.

Chờ nhau ở cuối đường

.

Mở cánh cửa, tôi ngạc nhiên vì mẩu giấy rơi ra. “Đến thăm Hằng nhưng không gặp. Mừng cho em. Nếu chiều nay chưa bay, anh sẽ ghé lại lần nữa”. Tôi cầm mẩu giấy, ngẫm nghĩ một lúc. Ai đến thăm? Mừng vì cái gì? Nhìn nét chữ, tôi cố lục lọi ký ức, tự trách trí nhớ mình giảm sút. Dạo này tôi hay quên, có khi vừa nói nửa câu đầu đã quên mất nửa câu sau.

Chợt tôi nhớ ra khi nhìn cái chữ ký kéo dài, đá hất ra. Chữ ký của một người nhất định phải rất ngông và kiêu hãnh. Ơn trời, con người này mà tôi cũng quên được sao?

Hồi đó tôi đi vẽ ở Huế, ở trọ trong căn phòng nhỏ. Một nữ họa sĩ trẻ, chân ướt chân ráo đến một thành phố lạ, tất nhiên được sự chú ý của rất nhiều người. Thiều thì không, nghề của anh là phê bình văn học, hội họa không phải là thứ anh quan tâm. Anh tình cờ đến cùng một người bạn, trong khi ông bạn tán tụng liên hồi thì anh chỉ ngồi uể oải hút thuốc, mặt hướng ra ngoài cửa số, nhìn những mái nhà nhấp nhô chằng chịt dưới trời xanh.

Vẻ lãnh đạm của anh làm tôi tự ái. Khi ấy tôi hai mươi chín tuổi, đi đâu cũng được người ta săn đón, hỏi han. Tôi cho là vì mình có tài, vì những bức tranh mình vẽ có sức hút. Mãi về sau, tôi mới hiểu chỉ vì tôi là một thiếu phụ đang thời xuân sắc.

“Nhìn cô, tôi cứ tưởng như người đàn bà xa lạ trong tranh của Kramskoi bước ra”. Anh bảo. Ban đầu tôi tưởng là lời khen, định cảm ơn. Nhưng rồi nhìn vẻ mặt anh, tôi hiểu ra anh châm chọc, ý nói vẻ mặt tôi vênh vênh lộ rõ cái vẻ nhìn đời bằng nửa con mắt.

Hai tháng ở Huế, nhân có tôi vào, đám văn nghệ cứ tùng tam tụ ngũ, thường xuyên rủ nhau uống bia Vạn Lực ngay quán bên kia đường. Hầu như cứ vài ngày tôi lại gặp anh. Cả Thiều và tôi đều lạnh lùng lơ đãng với nhau nhưng thật ra chẳng có cử chỉ nhỏ nhặt nào của người này mà người kia bỏ sót. Dần dần anh mạnh dạn lên, tiếp cận tôi nhiều hơn, cái vẻ thủ thế khó thương cuối cùng cũng bị quẳng đi không luyến tiếc.

Còn tôi, là phụ nữ, tôi tự cho mình cái quyền được kiêu một chút, nhưng thỉnh thoảng cũng không quên ban cho anh một nụ cười dịu ngọt để vẻ kiêu kỳ của mình khỏi đắng nghét đến mức nuốt không trôi.

Cũng đùa nhau một chút thế thôi, chứ tôi đã có nơi có chốn, lại đang ở Hà Nội. Thiều thì đã vào định cư ở Huế hơn hai năm rồi, mỗi người một cảnh đời, tôi cũng chẳng hề nghĩ đến điều chi nghiêm túc. Lúc ấy chỉ thấy thú vị vì quen được một người nổi tiếng và thông thái như anh. Một người như vậy mà phải quay quắt vì mình! Từ chỗ lạnh lẽo như băng anh đã trở nên hầm hập như lò lửa. Nhiều hôm có bạn mới quen, tôi đi chơi vài ba tiếng đồng hồ, khi về thế nào cũng có mẩu giấy anh giắt ở cửa: “Hằng đi đâu? Anh nóng lòng quá! Hằng đi đâu tùy ý nhưng báo cho anh một tiếng. Anh lo quá chỉ sợ em đi lạc!”

