.

Tết Quảng giữa Sài Gòn

.

Tết, ai xa quê mà không đau đáu nỗi nhớ nhà mỗi khi tiết trời ấm dần lên và mai, đào thì chúm chím nụ non? Với người Quảng trên đất phương Nam, nhất là những người có tuổi, vẻ nhộn nhịp đến xô bồ của chợ Tết Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh bao giờ cũng gợi lên trong lòng họ ký ức những Tết quê thanh bình của tháng ngày xưa cũ.

Quê xa bỗng gần

Các loại bánh đặc sản miền Trung làm phong phú Tết Quảng ở Sài Gòn.
Mấy chục năm trôi qua, nhưng anh Ngô Hoàng Hải vẫn không quên được cái buổi đầu tiên bước vào khu phố đầy ắp tiếng máy ở làng dệt Bảy Hiền, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Rời quê nhà Đà Nẵng, anh mang cái lớ ngớ chân quê của cậu học trò Quảng vào học nghề với người bác trên đường Nguyễn Bá Tòng. Lúc đó, nghề dệt đang thời hoàng kim nên người từ Quảng vào Bảy Hiền ngày một đông, dần hình thành một “xứ Quảng bỏ túi”, rồi một “chợ Quảng” nơi đất khách quê người.

Từ khu Bảy Hiền, đi mấy bước là đã chạm đến một thế giới khác, thế giới của ngựa xe xuôi ngược và tiếng nói thì đầm ấm chất giọng Nam Bộ. Do giao tiếp xã hội, Hải đã dần quen với giọng nói, cách nói của người Sài Gòn, nhưng mỗi khi quay về cái “xứ Quảng bỏ túi” của mình, anh lại cảm thấy thoải mái với cách nói vô tư rặt giọng Quảng. Nhiều người vào đây trước anh xa, vẫn nguyên vẹn tiếng nói quê mẹ giữa Sài thành hoa lệ và ít nhiều tự hào về điều đó.

Cái Tết đầu tiên xa quê, Hải rưng rưng nỗi nhớ nhà. Không nhớ sao được, khi gần như mỗi hăm tám, hăm chín tháng chạp hằng năm, anh đều phụ ba anh kê mấy tảng đá để nấu bánh tét. Cả nhà quây quần phía trước hiên, vừa canh lửa nồi bánh tét, vừa làm các loại bánh mứt. Xa nhà, những ngày cuối tháng chạp bỗng dài ra. Hải tha thẩn trên đường Nguyễn Bá Tòng, dạo quanh các gian hàng trong “chợ Quảng” để nguôi ngoai nỗi nhớ. Chợ có tên là Bà Hoa, rộng chưa tới một nghìn mét vuông nhưng không thiếu những món ăn xứ Quảng.

Lớp người đến sau như Hải có lẽ ít ai biết lai lịch cái chợ giờ đã đổi tên thành chợ Phường 11 này. Theo lời một bà nhà gần chợ, tự giới thiệu là mẹ của nhà báo Thanh Long phụ trách bản tin thế giới của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, thì cả vùng này nguyên là một bàu nước mênh mông. Gia đình bà rời Quảng vô Sài Gòn năm 1962, tới đây vì không có tiền, chấp nhận sống chung với nước nôi. Hồi đó, chiều nào bà cũng nơm nớp đi tìm con, sợ chúng mải mê bắt cá sẩy chân xuống bàu. Đến khoảng năm 66 - 67 gì đó, có một bà tên là Nguyễn Thị Hoa đến bỏ tiền ra thuê đất, lấp bàu, lập chợ, gắn hai chữ Linh Hoa (Linh là tên chồng bà Hoa) lên mặt tiền chợ.

Từ đó, người Quảng trên đất Sài Gòn nói chung, khu Bảy Hiền nói riêng đã thôi nhớ quay nhớ quắt hương vị ẩm thực quê nhà. Mỗi khi thèm một món ăn đậm đà chất Quảng, họ lại tìm đến chợ Bà Hoa - nói văn vẻ một chút, là đi chợ Quảng giữa Sài Gòn.

