.

Từ mùa xuân đến mùa xuân

.

Không biết tự bao giờ cái “Bến xuân” trong âm nhạc của Văn Cao đã neo đậu vào trí nhớ của tôi như một cái bến quê nhà vừa lộng lẫy vừa thấm đẫm những mùi hương thanh âm. Là một nghệ sĩ lớn của đất nước, hẳn sức vang hưởng âm nhạc của ông đã xây thành bao nhiêu bến bờ huyền thoại trong tâm hồn mọi người.

Con người ta, có những rung cảm không tên không tuổi đầu đời, ấy vậy mà nó lại lắng sâu vào ký ức, hễ có dịp khơi dậy là lại hiện lên lung linh. Cái “Bến xuân” mà tôi nói đến là một bến bờ như thế. Những câu hát, tôi thuộc không tròn bài tròn câu, cứ í ới hát theo mẹ của mình “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân...”. Thú thật, tuổi hoa niên tôi cũng chẳng biết bài ca ấy là của ai, cứ vui miệng tập tễnh hát theo người lớn.

Đêm đêm nằm cạnh mẹ, tôi được nghe khá nhiều những bài mẹ hát thời chiến tranh, có những bài mẹ không cho tôi hát theo và còn nghe mẹ dặn dò kỹ càng: “Con không được hát những bài này, chớ dại người ta nghe được sẽ bắt đó”. Về sau, tôi mới biết đấy là những bài ca kháng chiến. Có điều rất lạ là, mặc dù nghe theo lời mẹ tôi không dám hát những bài mẹ đã dặn, vậy mà vẫn cứ thuộc “Gió bấc tới đây xào xạc rung cây gió lá bay, một mùa đông bao người đan áo”, hay là “Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày...”.

Cứ thế cái “Bến xuân” của tôi là cả một thế giới âm thanh của mẹ, nó cùng với những bài hát ru nuôi tôi lớn lên. Và nhớ nhất là bao lần Tết, những đêm thức thâu đêm suốt sáng lăng xăng phụ giúp mẹ gói bánh, nấu bánh, những bài ca mẹ hát vào những đêm ấy dường như thấm đẫm mùi hương. Hình như mẹ tôi cũng chẳng rõ những bài ca ấy, bài nào của Văn Cao, bài nào của Phạm Duy và bài nào của Đỗ Nhuận... Mẹ hát cứ như từ vô thức vỡ ùa ra một tình yêu, một tiếng lòng, một nỗi nhớ nhung mơ hồ nào đó.


Trong một bài viết “Tại sao tôi viết Tiến quân ca” của Văn Cao đăng trên tạp chí Sông Hương số tháng 5 năm 1992, Văn Cao viết: “Sau triển lãm duy nhất 1944 (Salon Unique), tôi về một căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền. Ba bức tranh sơn dầu của tôi tuy được trưng bày vào chỗ tốt nhất của phòng tranh nhà Khai Trí Tiến Đức - và được các báo khen ngợi nhưng cũng không bán nổi. Hy vọng về cuộc sống hội họa tại Hà Nội không thể thực hiện được...”. Hội họa đã như thế, còn đối với âm nhạc và thơ văn, Văn Cao đã sống trong một hoàn cảnh nào có hơn gì.

“Tôi chưa bao giờ nhận được tiền nhuận bút về các bản nhạc viết hồi đó, dù đã trình diễn nhiều lần ở các tỉnh từ Bắc tới Nam, tôi cũng không nhận được tiền nhuận bút về thơ và truyện ngắn... Năm ấy rét hơn mọi năm... Có đêm tôi phải đốt dần bản thảo và ký họa để sưởi. Đêm năm ấy cũng dài hơn mọi năm. Những ngày đói của tôi bắt đầu...”. Chính thời điểm đó, Vũ Quí - nhà hoạt động cách mạng, cũng là người thường khuyến khích Văn Cao sáng tác những bài hát yêu nước, hai người gặp nhau, từ đây đã quyết định cuộc đời mới của Văn Cao. Ông đứng vào hàng ngũ đội quân kháng chiến với nhiệm vụ đầu tiên được giao: “Soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta”. Và đêm ấy trên căn gác hẹp 45 Nguyễn Thượng Hiền, Văn Cao đã viết ra những nét nhạc đầu của bài “Tiến quân ca”.

Tài năng và sự nghiệp của Văn Cao thì đã rõ ràng, các nhà nghiên cứu đã có thể lật từng khoảnh khắc thời gian để nói về từng tác phẩm. Nhưng tôi muốn nhìn Văn Cao như một hiệp sĩ của đức tin đã vượt thoát mọi cám dỗ và đạt tới sự nhẫn nại vô cùng. Đức tính nghệ sĩ của ông bộc lộ trong tác phẩm chỉ là một phần trong toàn thể cái phẩm chất cao đẹp mà ông đã đi suốt con đường định mệnh của mình.

