.

Nơi ấy Sơn Trà

.

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Khi Đà Nẵng dồn hết sức mình để phát triển kinh tế, hệ thống giao thông, khu đô thị vành đai mở rộng, đường phố khang trang, nhà cao tầng thi nhau mọc lên, soi bóng xuống sông Hàn, thì cũng là lúc, Bán đảo Sơn Trà (BĐST) đang khẳng định tầm quan trọng của mình.

Tắm biển bên ghềnh đá, một nét đặc biệt trong du lịch tại Bán đảo Sơn Trà.  


Khơi gợi sự khám phá

Từ chân đèo Hải Vân nhìn về Đà Nẵng, BĐST là một điểm chấm nhoài mình ra biển Đông cùng với núi Hải Vân. Nhìn từ xa, nó giống như con sư tử của núi rừng Trường Sơn lao mình ra biển, phần đuôi còn lưu luyến với núi rừng. Là khối núi chạy theo hướng Đông-Tây, chiều dài từ mũi Mỏ Diều đến mũi Nghê (tính theo đường chim bay) khoảng 15km, có chiều rộng 5km, chỗ hẹp nhất 2km, diện tích 4.390m2. BĐST cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng 7km về hướng Đông-Bắc. Địa hình bán đảo bị chia cắt mạnh bởi những mỏm đá cao, được che chắn bởi cây bụi, tạo thành những bờ, bãi với cảnh quan đặc biệt.

Theo ông Huỳnh Đức Trung, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, vẻ đẹp của BĐST ít “lộ thiên” trên cung đường nhựa khang trang vòng quanh bán đảo. Bởi vậy, nếu đến Sơn Trà chỉ bằng đường ô-tô thì khách thập phương mới chỉ khám phá được 1/3 vẻ đẹp của cụm du lịch núi-rừng-biển này. Đặc biệt, đối với một người chưa biết gì về Sơn Trà, sẽ khó lòng đặt chân đến những thiên đường sinh thái nằm ẩn trong vòm lá xanh mát, dưới những thân cây cổ thụ, để lắng nghe tiếng khỉ gọi bầy, hay tiếng chim rừng lảnh lót ở một nơi nào đó trong khu rừng nguyên sinh trên bán đảo.

Dưới cung đường ấy, nghiêng về phía biển, một loạt các bãi nối tiếp nhau, tạo nên một quần thể bãi biển. Điểm tô cho vẻ đặc biệt này là vô số hòn đá nhẵn mịn, kết quả của những lần sóng êm ả vỗ bờ. Ấy là những bãi Tiên Sa, bãi Đá Đen, Bãi Bang, Bãi Miếu, bãi Sũng Am, Đá Đứng-Hồn Lố, Mom Trọc, Đá Lan, Hòn Sú, Sũng Kè, Đá Chồng, Mom Giữa, Bờ Tre... kéo dài từ Đá Đứng đến Bãi Bắc khoảng chừng 7km, nước rất sâu, không có bãi, khúc khuỷu, đá ghềnh nhiều. Muốn tiếp cận những địa điểm này chỉ có cách đi bằng đường biển. Tiếp đó là Bãi Bắc, Bãi Nam, Bãi Rạng, Bãi Trẹm, Bãi Bụt…

Đấy là nơi mà với những người mới đến Đà Nẵng, khi chưa có nhiều thông tin về BĐST, khó tự mình tìm đến được. Dù nó chính là “linh hồn” tạo nên vẻ đẹp có một không hai của Sơn Trà.

Ông Đặng Hòa, thuyền trưởng tàu Trà Giang, một người gắn bó máu thịt với BĐST bộc bạch, với Sơn Trà, nếu đi tham quan kiểu như “cưỡi ngựa xem hoa” thì không thể nào thấy hết vẻ đẹp của nó. Và thực tế hiện nay, nhiều vị khách khi đến với Đà Nẵng, cũng chỉ dành cho Sơn Trà khoảng vài tiếng đồng hồ trong cuộc hành trình của mình. Đó cũng chính là điểm yếu lớn nhất của người làm du lịch ở Đà Nẵng hiện nay. Không phải chúng ta không có biển đẹp, không phải nơi nghỉ dưỡng của chúng ta tồi tàn, mà vì ta quảng bá chưa rộ, chưa đúng tầm của nó, khai thác chưa hợp lý nên người thập phương đến Đà Nẵng thường chỉ đi một vòng Sơn Trà theo kiểu “đi cho hết Đà Nẵng”.

Không những thế, BĐST có một nét đặc trưng rất riêng. Biển ôm lấy chân BĐST tạo thành vành đai màu ngọc bích. Cung đường nhựa cong theo vành đai ấy, là điểm xuất phát, sau một vòng quanh bán đảo, đích đến cũng chính là nơi du khách khởi hành. Nghĩa là, bằng con đường này, cảnh quan mới luôn mở ra trước mắt du khách, mà không phải quay xe lại để về địa điểm xuất phát ban đầu. Điều này tạo nên một thuận lợi cho phát triển du lịch, những người thích khám phá du lịch sinh thái (DLST).