Vị ngon thức Quảng

Trải nghiệm một thời gian trên đất Sài Gòn, người Quảng chợt nhận ra một điều cực kỳ đơn giản (do phát xuất từ cuộc sống thường ngày) nhưng cũng không kém triết lý: Phi chợ Bà Hoa bất thành... ẩm thực Quảng! Đơn cử như chị Hà Thị Nga nhà ở đường Nguyễn Thái Học, quận Tân Phú, cách không xa khu Bảy Hiền. Chị người Hội An, vô Sài Gòn thèm con cá liệt không chịu nổi, đi chợ hoài mà không thấy. Một bữa thấy có bán ở chợ Bà Hoa, chị mua một mớ về nấu canh thơm, mấy đứa nhỏ thấy cá chi lạ hoắc, không dám đụng đũa. Khi hiểu ra loại cá bị chê lên chê xuống này có tác dụng giải nhiệt, rất thích hợp với khí hậu Sài Gòn, đứa nào cũng đòi... cá liệt!

Còn nhiều món “độc” xứ Quảng không thể tìm đâu ra, ngoài chợ Bà Hoa. Thành phẩm có bánh bèo Quảng nhưn ướt, lòng xào nghệ, mít trộn, ram cuốn bánh tráng, mắm dưa, mắm cái... Nguyên liệu có củ nén, đường tán (đường bát), thính cá chuồn, khoai lang... Củ nén, đối với những bà nội trợ Quảng “gin” như chị Nga, luôn giữ vai trò quyết định hương vị cho một số thức ăn chủ đạo xứ Quảng. Nén chỉ trồng duy nhất ở miền Trung, có mùi vị gần giống như tỏi nhưng thơm nồng hơn. Nén có mặt trong món củ nén chiên cá chuồn, nén cùng với dầu phộng làm nên hương vị tô mì “đặc sệt” chất Quảng.

Chợ ngày thường đã làm ngất ngây khách Quảng, ngày Tết càng làm người tha hương ngồi đứng không yên. Rỉ rả từ đầu tháng mười một Âm lịch, cao điểm là giữa tháng chạp trở đi, vô thiên lủng hàng hóa Tết từ Quảng ùn ùn đổ vào chợ. Quanh chợ, đâu cũng thấy những bảng hiệu giới thiệu các món “ruột” xứ Quảng. Những tên gọi mà chỉ mới nghe thôi, đã thấy nao lòng nỗi nhớ quê hương cách nghìn cây số: bánh nổ, bánh tổ, bánh in, bánh thuẫn, bánh da... Bị cuốn hút giữa muôn tía nghìn hồng hàng hóa, khách có thể cảm nhận hương vị quê nhà phảng phất đâu đó trong nắng xuân phương Nam.

Quảng hơn chợ Quảng

Bánh tráng Túy Loan thơm nức trên than hồng.

Gian hàng bán bánh tráng - mì Quảng của chị Lê Thị Kim Vân góp mặt ở chợ Bà Hoa 16 năm nay. Từ quê nhà Ái Nghĩa, Đại Lộc, chị mang nghề Quảng vào Bảy Hiền. Theo chị, mì có thể làm được tại chỗ, nhưng bánh tráng thì phải nhập từ Trung vào, bởi “đất nước, lúa gạo, con người ngoài đó nó lạ lắm, làm ra cái bánh tráng không đâu có được”. Bánh tráng tính bằng thiên (1.000 cái), Tết, các bạn hàng ngoài Quảng đóng vô cho riêng chị, số đã lên hàng trăm. Đến phiên mình, chị lại đóng ngược về hàng tấn các loại bánh tráng lề, bánh tráng cuốn để làm phong phú hương vị Tết ngoài đó.