Đi lạc? Huế ngày ấy nhỏ bé, những nơi tôi đến chỉ loanh quanh trong mấy con đường. Làm sao mà lạc được. Tôi nghiệm ra, khi người đàn ông đang đắm đuối vì chinh phục thì bản chất ích kỷ cố hữu không còn nữa, lúc đó họ đối với người đàn bà của mình thật âu yếm, tận tụy, hy sinh, có lẽ chỉ thua tình yêu của người mẹ đối với con mà thôi....

Ngày tám tháng ba, bạn bè ở Huế đến mời tôi đi ăn chè, uống cà-phê, hồi ấy cuộc sống còn khó khăn nên chưa có chuyện tặng hoa như bây giờ. Anh gặp tôi, chẳng nói năng gì cả, chỉ đặt trên bàn gói giấy. Anh về rồi, tôi mở ra: Một chai nước hoa Coco Chanel 500ml, cỡ lớn nhất. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy chai nước hoa huyền thoại ấy. Tôi không đến nỗi không hiểu ý nghĩa của món quà. Đúng ra tôi không được nhận. Nhưng tôi thích quá. Thời ấy không phải cứ hễ muốn mua nước hoa là có nước hoa. Cái thời mà phụ nữ còn phải xếp hàng dài cả mấy mét để mua một bánh xà phòng Hương Nhài hay Hương Chanh... Về Hà Nội, tôi hí hửng khoe với chồng. Chồng tôi phán ngay:

- Vô văn hóa. Chỉ có chồng hay người yêu mới có quyền tặng nước hoa. Giảng viên đại học gì mà ngu, ngu...

Tôi đỏ mặt, biết mình sai nhưng vẫn cãi bướng:
- Vẫn biết thế, nhưng anh là chồng mà có bao giờ mua cho em đâu?

Chồng tôi là trợ lý cho một ông lớn. Đi nước ngoài một năm vài lần, nhưng cái thứ ấy, anh cho là xa xỉ. Mà đúng là xa xỉ thật, thời ấy, quan niệm như anh là bình thường. Đi Pháp về, có mua nước hoa thì cũng để nguyên trong hộp cho các mối buôn mỹ phẩm đến lấy. Anh trực tiếp bán, trực tiếp thu tiền, cất vào tủ. Tôi cũng lười nên để mặc anh làm, lòng tự nghĩ mình thì đoảng mà cũng may lấy được ông chồng đảm.

Tôi chỉ mê một thứ, đó là vẽ. “Em à, cái gì đam mê quá cũng không tốt.” Chồng tôi thường bảo vậy. “Anh cứ làm như anh không đam mê cái gì”. Nghe tôi nói, anh nhìn tôi, không hiểu. Bốn mươi tuổi, anh sắp được đề bạt Phó giám đốc Sở, vì chuyện ấy anh bỏ ăn quên ngủ, chăm chăm vào các thông tin hậu trường, các mối quan hệ. Nhưng đấy là chuyện nghiêm túc và hệ trọng, đâu thể gọi là đam mê như cái chuyện vẽ vời nhăng nhít này. Vì vậy, chai nước hoa của tôi, anh cũng chỉ phán một câu như thế rồi quên luôn, mặc cho tôi dùng thoải mái.

