Những khát khao, mơ ước kéo dài đến hơn 6 nghìn ngày cũng thành hiện thực. Đà Nẵng đã có ngôi vô địch thứ nhì trong lịch sử bóng đá của mình. Quá nhiều cung bậc cảm xúc khi những đợi chờ được đáp đền vào buổi chiều 2-8-2009 lịch sử.
Niềm vui của bóng đá Đà Nẵng với ngôi vô địch quốc gia sau 17 năm chờ đợi. |
Để được nếm trải cảm giác hạnh phúc, lắm lúc niềm tin của người hâm mộ đội bóng sông Hàn bị bào mòn bởi những cú vấp ngã khó tin. Ngạo nghễ trước Hải Quan nhưng cuối cùng phải chấp nhận “cái chết trên chấm phạt đền” tại trận chung kết 1991 hay cú “rơi tự do” vào thời điểm quyết định ở V-League 2006 chưa dễ nguôi ngoai. Sự phẫn nộ, đau đớn... cứ đè nén khiến không ít người phải “thề độc”: “Không bao giờ đến sân Chi Lăng”, như đoan quyết của anh xích lô tên Chi, từng một thời xem bóng đá là máu thịt.
Chẳng ai dám tin, diện mạo bóng đá Đà Nẵng - từ chỗ một “vùng trắng” do phải làm lại từ đầu sau khi QN-ĐN chia tách thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương - thay đổi nhanh chóng đến vậy. Năm 2000, lần đầu tiên, bóng đá Đà Nẵng được trở lại sân chơi của bóng đá đỉnh cao Việt Nam để đến V-League 2005, bóng đá sông Hàn được thừa nhận chính thức bằng vị trí Á quân với sự lèo lái của HLV Lê Thụy Hải.
Rồi Trung tâm Đào tạo Bóng đá trẻ hình thành để xây dựng nền móng cho tương lai bóng đá Đà Nẵng. Với cách làm mang tính căn cơ ấy, những Phan Thanh Phúc, Châu Lê Phước Vĩnh, Huỳnh Quốc Anh, Lê Quang Cường, Huỳnh Ngọc Long... lần lượt trưởng thành và mang lại cho bóng đá trẻ Đà Nẵng danh hiệu vô địch U-21 lần đầu tiên vào năm 2003.
Gần đây, những Phan Thanh Hưng, Võ Hoàng Quãng, Cao Cường rồi Phạm Nguyên Sa, Nguyễn Xuân Nam... tiếp tục cùng bóng đá trẻ Đà Nẵng khẳng định ưu thế với 2 chức vô địch quốc gia liên tiếp 2008 và 2009.
Một cổ động viên rất đặc biệt và từng có không ít kỷ niệm với bóng đá Đà thành đã hiện diện trong ngày đăng quang của bóng đá sông Hàn. Đó là tiền đạo tài hoa một thời Lê Văn Tâm, từng nổi danh trong đội tuyển miền Nam rồi Bưu điện TP. Hồ Chí Minh sau này và là thân sinh của HLV Lê Huỳnh Đức. Ông Tâm thừa nhận: “Đức đã may mắn khi được lãnh đạo thành phố quan tâm, tin tưởng và tạo điều kiện tốt nhất trong công tác chuyên môn. May mắn cho Đức còn là việc Đà Nẵng đã có một nền tảng bóng đá rất tốt. Môi trường như thế đã là cơ sở vững chắc cho sự thành công…”.
Bởi, chính những gương mặt U-21 trước đây và hiện nay đã góp phần đáng kể vào những thành quả tuyệt vời của bóng đá Đà Nẵng hôm nay. Hơn thế nữa, với cơ chế mới, nhận thức mới, cách làm mới cùng với tâm thế mới, bóng đá Đà Nẵng khác xưa rất nhiều. Có chứng kiến cảnh các cầu thủ Đà Nẵng ùa vào tung hô Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh mới thấy hết ý nghĩa của chiếc cúp Vô địch với thành phố bên sông Hàn. Bởi chính vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đã có vai trò quyết định trong việc vực dậy bóng đá Đà Nẵng tưởng đã “suy tàn” sau sự cố năm 1995.
Sau 17 năm chờ đợi, kể từ buổi chiều lịch sử 14-5-1992 khi các cầu thủ sông Hàn đánh bại Công an Hải Phòng 2-0 để lần đầu tiên trở thành “số 1” của bóng đá Việt Nam, cuối cùng, người hâm mộ Đà Nẵng cũng có một ngày trọn vẹn với niềm vui và hạnh phúc.
Song, tất cả dường như cũng chỉ mới là một sự khởi đầu cho một tương lai lạc quan của bóng đá Đà Nẵng.
Chỉ hơn 10 ngày sau khi đăng quang V-League, thầy trò Lê Huỳnh Đức tiếp tục đặt thêm một dấu ấn đậm nét bằng chiến thắng 1-0 ở trận chung kết Cúp Quốc gia với Thể Công (ngày 29-8) để trở thành đội thứ nhì trong lịch sử bóng đá Việt Nam - sau Đồng Tâm Long An - giành “cú đúp” trong một mùa bóng.
Trước đó, HLV Võ Phước cùng các cầu thủ U-15 cũng đã góp phần vào thành công chung bằng chức vô địch Giải bóng đá học sinh tiểu học và THCS toàn quốc Cúp Milo - 2009, khép lại một mùa giải thành công trọn vẹn cho bóng đá Đà Nẵng.
Dẫu rằng, sau mỗi thành công sẽ lại là những thách thức mới. Hay nói như nhà văn Italia A.Moravia: “Thành công là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến”. Và với bóng đá Đà Nẵng, vẫn chỉ mới ở điểm khởi đầu của một cuộc hành trình...
Nguyên An