Chị Hoàng Thị Kim Chương, bà con trong chợ gọi thân mật là Cưng, là một trong rất ít người nói giọng Huế trong “rừng” giọng Quảng ở Bảy Hiền. Quê ngoại ở Huế, có chồng Quảng người Vĩnh Điện, chị mở sạp hàng nhỏ bên hông chợ, chuyên bán các loại bánh. Tết, ngoài các loại bánh chị tự làm, còn có nhiều loại từ Quảng vô như khô mè Bà Liễu Đà Nẵng, đậu xanh Thanh Tuấn Hội An, da dẻo Sáu Tư Quế Sơn... Đắt nhất là bánh đậu xanh, khách đặt từng xe tải chở đi các chùa biếu Tết. Xếp sau đó là bánh cây, loại bánh ghép thành tháp để cúng ông bà trong mấy ngày Tết.

Từ 20 tháng chạp, chợ nhập về mặt hàng Tết chính hiệu Quảng: củ kiệu, dưa món, giò chả... Đó cũng là lúc chợ bắt đầu “nóng” lên, người Quảng khắp nơi trên đất Sài Gòn đổ về đi chợ Tết. Chị Đinh Thị Xuân Tâm, công tác tại Trạm Y tế phường 19, quận Tân Bình, không quên rủ thêm vài chị đồng hương Điện Bàn làm một cuộc dạo chợ “ra trò”. Theo kinh nghiệm của các chị, Tết nhứt đầy dẫy các món Tây Tàu thời thượng giữa Sài Gòn hoa lệ, mì Quảng, cao lầu bỗng trở thành đặc sản, không chỉ với dân Quảng mà cả với không ít người Nam chính gốc.

Trong cách cảm nhận của những người xa quê như chị Nga, chị Tâm, anh Hải, đã qua rồi cái thời mà đến Tết phải nhờ người thân gửi món ngon từ Quảng vào. Chợ Tân Bình, chợ Bà Hoa đã là “điểm hẹn” của thượng vàng hạ cám món Quảng.

Năm trước, mẹ chị Tâm vào ăn Tết, hỏi mua một bộ bài chòi - ngoài Trung nhiều nơi còn gọi là bài trùng. Trời, tìm đâu loại bài xưa lắc đó giữa đất Sài Gòn! - chị Tâm than thở. Chợ Bà Hoa có bán đó - một đồng hương của chị mách. Loại bài cổ này đã “biệt tích” ở nhiều chợ quê ngoài Quảng, thế mà... Quả như nhận xét của nhiều người, cách nghìn cây số, chợ Bà Hoa còn giữ nét Quảng hơn là chợ ngoài Quảng. Không ít người Quảng nhưng được sinh ra trên đất Sài Gòn, với họ, hình ảnh quê hương chỉ thấp thoáng sau lời kể của người trước. Và, cái chợ nhỏ nổi tiếng ở khu Bảy Hiền ấy là nơi họ tìm về để ít nhiều cảm nhận Tết Quảng thiêng liêng của quê cha đất tổ.

Có lẽ, do đồng cảm, sẻ chia với đồng hương mình mà các tác giả Thạch Phương và Lê Trung Hoa - đều người Quảng, một Quảng Nam, một Quảng Ngãi - đã kết luận ở mục từ giới thiệu về chợ Bà Hoa (dài hơn phần viết về chợ Bến Thành lừng danh) trong Tự điển Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh: “Chợ Bà Hoa là một nét văn hóa đẹp giữa lòng thành phố”.

Nét văn hóa đẹp, bởi lẽ đi chợ ở đó, người già xa quê cảm thấy bớt hiu quạnh, không chỉ vì được tìm lại hương vị xưa trong đồ ăn thức uống, mà còn vơi đi nỗi nhớ quê lay lắt khi chan hòa trong giọng nói quê hương. Với họ, đi chợ như là về với quê nhà, về với những tháng năm xa xưa sau lũy tre làng, dưới mái đình, bên bến sông... Tết, không ít người đến chợ không phải để sắm sanh gì nhiều, mà cái chính là để được hòa mình trong nhịp sống của “Tết Quảng” mỗi năm chỉ diễn ra một lần trên đất phương Nam.

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.