.

Thể thao Đà Nẵng 2010

.

Quỹ thời gian không còn nhiều khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) đang đến rất gần. Và mục tiêu lọt vào nhóm 5 đơn vị dẫn đầu Đại hội vào lúc này, đang trở thành động lực tích cực cho các đội tuyển thể thao của thành phố Đà Nẵng - đơn vị đăng cai tổ chức.

Phan Thị Kim Dung ,  HCV môn bơi lặn Sea Games 25 tại Lào.  Ảnh: Ngọc Hợi 

Song nét tươi mới đầy lạc quan của Thể thao Đà Nẵng không chỉ dừng lại ở mức giành số lượng HCV cần thiết và lọt vào nhóm 5 đơn vị dẫn đầu đại hội. Điều quan trọng vẫn là sự thay đổi về chiến lược và tư duy trong xây dựng nền tảng cho tương lai, cũng như xác định cụ thể hơn mục tiêu vươn đến của những môn thể thao cơ bản.

Giám đốc Trung tâm HL-ĐT VĐV Đặng Đông Hải cho biết, năm 2010, ngành TDTT Đà Nẵng sẽ tập trung quyết liệt cho các đội tuyển mũi nhọn với những ưu tiên hàng đầu... Các “kình ngư” sẽ được ưu tiên tập huấn dài hạn tại Trung Quốc trong 3 giai đoạn với 3 mục tiêu chinh phục: Giải Vô địch Bơi hồ 25 mét, giải Bơi Vượt sông truyền thống 2010 và giải Bơi lội Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Đồng thời, các đội tuyển Cử tạ, Tennis, Điền kinh, Billiards&Snooker... cũng lần lượt được tập huấn tại Trung Quốc, Thái Lan. Trong khi đó, thông qua Tổ chức Sunny Korea, các đội tuyển Karratedo, cờ, Judo... cũng sẽ lần lượt được tạo điều kiện tập huấn tại Hàn Quốc và đội tuyển Taekwondo đã mở màn cho chuyến tập huấn này.

Vẫn chưa có thể nói nhiều về những thành quả của các đội tuyển khi Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010) vẫn còn ở phía trước. Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan đã có, bằng những thành tích rất cụ thể và từ cách làm đạt hiệu quả khả quan của ngành TDTT Đà Nẵng trong thời gian qua.

Từ chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ” theo chủ trương của thành phố, ngành TDTT đã nhận được sự hợp tác đầy nhiệt tình và đạt kết quả cao từ các HLV, các chuyên gia tên tuổi như Nguyễn Thị Hoàng (TP. Hồ Chí Minh) hay Vương Thái (Quảng Châu), Hoàng Quốc Huy (Quảng Tây, Trung Quốc)... cùng các VĐV Tô Vĩnh Khang, Dương Quốc Phong (Cử tạ), Huỳnh Phương Đài Trang (Tennis), Nguyễn Văn Đạt (Bơi lội)... Nhờ đó, những chuyên gia, HLV, VĐV chuyển nhượng này đã đóng góp xấp xỉ 30% trong tổng số gần 40 HCV mà ngành TDTT thành phố đạt được trong mùa thi đấu 2009.

Thanh Phúc (phải), được đào tạo từ nguồn Thể thao Đà Nẵng và cũng là một trong những “hy vọng Vàng” của Thể thao Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010).  

Cũng chính những gương mặt này đã giúp ngành TDTT thành phố tìm được lời giải cho hàng loạt câu hỏi tưởng như quá khó, như đánh giá của ông Đặng Đông Hải:

- Chính những lực sĩ Cử tạ được chuyển nhượng đã tạo dựng nền tảng phát triển cho Cử tạ Đà Nẵng. Và những Tô Vĩnh Khang, Dương Quốc Phong, Hoàng Anh Tuấn... vẫn là những “hy vọng Vàng” của Đà Nẵng tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6. Hay việc tuyển mộ được VĐV bơi lội Nguyễn Văn Đạt, đội tuyển Bơi lội Đà Nẵng sẽ mạnh hơn trong nội dung tiếp sức đồng đội nam. Gần đây nhất, ngôi vô địch cá nhân nữ của tay vợt tennis Huỳnh Phương Đài Trang càng làm tăng khả năng giành HCV của Tennis Đà Nẵng tại đại hội. Chúng tôi cũng đã tuyển mộ một tay vợt nam có trình độ, với mong muốn nâng cao hy vọng tranh chấp ở cả nội dung đôi nam - nữ lẫn đôi nam và đồng đội nam...

Đến lúc này, với cách làm mang tính đặc thù của mình, cùng với những VĐV chuyển nhượng xuất sắc, Thể thao Đà Nẵng vẫn có những Trần Lê Quốc Toàn (Cử tạ), Phan Thị Thanh Bình, Đỗ Đan Thy (Tennis nữ), Hoàng Quý Phước (Bơi lội), Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thanh Ngưng (Điền kinh)... đã và sẽ là những “hy vọng Vàng” không chỉ tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6 (2010), mà có thể, còn hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn nữa. Hơn thế, với việc xác định sự phát triển của những môn thể thao cơ bản, Thể thao Đà Nẵng đã có thể tự tin hơn để bước vào cánh cửa tương lai...

Bảo An

;
.
.
.
.
.