Nếu có một cuộc thi, với chỉ một câu hỏi “Trong những câu nói của Hồ Chủ tịch, theo bạn, câu nào hay nhất, có tác động sâu rộng nhất?”
Với một người cũng như với toàn dân tộc - một dân tộc đã rèn đúc cho mình một giá trị sâu sắc bền vững, một truyền thống quý báu: lòng yêu nước, thì hiển nhiên không có gì quý hơn độc lập tự do.
Phẩm chất cao đẹp này hình thành sâu đậm trong Hồ Chí Minh ngay từ lúc còn thơ ấu, với ảnh hưởng của một vùng quê, một gia đình giàu lòng yêu nước.
Người đã không chỉ tự thấy ở mình mà đã nhìn ra, đã cảm nhận giá trị, phẩm chất cao quý đó trong những người ruột thịt thân yêu, nơi mọi người Việt Nam mà Người thường gọi là đồng bào, những người cùng một nguồn cội, chung một cái bọc của Mẹ Âu Cơ.
Ngay từ năm 1924, Người đã viết “chính nó, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc đã gây nên cuộc nổi dậy chống thuế 1908, nó dạy cho những người cu ly (công nhân) biết phản đối, nó làm cho những người nhà quê (nông dân) chống thuế tạp dịch và thuế muối. Cũng chính chủ nghĩa dân tộc (lòng yêu nước) đã luôn thúc đẩy các nhà buôn Việt Nam cạnh tranh với người Pháp và người Trung Quốc, nó đã thúc giục thanh niên bãi khóa, làm cho các nhà cách mạng trốn sang Nhật Bản và làm vua Duy Tân mưu tính khởi nghĩa”. Người khẳng định “lòng yêu nước (chủ nghĩa dân tộc) là động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của người Việt Nam và giờ đây người ta sẽ không làm gì được cho người Việt Nam nếu không dựa trên động lực đó!”
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, trên đất nước ta các phong trào yêu nước chống Pháp đều thất bại, không chấp nhận bế tắc khủng hoảng, với sức mạnh, với động lực đó, Người đi khắp năm châu bốn biển, dấn thân vào những ngày sống vất vả, cực nhọc, bất chấp lao tù, hiểm nguy tìm đường cứu nước. Người đến với Đảng Cộng sản, với chủ nghĩa xã hội vì Người tìm thấy ở đó “cái cần thiết cho chúng ta, con đường giải phóng chúng ta”, con đường đấu tranh giành độc lập tự do cho dân tộc.
Cách mạng thành công, kết thúc bản Tuyên ngôn độc lập, một áng văn mà Người cho là được viết với tâm trạng phấn chấn mừng vui hơn bao giờ hết trong đời, Người kết luận bằng lời thề thiêng liêng:
“Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Là một người thiết tha yêu hòa bình và hiếu sinh, trong tình hình đã nhân nhượng đến mức cao nhất, nhưng thực dân vẫn lấn tới, Người quyết liệt kêu gọi “chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.
*
**
Ngày 17-7-1966, dưới một tán rừng già ở Trà My, tôi nghe Bác Hồ đọc lời kêu gọi không có gì quý hơn độc lập tự do. Vẫn giọng nói ấm ấp thân thiết mà sao đanh thép quyết liệt xúc động lòng người đến thế.
“Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ, không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Lúc này Mỹ đã trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam hơn một năm. Những biểu hiện: phong trào chững lại, một số người phân vân dao động, đây đó có chuyện chạy xà đùa cùng với những câu hỏi lớn râm ran: Mỹ là siêu cường, quân lực mạnh, vũ khí tối tân và hậu cần hầu như vô tận, có đánh được Mỹ không đã lùi dần? Thực tiễn chiến đấu đã khẳng định chúng ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ, tất nhiên không phải dễ dàng, vui vẻ như một cuộc dạo chơi mà là vô cùng gian nan, ác liệt.
Với trận Núi Thành diệt gọn đại đội Mỹ trong công sự dã chiến trên vành đai Chu Lai (26-5-1965) và Gò Hà diệt gọn đại đội Mỹ trong công sự kiên cố trên tuyến phòng thủ Đà Nẵng (15-10-1965), chúng ta làm nên 8 chữ vàng: Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ.
Trong chiến tranh Việt Nam, khi mặt đất rung lên và bị cày xới vì bom đạn, khi màu xanh cây cỏ bị giết bởi thuốc độc thì con người không chỉ tan xương nát thịt mà còn bị xúc phạm về nhân cách, về tinh thần, bởi chính điều trớ trêu này: Nhân danh thế giới tự do Mỹ đã đổ sắt thép, lửa và dioxin xuống dải đất này để diệt trừ độc tài cộng sản.
Chính trong những ngày máu lửa ấy, ở rất nhiều thôn xóm của vùng giải phóng Quảng Đà, không có gì quý hơn độc lập tự do đã mau chóng trở thành một khẩu hiệu được thể hiện bằng đủ mọi kiểu chữ, mọi chất liệu. Ban Tuyên huấn Quảng Đà còn phổ biến để mọi cán bộ đều có một mảnh giấy nhỏ in (viết) 9 chữ đó gài trên áo, nơi gần trái tim nhất.
