.

Mở cửa bầu trời

.

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Đúng 12 giờ 34 phút ngày 31-12-2009, chiếc máy bay mang số hiệu VN9941 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam xuất phát từ Sân bay Fukuoka chở 150 hành khách Nhật Bản đáp xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng, chính thức khai trương đường bay mới đến Đà Nẵng. Đây cũng là chuyến bay quốc tế cuối cùng đến Đà Nẵng trong năm 2009, khép lại một năm đầy biến động và mở ra một chặng đường mới đầy triển vọng với mục tiêu mở cửa bầu trời bằng những đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến những sân bay lớn trên thế giới và ngược lại.

Kích cầu từ… mặt đất

Được xây dựng từ năm 1967, chủ yếu phục vụ cho mục đích quân sự, vì vậy sau năm 1975, mặc dù đã được nâng cấp, sửa chữa trở thành sân bay dân dụng với công suất đón tiếp 1 triệu lượt khách/năm, tuy nhiên cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, Sân bay Đà Nẵng đã trở thành chiếc áo chật hẹp, với sự quá tải ngày càng gia tăng. Mà đỉnh điểm là khép lại năm hoạt động 2007, sân bay đã đón-trả đến 1,45 triệu lượt khách.

Nhìn thấy trước vấn đề này, nên ngày 20-4-2004, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 358/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch báo cáo nghiên cứu khả thi Cụm cảng hàng không miền Trung. Và hơn 3 năm sau, ngày 24-12-2007, dự án Nâng cấp, sửa chữa nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng chính thức được khởi công xây dựng, với tổng kinh phí lên đến 1.345 tỷ đồng.

Phối cảnh nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng.  


Theo thiết kế, nhà ga Sân bay quốc tế Đà Nẵng (đang trong giai đoạn thi công) được xây dựng trên diện tích 14.400 mét vuông, bao gồm khối nhà 3 tầng và 1 tầng hầm với tổng diện tích sử dụng 36.600 mét vuông. Nhà ga được trang bị các thiết bị chuyên dụng hiện đại, bao gồm 4 lồng đưa đón khách đến và rời máy bay, 6 thang cuốn tốc độ cao và 11 thang máy có tải trọng từ 1.000 đến 2.000kg, bảo đảm tốc độ giải quyết đón-trả 300 lượt khách/giờ. Công suất thiết kế của nhà ga là 4 triệu lượt khách/năm, và có thể tiếp tục tăng lên đến mức 6 triệu lượt khách khi có yêu cầu.

Theo Chiến lược phát triển hàng không của Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025, đường băng của Sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ được kéo dài lên đến 3.500 mét và chiều ngang 45,72 mét; hệ thống đỗ máy bay sẽ được nâng từ 10 vị trí lên 21 vị trí, bảo đảm cho các loại máy bay hạng nặng hiện đại như B777, A300, A600 lên xuống. Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Với quy mô này, vai trò của Sân bay quốc tế Đà Nẵng không chỉ là cửa ngõ nối với các sân bay trong khu vực, mà còn là dự bị cho các đường bay quốc tế theo trục từ châu Âu sang châu Á-Thái Bình Dương.

Về phần mình, thành phố Đà Nẵng cũng đã có những động thái rất tích cực và cụ thể, tạo điều kiện cho Sân bay quốc tế Đà Nẵng phát huy hết công suất thiết kế. Đó chính là việc mở rộng hệ thống đường giao thông từ ngay cửa ngõ sân bay đi đến các tỉnh, thành miền Trung một cách hết sức thuận lợi. Hiện nay, đường Nguyễn Văn Linh bắt đầu từ cửa ngõ sân bay đã được thi công nối dài đến bờ Tây sông Hàn qua cầu Rồng, để nối vào con đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc.
 
Trước đó, khi hầm đường bộ Hải Vân đưa vào khai thác, thành phố đã “nối dài” bằng cung đường ven biển Nguyễn Tất Thành. Cùng với dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất đã được khởi động, là tuyến đường ven biển các tỉnh duyên hải miền Trung cũng trong giai đoạn khớp nối cuối cùng. Có thể thấy Sân bay quốc tế Đà Nẵng thực sự có vị trí đắc địa, giống như “quả tim” với vô số “mạch máu” từ khắp các tỉnh, thành đổ về.