Vô văn hóa. Tôi thấy tội nghiệp cho Thiều phải chịu cái câu nặng nề như vậy. Chẳng qua cũng vì tôi. Tôi đã nói với anh niềm mơ ước của mình, khi một hôm anh kể cho tôi nghe về rượu vang, về nước hoa, về người đàn bà huyền thoại mang tên Coco. Chắc anh đã đi châu Âu rồi nên mới biết nhiều vậy? Không, hoàn toàn không phải thế. “Anh chưa bao giờ đặt chân ra khỏi nước mình. Có một lần có giấy đi tu nghiệp ở Liên Xô nhưng làm hộ chiếu rồi lại bị rút quyết định”. Tôi ngạc nhiên. Cuộc đời tôi song suốt quá nên tôi không biết gì đến những nghịch cảnh quanh mình. Anh giải thích, ngắn gọn: “Anh có chút vướng víu về thành phần xuất thân”. À, thì ra thế. Ông cụ sinh ra anh là một đại thần trong triều đình Huế, có chút vướng víu với Phát xít Nhật. Đời cha làm, đời con trả... Lòng tôi se thắt. “Anh không đi nước ngoài bao giờ, làm sao có cái này cho em?”. Tôi băn khoăn hỏi anh. “Anh chẳng làm ra nhiều tiền, nhưng trong nhà vật lạ của hiếm lại có nhiều”. Tôi hiểu, anh thông minh, giỏi giang, nổi tiếng. Nhiều người quý mến anh, tặng quà cho anh để giúp anh cải thiện đời sống, hồi đó hàng hóa khan hiếm nên thuốc tây, áo quần, mỹ phẩm là những thứ có thể đổi thành tiền dễ dàng... Đó là cái lộc của người trí thức. Nhìn mắt anh u uẩn, tôi thấy lòng se se, vừa nể vừa thương, vừa quý trọng vừa ngậm ngùi. Những điều đó, làm sao mà diễn tả được cho chồng tôi hiểu, đành nhận lời phê phán, không biện bạch cũng không xin tha thứ.

Tôi thay đổi dần dần mà không nhận ra. Trước hết là những bức tranh tôi vẽ. Hồi trước, thi thoảng, chồng tôi lướt nhìn tranh của vợ, nhận xét: “Sao những cô gái này có cái cổ dài vậy? Vẽ như người bình thường có hay hơn không?”. Tôi nghĩ thầm: “Vậy mà thường ngày anh vẫn soạn những bài phát biểu chỉ đạo nghệ thuật”. Nghĩ vậy nhưng nể chồng, tôi vẽ ngắn những cái cổ lại, biết rằng vớ vẩn, nhưng cứ thế cho anh vui.

Thế rồi bỗng mọi chuyện khác đi lúc nào không biết. Một hôm, chồng tôi bỗng la lên: “Coi này, em lại nổi loạn rồi?”. Tôi nhìn, chợt nhận ra, cổ những cô gái đã dài lên khi nào chẳng biết. Nhưng điều đó đối với tôi lúc ấy không còn quan trọng nữa. Tôi không còn quan tâm đến việc làm vừa lòng anh ấy nữa....
Một thời gian sau tôi dọn ra ở riêng. Lúc chuẩn bị ly hôn, các bạn gái tôi đều mắng: “Sao mày ngu thế.” Một người chồng như anh, thắp đuốc mới kiếm ra, có phước mới gặp được. Cái áo lông Đức tôi mặc, chiếc xe đạp Mifa tôi đi, chiếc đồng hồ Seiko tôi mang trên tay, đều là nhờ chồng mà có. “Không hợp với lại có hợp cái gì, chỉ bày vẽ. Chồng mà thiếu cái gì thì kiếm anh khác dặm vào cho đủ. Hà tất phải làm lại từ đầu, mất công lắm mà lại rất phiêu lưu?”. Tôi chẳng cần nghe. Lúc ấy tôi chỉ sống một mình nhưng không hề thấy cô đơn. Thiều ra bưu điện gọi cho tôi sáng, trưa, chiều. “Ăn chưa em?” “Ăn gì, kể anh nghe”. “Hà Nội đầu đông lạnh lắm, đi đâu em nhớ quàng khăn kín cổ”. Tôi sung sướng đầy đủ như đứa trẻ được chăm bẵm thương yêu. Tôi trở lại đi xe đạp Hồng Hà, mặc áo len tự đan, nhịn bớt thức ăn để mua màu vẽ. Nhưng tôi tha hồ vẽ những cái cổ dài ngắn thế nào tùy thích... Chồng tôi bảo: “Anh sắp được đề bạt rồi. Anh rất mong muốn chuyện nhà yên ổn để người ta khỏi trông vào. Chuyện lăng nhăng của nghệ sĩ, anh chẳng thích thú gì nhưng cũng có thể tha thứ, chỉ cần em hối lỗi”. Mẹ tôi người Huế, bà thường không cho tôi ăn cơm dĩa, những năm ở miền Bắc sơ tán khó khăn lúc nào bà cũng dặn tôi ăn phải nên mâm nên bát hẳn hoi. Vì “Dĩa cạn lòng nên con gái ăn cơm dĩa cũng cạn lòng, ra đường trai dỗ mấy câu là xiêu ngay”. Theo bà thì tôi đi vẽ hai tháng, ngày nào cũng ăn cơm bụi, cơm dĩa nên mới ra nông nỗi. Mẹ khuyên, “Con đừng bướng, có lỗi thì nhận lỗi đi, nói một tiếng xin lỗi thì mất chi mô”. Tôi nhất mực không chịu. Tôi mà nghĩ là có lỗi thì tôi đã không làm. Tình yêu đối với tôi không phải mảnh vải vụn đem chắp vào chiếc áo hôn nhân không lành lặn. Tình yêu với tôi là tín ngưỡng, là danh dự, biết rằng lời nói gió bay nhưng tôi cũng không dùng lời nói mà xúc phạm đến tín ngưỡng của lòng tôi, như những tín đồ không bao giờ chịu dẫm chân lên thánh giá.

