.

Ra biển lớn

.

Nhiều người ví von rằng, vị trí địa lý của Đà Nẵng giống như nhà phố mặt tiền. Đà Nẵng cũng giống Thâm Quyến, một thành phố vốn trước đây chỉ là một làng chài nghèo nằm nép mình bên biển cả. Nhưng bây giờ thì cả thế giới biết về Thâm Quyến, biết về bước nhảy thần kỳ của thành phố này, với tổng kim ngạch xuất khẩu gấp đôi cả Việt Nam. Xuất phát điểm của bước nhảy vọt của Thâm Quyến, chính là nhờ Chính phủ Trung Quốc quyết định biến nơi này thành khu kinh tế mở với tư tưởng chủ đạo là tiến ra đại dương.

Nếu so sánh sự phát triển giữa Thâm Quyến và Đà Nẵng sẽ là khập khiễng, nhưng vẫn có nhiều điểm tương đồng, nhất là lợi thế và tiềm năng của hai thành phố biển này. Trước hết về chính sách, Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị “bật đèn xanh” bằng Nghị quyết số 33-NQ/TW “… Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; khai thác tiềm năng kinh tế biển…”.

Hơn 10 năm qua, với sự hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực hết mình của chính quyền và nhân dân thành phố, Đà Nẵng đã phát lộ con đường đi đầy triển vọng cho chính mình. Chỉ với 70 km bờ biển, nhưng biển Đà Nẵng lại có vị trí vô cùng đắc địa trên nhiều lĩnh vực, từ đánh bắt, nuôi trồng hải sản, phát triển du lịch, vận tải đường biển và cả trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng. Khu vực Nam Hải Vân - bán đảo Sơn Trà có hệ sinh thái vô cùng đa dạng, mà theo đánh giá của Giáo sư Nguyễn Tác An, Chủ tịch UBQG Chương trình hải dương học Liên chính phủ (IOC) là đủ điều kiện để thành phố xây dựng “Công viên tri thức biển Đông” - một trong những thành tố không thể thiếu để cấu thành vùng kinh tế biển đúng nghĩa.
 
Về giao thông, sau khi tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây chính chức hợp long chiếc cầu cuối cùng trên sông Mê Kông, vị trí Cảng Đà Nẵng càng trở nên quan trọng hơn với vai trò là cửa ngõ ra biển lớn cho các quốc gia trong khu vực là Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar. Đặc biệt Cảng Tiên Sa, cửa ngõ cuối cùng của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây, thời gian gần đây đã được đầu tư rất lớn để gánh vác trọng trách này. Hơn 100 triệu USD từ nguồn vốn ODA đã được đầu tư vào cảng, nhờ vậy hiện nay Cảng Tiên Sa có năng lực bốc dỡ hàng container lớn nhất khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, hệ thống kho bãi đã được mở rộng lên đến trên 50 ngàn mét vuông, đủ đáp ứng nhu cầu lưu kho khối lượng lớn hàng hóa cập cảng cùng lúc.

Sự chuyển mình này là hết sức đáng khích lệ, tuy nhiên dưới mắt những nhà kinh tế, hiện nay khai thác kinh tế biển của Đà Nẵng vẫn đang ở buổi manh nha, phát triển chưa đúng tiềm năng và lợi thế của mình. Mặc dù giá trị của kinh tế biển Đà Nẵng liên tục tăng trong thời gian qua, với tốc độ bình quân 9,5%/năm - cao hơn mức bình quân của cả nước, thế nhưng theo Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, kết quả đó còn nhỏ bé và mới chỉ bằng 1/20 của Trung Quốc, 1/94 của Nhật, 1/7 của Hàn Quốc.

Bình quân 1km2 biển ở các nước phát triển thu được 100 ngàn USD, thì ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng mới ở mức xấp xỉ con số 20 ngàn USD. Tuy nhiên, con số này không những không được tăng lên mà có nguy cơ giảm xuống, do kinh tế biển của chúng ta chỉ mới tập trung khai thác trên bờ, hoặc gần bờ chứ chưa thể vươn ra đại dương, đã làm nguồn tài nguyên biển bị cạn kiệt

Xuất phát từ quan điểm trên, theo Giáo sư Nguyễn Chu Hồi, giải bài toán này không chỉ đơn thuần giải quyết những tồn tại trước mắt như xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ, hay những khu nghỉ mát nằm ven biển là xong. Điều cần ở đây là phải xác định tổ chức không gian biển, để từ đó chuyển khai thác giá trị vật chất biển sang khai thác chức năng biển. Trên bình diện tổ chức không gian biển khu vực, đã có ba vùng kinh tế trọng điểm quốc gia (hai tam giác và một hành lang kinh tế).

Ở Bắc vịnh Bắc Bộ và tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) hình thành cực phát triển kinh tế rất mạnh với cực chính là Hải Nam. Ở phía Nam, với chủ trương tăng cường hội nhập khu vực, các nước ASEAN gia tăng ảnh hưởng trên biển Đông. Trong bối cảnh như vậy, chính Đà Nẵng là một cực phát triển mạnh trên Hành lang kinh tế miền Trung, để đối trọng với cực Hải Nam. Muốn vậy, Nhà nước phải tích cực hỗ trợ và tạo nên sự cộng hưởng cho “dàn đồng ca” cho các tỉnh, thành phố ven biển như Hải Phòng, Hạ Long, Móng Cái, Quy Nhơn, Huế, các đảo Cù lao Chàm, Lý Sơn… để cùng với Đà Nẵng tiến ra biển Đông.

Với cái nhìn tổng thể, trong đó Đà Nẵng phải là cực phát triển mạnh để làm động lực cho khu vực miền Trung phát triển, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên (Viện Kinh tế KHXH Việt Nam) đặt ra vấn đề: Sau 20 năm đổi mới, thực ra Việt Nam vẫn đứng trước biển chứ chưa thể gọi là ra biển được. Vì vậy, chúng ta không thể tiến ra biển bằng một trình độ công nghệ lạc hậu, mà phải tiến ra biển với trình độ công nghệ tiên tiến để chinh phục biển với ý nghĩa đầy đủ nhất là mặt nước, trong lòng đại dương, lòng đất dưới lòng đại dương và cả vùng trời trên vùng biển.
 
Hẳn nhiên, vấn đề ở đây là công tác đào tạo nguồn nhân lực. Theo nhiều chuyên gia, công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay của thành phố chưa đáp ứng được, tuy nhiên hoàn toàn đủ cơ sở để tin rằng thành phố sẽ đảm nhận tốt nhiệm vụ này. Hiện nay, hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung cấp trên địa bàn thành phố mỗi năm có khoảng 12 - 14 ngàn sinh viên tốt nghiệp, gần đủ các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, tài chính, CNTT, vận tải…
 
Trong tương lai gần, với sự chủ động phối hợp với nhiều quốc gia trong công tác đào tạo nguồn nhân lực của UBND thành phố, nhất là Đại học Đà Nẵng có nhiều chương trình liên kết đào tạo với hàng loạt trường đại học lớn trên thế giới, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin tưởng Đà Nẵng sẽ đảm nhận tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực không chỉ cho thành phố mà cả khu vực miền Trung.

Từ “ao làng” ra biển cả luôn bao hàm cả những thử thách khắc nghiệt ở phía trước. Điều đó là quy luật và chúng ta cần biết để có sự chuẩn bị tốt nhất, nhằm ra biển lớn chứ không thể mãi đứng trước biển.

Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.