Những cái “bắt tay”hiệu quả

Nhiều người nói rằng, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đang ở trong giai đoạn “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để thực hiện mục tiêu mở cửa bầu trời của mình. Đầu tiên chính là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố để đem lại cơ hội phát triển cho cửa ngõ hàng không thứ ba của Tổ quốc. Trong những cuộc tiếp đón các chính khách, các tập đoàn kinh tế…, lãnh đạo thành phố luôn mời đối tác mở đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng và đều có sự hồi đáp hết sức tích cực từ phía đối tác.
 
Một trong những việc làm tiêu biểu là Hội thảo Xúc tiến đường bay trực tiếp Đà Nẵng-Nhật Bản do UBND thành phố phối hợp với Bộ VH-TT và DL, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức. Đáp lại những nỗ lực này, chỉ một thời gian ngắn sau đó, một phái đoàn của Công ty TNHH sân bay quốc tế Kansai (Osaka) đã đến Đà Nẵng để bàn việc sớm mở đường bay trực tiếp từ Nhật đến Đà Nẵng và ngược lại.

Đặc biệt, lần đầu tiên các khu nghỉ mát nổi tiếng nằm ở các tỉnh duyên hải miền Trung như Furama Resort, Sandy Beach Resort, The Nam Hai, Victoria Hoi An Resort, Pilgrimage Village, Golden Sand Resort & Spa… cùng gửi thư đến Thủ tướng Chính phủ với mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhằm tạo điều kiện mở thêm những đường bay trực tiếp từ các nước đến thành phố Đà Nẵng.

Đón khách lên máy bay tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng.  


Trước những động thái tích cực từ đối tác, ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Việt Nam cho biết, sẽ áp dụng chính sách ưu đãi cho những đường bay trực tiếp từ các quốc gia đến Đà Nẵng. Cụ thể, sẽ miễn thu các loại phí trong năm đầu và giảm 50% vào năm kế tiếp. Ngoài ra, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam sẽ sẵn sàng đứng ra tổ chức những chuyến bay thuê riêng lẻ các đoàn khách quốc tế đến với Đà Nẵng.

Còn ông Kang Joo An, Chủ tịch Hãng hàng không Asiana Airline cho biết: Trước mắt, hãng sẽ chia sẻ với thành phố bằng hình thức đưa ra giá ưu đãi với hành khách đi đường bay Seoul-Đà Nẵng, để thu hút hành khách thay vì phải đi theo đường Tân Sơn Nhất hay Nội Bài đến Seoul. Và mới đây nhất, ngày 5-1-2010, trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến, ngài Đại sứ Thái Lan tại Việt Nam Pisanu Chanvitan đã hứa sẽ giới thiệu Hãng hàng không Nok Air (có trụ sở tại Bangkok) mở đường bay trực tiếp đến thành phố Đà Nẵng.

Những quả ngọt đầu tiên

Bất chấp những tác động tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2009, số đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng không những không bị cắt bớt mà đã tăng một cách ngoạn mục vào những ngày cuối năm. Chỉ trong vòng một tuần lễ cuối cùng của năm 2009, đã khai trương hai đường bay quốc tế đến Đà Nẵng. Đó là đường bay Đài Bắc-Đà Nẵng và Fukuoka-Đà Nẵng. Trước đó, ngày 5-7, chiếc máy bay A320 của Hãng hàng không Asiana Airline đã đáp xuống sân bay Đà Nẵng với 141 hành khách, chính thức khai trương tuyến bay Seoul-Đà Nẵng.

Theo kế hoạch, Asiana Airline sẽ duy trì tần suất 2 chuyến/tuần đến Đà Nẵng. Đặc biệt, Vitours đã phối hợp với Vietnam Airlines mở đường bay trực tiếp Đà Nẵng-Hồng Kông, bằng cột mốc đáng nhớ là ngày 30-9, Vitours đã đưa những hành khách Hồng Kông đầu tiên đến du lịch Đà Nẵng, Huế, Hội An. Cùng với đường bay trực tiếp Đà Nẵng-Singapore đã được khai trương vài năm trước và đang duy trì hoạt động, thì hiện nay, Sân bay quốc tế Đà Nẵng đã có gần 10 đường bay trực tiếp từ Đà Nẵng đến các sân bay của Nhật Bản, Đài Bắc, Hồng Kông, Hàn Quốc…

Với những sự kiện đó, Sân bay quốc tế Đà Nẵng thực sự đang mở cửa bầu trời.

Bài và ảnh: TRẦN LUÂN SƠN

;
.
.
.
.
.