Tôi tiếp tục sống một mình, ăn cơm độn với bột mì, vẽ tranh, mơ mộng và tâm niệm những lời hẹn: Hành trình cuộc đời dù quanh co đến đâu nhưng nhất định sẽ chờ nhau ở cuối đường. Tôi chờ anh ra Hà Nội. Xe tàu đi lại khó khăn nhưng chắc chắn Thiều sẽ ra cuối tháng này, vì có một cuộc hội thảo tại viện Văn. “Anh có ra dự không?” tôi thấp thỏm. “Tại sao không, anh biết đấy là dịp sinh nhật em mà”.
Tôi sinh tháng tám, nhưng bố tôi vốn là sĩ quan, đã lấy ngày thành lập quân đội để khai sinh cho con, thành thử bây giờ tôi chỉ biết sinh nhật mình nhằm vào tháng mười hai. Cũng chẳng sao, miễn rằng có một ngày của tôi, mà anh đã nhớ, đã trân trọng, nghĩa là sự có mặt của tôi trên đời này có ý nghĩa với anh chừng nào...

Sinh nhật của tôi đã đến, chưa thấy tin gì từ anh. Tôi hơi nóng lòng, lo lắng. Đường hỏa xa lúc bấy giờ còn khó khăn lắm, hay anh nhỡ tàu, hay anh không mua được vé. Không phải đâu, tôi biết tính anh, đã định làm gì thì không bao giờ để hỏng chuyện. Vé tàu khó mua là khó với ai, chứ như anh, thiếu gì người quen giúp đỡ ở thành phố ấy. Tôi đến cơ quan, gọi điện vào trường Đại học, người ta cho biết anh đi Hà Nội hai hôm rồi. Càng nóng lòng hơn, càng lo lắng hơn, tôi lại tiếp tục gọi đến viện Văn, nhờ người quen hỏi thăm. Bạn gái tôi đang làm cán bộ nghiên cứu ở viện, cũng là một fan của anh. “Anh ấy đến đây hôm qua, vui vẻ lắm chứ có bị gì đâu?”. “Thật không Nga, đừng giấu mình gì cả nhé!”. “Sao lại không thật?”. Giọng Nga ngần ngừ như có gì vương vướng, nhưng tôi chưa nhận ra, vì đang cảm thấy đau nhói: Thiều vẫn khỏe, chỉ có điều anh quên ngày sinh nhật của tôi, nghĩa là anh không yêu tôi nhiều như tôi tưởng, tôi không quan trọng với anh như tôi tưởng!