Vành đai ấy, bao bọc lấy màu xanh của núi đồi, bờ bãi. Đỉnh cao nhất của Bán đảo là 696m và nhiều đỉnh cao trên 500m. Ở đó có thảm rừng nguyên sinh với nhiều loài cây như trâm, chò, dầu rái, dầu lông, dẻ, bình linh, sổ, sộp, sung, si… và các loại thú rừng như khỉ, sóc, chồn, nhím, heo rừng, mang, kỳ nhông, kỳ đà, tắc kè… Từ đây, toàn cảnh thành phố Đà Nẵng đã ở trong tầm mắt. Sông Hàn xa xăm như một dải lụa nhỏ, xa xa là biển Xuân Thiều - Thanh Bình - Mỹ Khê - Non Nước... rực lên trong ánh nắng chiều. Những đêm trăng lặng gió, cả thành phố hiện lên như một chiếc đĩa ngọc được tạo hóa ban tặng, lung linh và huyền hoặc. Giờ đây, cầu Thuận Phước đã nhẹ nhàng kéo Sơn Trà gần hơn với phố phường.

Xây dựng khu đô thị DLST Sơn Trà

Hiện nay tại khu vực BĐST có 7 dự án đang triển khai với tổng số vốn đầu tư khoảng 2.460 tỷ đồng. Như Công ty Cổ phần Tiên Sa đang đầu tư xây dựng khu DLST biển tiêu chuẩn 5 sao, gồm 200 phòng và 50 biệt thự với diện tích 20ha; dự án Khu du lịch Biển Đông do Công ty TNHH Trường Phúc làm chủ đầu tư, xây dựng khu DLST núi-biển trên diện tích rộng 4,3ha, gồm 50 phòng và các dịch vụ giải trí biển như mô-tô nước, câu cá, lặn ngắm san hô... Bên cạnh đó là các dự án Khu du lịch Savico (Bãi Trẹm), Khu du lịch Sơn Trà Resort & Spa (Bãi Nam), Khu DLST biển Ghềnh Bàn - Bãi Đa, Khu du lịch Bãi Bắc...

Du khách đang thả mình trong làn nước mát trong tại bãi U, Sơn Trà. 


Các doanh nghiệp khi khai thác du lịch tại bán đảo sẽ phải đặt tiêu chí phát triển bền vững lên hàng đầu, xây dựng mối quan hệ tổng hòa của thành phần tự nhiên như địa hình, mặt nước, cây xanh. Tổ chức không gian đô thị du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khách du lịch, tài nguyên du lịch, điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội, nhân lực và trình độ quản lý, mối quan hệ vùng, cơ chế - chính sách. BĐST hội đủ nhiều yếu tố để trở thành khu đô thị DLST trong tương lai, với những sản phẩm DLST đặc trưng, có tính cạnh tranh cao.

Trong một chuyến khảo sát vòng quanh BĐST bằng thuyền gỗ, ông Hồ Minh Phương, Trưởng ban Quản lý BĐST và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho rằng, các công trình trong khu đô thị DLST cần xem xét đầy đủ về "sức chứa" của các điểm du lịch ; lấy cảm hứng từ thiên nhiên, hạn chế tối đa sự can thiệp vào môi trường thiên nhiên. Kiến trúc công trình phải đi xa hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu về công năng đơn thuần. Để trở thành một phần độc đáo của cảnh quan đô thị DLST, các vật liệu địa phương được cân nhắc sử dụng như gỗ, sỏi, đá, mái ngói, mái lá, tre... góp phần tạo nên phong cách kiến trúc bản địa, đặc trưng cho BĐST.

Một ý kiến khác từ phía ông Phan Minh Hải, Phó ban Quản lý BĐST và các bãi biển du lịch Đà Nẵng: Các dự án khi được đầu tư xây dựng tại bán đảo nên tổ chức các cuộc thi để chọn ra phương án tối ưu. Trong quá trình lập và xét duyệt các dự án đầu tư xây dựng cần phải tham khảo ý kiến của các ngành liên quan; khuyến khích mật độ xây dựng thấp; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp mạnh đối với những người phá rừng lấy gỗ, săn bắt thú, xây dựng ý thức giữ gìn môi trường sinh thái trong cộng đồng cư dân đô thị.

Khép lại cánh cửa năm cũ để mở ra một cánh cửa mới, cũng là lúc mọi thứ lại bắt đầu. Nét đẹp của trời mây, non nước Sơn Trà cũng ướm hơi xuân để khởi sắc, lộ mình bên biển Đông. Nhiều người yêu mến Đà Nẵng đều hy vọng rằng, ngày mai, ngày kia, vẻ đẹp Sơn Trà không còn là tiềm ẩn. Con sư tử bên biển Đông sẽ thức giấc, vươn vai trở thành một hệ DLST có tên trên bản đồ du lịch thế giới.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.