng ở đất phù sa dưới Long An đây”.

Tôi ngồi im thú vị, còn con tôi tò mò nên hỏi cái ông đang hét tướng kia cũng bằng giọng Quảng:

- Bác ơi! Làm răng phân biệt ớt trồng ở Long An với trồng ngoài mình?

- Dễ ợt, đất Quảng Nam cằn cỗi nên trái ớt nhỏ, giòn và cay hơn. Long An phù sa màu mỡ nên trái ớt lớn, ít cay mà lại không thơm. Ăn mì Quảng phải ăn ớt thiệt cay, vừa “và” (lùa) mì vừa cắn ớt vừa hít hà mới ngon!

Rể tôi ngẩn ra và nhìn tôi như muốn nghe một lời giải thích. Tôi “lý luận” với ông khách cùng xứ:

- Đúng là rứa! Nhưng trái ớt mà chú vừa nói là trái ớt của thời xưa, trái ớt trong hoài niệm của người Quảng Nam tha hương qua tuổi “tri thiên mệnh”. Thời đại của toàn cầu hóa, ớt của quê ta nay được trồng theo lối công nghiệp trên đất sa bồi sông Thu Bồn, Vu Gia mùi vị chẳng khác gì trái ớt Long An. Vừa rồi, Hàn Quốc còn đầu tư vào để trồng loại ớt không cay nữa đấy! Trái ớt chú ăn như ri là “toàn cầu hóa” đã vào tô mì Quảng đấy!

Bữa đó tôi bị ông khách giành trả tiền. Ông bảo vào Sài Gòn phải để Quảng Nam “lai” đãi Quảng Nam “thiệt”, còn về “ngoài nớ” thì anh thiệt đãi anh lai. “Nguyên tắc là rứa!”. Nghe ông nói kiểu “đinh đóng cột” Quảng Nam, tôi hơi ngớ ra; vì so với ông ta chẳng hiểu mình đã lai hay còn thiệt?

Trên đường về, người rể gốc An Giang của tôi ghé vào tai vợ nó nói nhỏ nhưng hình như cố ý cho tôi nghe: “Người Quảng chướng đã đành, tô mì Quảng cũng chướng”. Đúng là “chướng” thiệt! Ăn mì Quảng mà không có trái ớt xanh cay giòn, vừa “và” (lùa) mì vừa cắn trái ớt kêu “cái rụp” thì không còn là ăn mì Quảng nữa. Mà ớt thì nhất thiết phải là “trái ớt cỗi cằn Quảng Nam” chính hiệu mới được!

Ăn mì Quảng ở Hội An

Ảnh: LA THANH HIỀN
Ở Quảng Nam xưa có thể ăn mì ở nhiều nơi. Này nhé, nếu muốn ăn một tô mì gà thật ngon, xin mời lên Túy Loan hoặc vào thị trấn Hà Lam tìm cho ra quán mì Ba Tự. Nhưng muốn ăn một tô mì thịt bò thì phải về Cẩm Hà của Hội An. Còn bạn muốn ăn mì cua lột đúng nghĩa thì phải vào tận Cây Trâm phía nam Tam Kỳ. Nhưng xem ra phải ăn mì Quảng ở phố cổ Hội An mới “hợp thời” và phải là loại mì gánh thì mới đúng điệu.

Xưa, vào những ngày đông se lạnh, nghe bụng đói bạn cứ ra đường nhìn lên đầu con phố cũ. Xa xa, một làn khói mảnh bốc lên. Sẽ thấy ấm cúng ngay bởi đó là một gánh mì Quảng chính hiệu Phú Chiêm đang đi về phía bạn. Thấy ở đầu phố thật đó, nhưng phải đợi nửa giờ sau gánh mì mới đến; thời gian đủ để cho các tuyến nước bọt của bạn làm việc, để mùi hương đặc biệt của mì càng lúc càng chinh phục bạn, trong đó có mùi hạt nén khử dầu phụng - mùi đặc trưng của mì Quảng và của đồng quê Quảng Nam không lẫn vào đâu được. Cơn đói của bạn sẽ cồn cào và rồi bạn sẽ được thưởng thức món mì Quảng đặc biệt, cũng tương tự như món “mầm đá” trong giai thoại về Trạng Quỳnh. Ăn xong, lát sau vẫn còn thèm, lại ra đầu đường tìm. Nhưng chao ơi! Làn khói mỏng đã khuất về cuối phố. Cảm giác thèm mì Quảng cứ thế kéo dài ra mãi…

Về đâu tô mì xứ Quảng?

Vào Sài Gòn, đi bất cứ đâu, người Quảng lớn tuổi cũng có thể gặp tô mì trong tâm tưởng. Hóa ra, như một quy luật văn hóa thông thường, kẻ tha hương thường bảo lưu vẹn nguyên những giá trị quê xứ mang theo hơn người ở lại. Không kể những tô mì Quảng “lai” cao lầu, hủ tiếu; trên vùng đất hội tụ người tứ xứ này, cái vị tô mì vẫn giữ nguyên nét chân quê trong lúc ngoài thành thị Quảng Nam, tô mì Quảng dường như đã không còn hồn xưa của nó. Muốn tìm tô mì Quảng không “cách tân” ở chính quê hương, kẻ sành ăn phải lặn lội về những vùng quê. Mà liệu có tìm được chăng khi nông thôn cũng từng bước chuyển mình theo đà đô thị hóa?

Một ngày mùa đông. Buồn quá, tôi lang thang lên mạng. Không chủ định nhưng lại gõ vào từ “mì Quảng”. Chao ơi! Bao nhiêu người nói về mì Quảng, mà nói rất hay. Tình cờ gặp bài của một cô gái đồng hương lưu lạc xứ người. Cô gái ấy diễn tả nỗi hụt hẫng khi bắt gặp tô mì Quảng đi cùng với tô sứ, đĩa hoa, đũa ngà, đặt trên bàn có trải khăn trắng nuốt bên bình hoa daisy, được bưng bởi người phục vụ mặc áo sơ mi trắng, cổ thắt nơ trong một nhà hàng trên một thành phố rất đông người Việt. Nhìn tô mì quê nằm lạc lõng giữa nơi sang trọng, cô thấy bẽ bàng như gặp lại “cố nhân đang ngồi trên xe Mercedes cùng với vợ và tám đứa con”. Và, cô cố nuốt tô mì Quảng kia mà nuốt chẳng trôi! Bởi càng cố thì càng như “yêu một người yêu thất tiết”.

Ôi! Một người con Quảng Nam xa xứ tận trời Tây, biết thương quý và hiểu về mì Quảng đến như thế thì đúng là “mì nhà vẫn còn có phước”!.

Lê Thí

;
.
.
.
.
.