Sau khi nhận ra cái sự thật đầu tiên ấy, một lúc lâu sau tôi mới nghĩ tiếp qua sự kỳ cục thứ hai: Anh đã ra Hà Nội mà lại không nhắn cho tôi, không đến chỗ tôi. Vì sao vậy? Vặn hỏi mãi rồi tôi cũng được Nga cung cấp hai thông tin: “Tao sợ mày sốc nên chưa dám nói. Anh Thiều báo tin sẽ làm đám cưới với một cô sinh viên ở Huế. Mọi người hỏi chuyện với mày ra sao thì anh ấy nói là đâu có gì, chẳng qua là tin đồn thôi”.

Mặc dù choáng váng đến cực độ mà tôi vẫn còn đủ tỉnh trí để nhận ra câu chuyện này hoàn toàn kỳ lạ và thiếu tự nhiên. Kinh nghiệm sống của tuổi ba mươi hai tuy chưa nhiều nhưng cũng đủ cho tôi biết: Khi một câu chuyện có vẻ vô lý đến không hiểu được thì nhất định phải có một tình tiết nào đó trong chuỗi mắt xích lôgic bị giấu nhẹm đi. Tôi biết chắc Thiều không thể tự nhiên sinh ra tráo trở như vậy, phải có một lý do gì khác. Tôi xộc thẳng đến nhà khách của viện, chận Thiều ngay lúc anh vừa thò mặt ra khỏi cửa. Thấy tôi, anh tái mặt, lúng túng một chốc, rồi biết không thể lảng tránh, mà chắc cũng không đành lòng lảng tránh, anh hạ giọng năn nỉ cho tôi biết lý do và xin tôi giữ kín giùm. “Chuyện cưới vợ là anh tung tin vậy thôi để tổ chức khỏi bàn cãi về quan hệ với em, khỏi kết luận anh vi phạm đạo đức... Viện Văn đã chấp thuận dành cho anh một suất đi Liên Xô, đang còn bình xét...”.

Tôi nhìn anh. Khuôn mặt ngang ngạnh, nụ cười bất chấp... tất cả bây giờ nhuốm một màu sắc khác hẳn khiến tôi dường như không nhận ra. Vậy mà không hiểu sao tôi còn ráng hỏi thêm một câu, chẳng để làm gì, có lẽ chỉ để đẩy nỗi đau đến tận cùng:

“Suất đi Liên Xô được bao lâu?”
“Ba tuần!”

Khóc không nỗi nữa nên tôi bật cười khan. Tiếng cười bật lên cũng là lúc tôi kiệt sức, choáng váng mờ mịt, không còn thấy gì trước mắt nữa. Sau này, Nga kể: “Mày té xỉu cái rầm, mọi người nghe tiếng túa ra đỡ vào nhà. Mày biết Thiều làm gì không, anh ấy mắm môi mắm lợi đấm mạnh vào lòng bàn chân mày....”. Nga bảo tôi, muốn biết một người ngất thật hay giả vờ ngất đi, chỉ cần bất thần đấm mạnh vào lòng bàn chân. “Đấm luôn mấy cái mà mày cứ ngay đơ, anh ấy mới tái xanh cả mặt...”. Tôi nhếch cười khinh bỉ đến tận đáy lòng, sao mà Thiều lại nghĩ tôi cũng có thể đóng kịch để níu kéo anh?
Câu chuyện chỉ hôm sau đã huyên náo cả Hà Nội. Nghe tôi ốm, mẹ tôi đến thăm, phàn nàn: “Con dại quá. Khi không làm to chuyện. Chồng con nói, trước đây hắn bằng lòng bỏ qua hết, nhưng bây chừ thì ồn ào quá ai cũng biết rồi, không giả lơ được nữa”. Tôi nằm nhìn lên khoảng không, nước mắt chảy. “Con cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện quay lui”. Tôi tuổi Ngọ, sinh nhằm cung Hải Sư, yêu ai thì yêu rất chí thành nhưng đã thất vọng và bỏ đi thì sẽ không bao giờ ngoái lui...