Quảng Nam-Đà Nẵng, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc, nơi Mỹ vào sớm nhất, đánh phá ác liệt nhất, lại chính là nơi lời Bác không có gì quý hơn độc lập tự do vang truyền nhanh và sâu rộng nhất.
Độc lập, tự do là những khái niệm có hai nội dung, chỉ quyền cơ bản của một dân tộc, một quốc gia và quyền cơ bản của con người, hai nội dung này gắn bó hữu cơ với nhau.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945, Bác Hồ từng dẫn một lời bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Và Người suy rộng ra: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.
“Không có gì quý hơn độc lập tự do là điểm xuất phát của tư tưởng Hồ Chí Minh”, đồng thời trong tầng sâu của nhận thức, Người thấy hết ý nghĩa quan trọng của quyền tự do cá nhân. Nước mất thì nhà tan. Không một người nào thoát khỏi kiếp sống nô lệ đọa đày, không một ai có tự do, hạnh phúc khi Tổ quốc chưa có độc lập tự do.
Và cùng với chân lý đó là “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Điều này Người đã khẳng định 45 ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập.
*
**
Nhật ký trong tù, 113 bài thơ Người viết trong nhà ngục Quốc dân đảng Trung Quốc, không phải là tuyên ngôn, là thông điệp, có thể là những điều tâm sự riêng kín, tự nói với mình, tự thể hiện mình. Đọc những bài thơ này, chúng ta càng hiểu Người thiết tha đến mức nào với tự do dân tộc, tự do của con người. Trong 134 bài thơ có đến 13 bài Người có nhắc đến từ tự do.
Trước hết, ngay từ đầu, Người đã khẳng định mình là người tự do. Thân thể ở trong lao, tinh thần ở ngoài lao. Trong hơn một năm (20-8-1941–10-9-1942) cùng với việc bị giam, Người còn bị giải đi hết nhà ngục này đến nhà ngục khác, nhiều khi bị trói chặt, có khi bị dắt, bị xích sắt xiềng vào chân, nhưng Người vẫn là một người tự do. “Vui say ai cấm ta đừng/ Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu”. Người làm cho chúng ta hiểu đến tận cùng giá trị của tự do từ những duyên cớ rất đời thường:
Đau khổ chi bằng mất tự do
Đến buồn đi ỉa cũng không cho
Cửa tù khi mở không đau bụng
Đau bụng thì không mở cửa tù
Và Người rút ra kết luận:
Trên đời ngàn vạn điều cay đắng
Cay đắng chi bằng mất tự do
Với Người, tự do và mất tự do đều được thể hiện cụ thể, không có khái niệm tự do chung chung, không gắn với một tình huống nào của con người.
Trong cuộc sống có rất nhiều chuyện tương tự không liên quan đến quốc thể, quốc hồn. Chúng ta có thể nghe mọi người nói không có gì quý hơn độc lập tự do như một lẽ sống bình thường trong một xã hội tồn tại chằng chịt biết bao quan hệ, nó hướng con người xác định quyền của mình tự do, tự chủ trước mọi sự ràng buộc, áp đặt dù ngọt ngào hay đau đớn.
**
Con người được tạo hóa ban cho những quyền không ai có thể xâm phạm được, kẻ thù có thể giam cầm một người, nhưng kẻ thù dù có ba đầu sáu tay cũng không thể nào bỏ tù tư tưởng của người ấy. Song nói như vậy đâu có phải là mọi người đều có thể an nhiên thụ hưởng quyền tự do tư tưởng.
Phấn đấu để con người có quyền tự do tư tưởng, quyền bày tỏ ý kiến, tiếp nhận và chia các ý tưởng và thông tin là tiêu chí và vẫn đang là cuộc phấn đấu đầy khó khăn trên con đường tiến tới một xã hội công bằng dân chủ văn minh.
John Stuart Mill, nhà triết học và hoạt động chính trị lỗi lạc của nước Anh cách đây 150 năm đã viết: “Việc bắt một ý kiến không được trình bày ra là sự đánh cắp đối với loài người, bởi nếu ý kiến đó là đúng thì người ta bị tước mất đi cơ hội bỏ cái sai lấy cái đúng, nếu ý kiến đó là sai thì họ mất đi cái lợi lớn là cảm nhận được cái chân một cách minh triết hơn và ấn tượng về cái chân sống động hơn khi cái chân va chạm với cái ngụy”.
Nhắc lại sự tôn trọng tự do tư tưởng với những lý lẽ đầy thuyết phục của Mill, chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu xa đến vô cùng của không có gì quý hơn độc lập tự do.
Chân lý bao giờ cũng cụ thể và thường được diễn đạt giản dị, cô đọng. Không có gì quý hơn độc lập tự do, chân lý của mọi chân lý, được cụ thể trong mọi cung bậc của đời sống xã hội, cuộc sống con người. Tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 kết thúc với lời thề “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Độc lập tự do là mục đích cao cả, là quyền thiêng liêng của toàn dân tộc và của mỗi người, của mọi người.
Nguyễn Đình An