Từ sau ngày đất nước hòa bình, núi sông liền một dải, con người và cây cỏ như muốn bay lên reo vang niềm hạnh phúc. Trong men say ngất ngay mùa xuân 1975 đến cái Tết độc lập đầu tiên 1976, sau một quãng thời gian dài im lặng, Văn Cao viết “Mùa xuân đầu tiên” góp vào bầu trời âm nhạc Việt Nam một phân khúc trong hợp xướng giao hưởng êm đềm hoan ca cùng hòa bình đất nước: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên...”. Giai điệu ca khúc hòa quyện với ca từ êm ái, gieo vãi bao niềm xao xuyến dặt dìu như ban phát niềm bình yên mát rượi xuống mọi tâm hồn. Nghe nhạc ấy, ai cũng có được cái cảm giác, những thanh âm thanh khiết rót vào trái tim và lan tỏa nhịp nhàng thành một cộng hưởng rung cảm ngân vang, để từ đó lấp lánh bao sắc màu hiện lên trong mắt người một thế giới thanh bình tựa như cổ tích: “khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”.

Có thể nói hình ảnh mà âm nhạc và ca từ “Mùa xuân đầu tiên” xây thành là thứ hình ảnh thanh bình đạt tới sự bình an như ca dao xưa mẹ hát ru con: “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ”. Nghĩa là thế giới ấy, nơi không còn bóng tối, không còn tham vọng mưu toan, nơi mọi cửa nhà không cần then cài cửa đóng để gió hòa bình len vào, lắng sâu vào tất cả. Hay có thể nói khác hơn, đấy là một thứ sóng ngầm tạo ra những rung cảm nghệ thuật để “Mùa xuân đầu tiên” mãi mãi là đầu tiên, dư vang còn nóng hổi trên tay người “nước mắt trên vai anh, giọt rơi ấm đôi vai anh, niềm vui phút giây như đang long lanh”.

Tôi lại chợt nhớ cái “Bến xuân” của Văn Cao trong cái thiên đường ký ức ngập tràn khói sương thời tuổi hoa niên của mình. Thật lòng mà nói, ở vào cái tuổi vung dại ấy, tôi nào hiểu gì về âm nhạc, nhưng có điều chắc rằng, nếu thiếu đi những cái “Bến xuân” mà hằng đêm giọng mẹ thường ngân nga cùng với những “Ngày mùa, Làng tôi...”, hay là bao khúc dân ca khác, thì cái thiên đường lung linh những ký ức ấy không chừng sẽ nghèo nàn, sẽ guộc gầy những giấc mơ đẹp. “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước. Em đến tôi một lần. Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân”. Tôi là gì trên cái “Bến xuân” thăm thẳm ấy, là cánh chim rừng hợp đàn hay là thằng bé sớm biết lãng mạn để nhận ra nhánh sông con xa vắng chảy qua trước nhà mình vào những chiều ngóng trông mẹ về qua bến đò ngang. Dòng đời trôi cứ trôi, nỗi nhớ thì ở lại, còn niềm quên thì xuôi về biển cả. Có ai ngờ hạt giống từ câu hát mẹ đã gieo vào tôi trong lắng sâu, để về sau mỗi khi nhớ mẹ, thằng bé mồ côi - là tôi lại thường nghêu ngao “Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước”.

Nối cái “Bến xuân” ngày xưa ấy vào cái “Mùa xuân đầu tiên” bây giờ, ngày Nhạc sĩ Văn Cao về cõi vĩnh hằng, tôi và anh em bạn bè văn nghệ của mình tưởng nhớ ông cũng nghêu ngao hát. Hát như nhớ mẹ mà hát! Mới đấy mà đã mười lăm năm rồi (1995-2010)! Hơn nửa thế kỷ hoạt động âm nhạc, sức sống của âm nhạc Văn Cao minh chứng cho chúng ta về một cái đẹp cao cả đủ sức chiến thắng được thời gian. Với tôi, chừng như nhạc của ông cất lên bất cứ nơi đâu là những quãng vắng hiện ra một xứ sở thanh bình tươi xanh êm ả, một nơi “Từ đây người biết yêu người...”. Thế giới ấy cũng là nơi giúp người ta an trú vào đấy nghĩ ngơi để tỉnh thức. Để ngày qua, tháng qua, mặt đất bớt đi những gập ghềnh, để mọi giấc mơ đẹp sinh thành mùa xuân nối tiếp những mùa xuân!

Đà Nẵng, mùa xuân 2010

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.