Tôi ly hôn với chồng, và từ ấy cũng không gặp Thiều nữa. Cứ tưởng anh đã được xuất ngoại vài ba tuần, cũng đủ tích cóp được chút ít của cải. Nhưng một hôm gặp Nga mới biết, đã chuẩn bị lên máy bay thì anh phải hủy chuyến đi. Nghe nói quyết định công tác Liên Xô đã được cấp thẩm quyền ký rồi nhưng phút chót có một nhân vật nào đó ở văn phòng chính phủ có ý kiến. Nghe bảo Thiều đứng trên sân bay, tay xách nặng cả lố hàng hóa, khóc òa như đứa trẻ...

Buổi chiều anh gõ cửa. Tôi ngạc nhiên. Cứ tưởng lời hẹn trở lại chỉ là một câu vu vơ. Hai mươi năm đã qua, tóc anh đã lấm tấm muối tiêu, rõ ra một giáo sư đáng kính với vẻ trầm ngâm suy tưởng và một chút duyên thầm nơi khóe môi cười ngạo nghễ.

Lâu nay tôi vẫn thỉnh thoảng nghe người ta nhắc nhở về những công trình của anh. Anh đã dời về dạy tại Sài Gòn, càng ngày càng có tên tuổi, càng nổi tiếng. Nghe với đôi tai thờ ơ, như nghe về một người nào đó từng quen nhưng đã lâu không gặp.

Vài câu chuyện rời rạc. Tôi thoáng nhìn bóng mình trong tấm gương soi. Ngoài năm mươi, tôi vẫn thường được người ta khen ngợi là trẻ hơn tuổi, là khỏe mạnh, đầy sức sống... Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy dường như mình thích gặp những người bạn mới hơn là gặp lại những người quen cũ, bởi tôi nghĩ sau mười hay hai mươi năm, chắc chắn khi gặp lại người ta phải thấy dung nhan tôi sa sút rất nhiều.

“Em giỏi lắm”. Thiều bảo tôi. Chắc anh đọc trên báo thấy những bài viết về mấy cuộc triển lãm của tôi gần đây. Đã hết hứng thú sống với đàn ông nên hai mươi năm nay tôi chỉ sống với hội họa, đó là niềm đam mê và tình yêu dài lâu nhất trong đời tôi. “Anh vừa đi Pháp một năm. Ở Paris, mỗi lần vào những gian hàng nước hoa lại nhớ đến Hằng... Anh vẫn nhớ lời hẹn gặp nhau ở cuối đường. Ít ra là để nhận một lời trách...”.

Tôi cười. Cuối cùng rồi anh cũng đã thỏa nguyện được đi nước ngoài, mà đi dài ngày, có thu nhập hẳn hoi. Trông anh bây giờ phương phi, bảnh bao trong bộ áo quần hàng hiệu. Nhưng trong mắt tôi, mãi mãi anh chỉ là một đứa trẻ.

Trước khi về anh để lại gói nhỏ trên bàn. “Chút quà phương xa cho em.” Anh về rồi, tôi mở gói: Một chai Coco Chanel nhỏ bằng hai ngón tay út. Tôi lại cười một mình. Dù sao, cũng gọi là có nhớ.
Tôi mở chai nước hoa, vẩy quanh phòng cho đến giọt cuối cùng. Một mùi thơm dịu dàng tỏa lan khắp nơi, vu vơ mà thăm thẳm, như thể bay về từ quá khứ.

Huế 29-11-2009
Truyện ngắn của Trần Thùy Mai



;
.
.
.
.
.