.

Non sông nghìn thủa vững âu vàng

.
(Đà Nẵng Xuân 2011) - Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông-Nguyên lần thứ ba (1288) không chỉ mang ý nghĩa chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình; mà còn hình thành một tâm thế mới cho nước Đại Việt, thể hiện qua câu thơ của vua Trần Nhân Tông trong lễ mừng công trước tiên tổ: “Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Non sông nghìn thủa vững âu vàng).

Mô tả ảnh.
Đèo Hải Vân. Ảnh: Huy Đằng
 
Với tâm thế đó, 5 năm sau (1293) vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, lên làm Thượng hoàng và thực hiện những chuyến công du cả ba miền biên ải để củng cố lãnh thổ, sắp đặt chính sự; đến năm 1299 lên hẳn Yên Tử tu học Phật pháp, lập ra dòng Thiền Trúc Lâm.

Nhưng vì lo nghĩ đến sự phát triển bền vững của quốc gia, nên vào năm 1301, Trần Nhân Tông hạ sơn đi kinh lý các miền trong nước và sang thăm Champa; đồng thời tìm kiếm hậu thuẫn ở phương Nam bằng việc hứa gả công chúa cho vua Champa để kết tình giao hảo. Kết quả là tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), vua Chế Mân (Jaya Simhavarman III) cưới công chúa Huyền Trân nhà Trần với sính lễ là hai châu Ô, Lý.

Như vậy, chủ trương của vua Trần Nhân Tông thực hiện từ năm 1301 đã mở ra sự gắn kết của vùng đất hai bên đèo Hải Vân trong không gian nước Đại Việt, hướng đến sự phát triển dài lâu trong một cộng đồng quốc gia lớn hơn và hùng mạnh hơn. Năm 1307, nhà Trần đổi hai châu Ô, Lý thành Thuận Châu (nam Quảng Trị, một phần bắc Thừa Thiên-Huế hiện nay) và Hóa Châu (phần lớn Thừa Thiên-Huế đến bắc sông Thu Bồn hiện nay).

Sự hòa nhập lãnh thổ một cách hòa bình từ thời Trần đã khiến cho quá trình cộng cư của cư dân Quảng Nam diễn ra thuận lợi, hình thành cộng đồng dân cư đa sắc thái, bao gồm các dân tộc thiểu số, người Chăm, người Việt; các yếu tố văn hóa bản địa vẫn được tiếp tục duy trì.

Tuy nhiên, phải đến năm 1471, đời vua Lê Thánh Tông (trị vì từ 1460 đến 1497), tên Quảng Nam mới chính thức xuất hiện với tư cách là đơn vị hành chính thứ 13, gọi là Thừa tuyên Quảng Nam, có địa giới kéo từ nam Hải Vân đến núi Thạch Bi, gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (nay là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định).

Có thể nói, vua Lê Thánh Tông là người đã tiếp nối ý tưởng “vững âu vàng”, mà năm xưa Thượng hoàng Trần Nhân Tông khởi xướng, một cách có hiệu quả lâu dài, thông qua việc mở rộng và hòa nhập lãnh thổ với các cộng đồng dân cư ở phía Nam nhằm củng cố, tăng cường sức mạnh quốc gia.

Để bảo đảm “non sông nghìn thủa vững âu vàng”, vua Lê Thánh Tông luôn đồng nhất giữa chính sách bảo vệ và hòa nhập lãnh thổ về phía Nam với việc xây dựng một nhà nước trung ương tập quyền hùng mạnh, độc lập và thống nhất. Đó là tư tưởng nhất quán trong đường lối trị nước của vua Lê Thánh Tông dựa theo triết lý “vững âu vàng” do Trần Nhân Tông vạch ra.

Trong hệ thống triết lý “vững âu vàng”, vua Lê Thánh Tông là người đã biết dùng đất Quảng Nam (nghĩa là phương Nam rộng mở) để tạo chỗ đứng vững chắc cho sự mở rộng và vươn mình của quốc gia về phía Nam mênh mông, kết nối các cộng đồng dân cư đa dân tộc, tạo nên sức mạnh lớn hơn nhằm đạt đến sự trường tồn của quốc gia trong thế thường xuyên đối mặt với phương Bắc luôn thật khó lường.

Triết lý “vững âu vàng” và ý nghĩa của từ “Quảng Nam” không chỉ thấm nhuần trong chủ trương, chính sách và hành động của triều Lê Thánh Tông, mà còn là trục tư tưởng và hành động xuyên suốt các triều đại sau đó, đặc biệt là thời các Chúa Nguyễn và Vương triều Nguyễn. Mọi diễn biến xảy ra trong lịch sử từ thời Lê đến thời Nguyễn đã thể hiện rất rõ tính hiệu quả của triết lý của Trần Nhân Tông và tầm nhìn cũng như hành động chuẩn xác của Lê Thánh Tông.

NGUYỄN QUANG TRUNG TIẾN
;
.
.
.
.
.