.

Tăng trưởng kinh tế bền vững nhìn từ hiệu quả đầu tư công

.
(Đà Nẵng Xuân 2011) - 1. Đầu tư công (hay đầu tư của Nhà nước) là sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN) để đầu tư vào các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội không vì mục tiêu lợi nhuận và không có khả năng thu hồi vốn (hoặc thu hồi vốn chậm).

Mô tả ảnh.
Cầu Thuận Phước. Ảnh Ông Văn Sinh
 
Đối tượng của đầu tư công rất đa dạng gồm: các chương trình mục tiêu, các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các công trình công cộng, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước... Nguồn vốn đầu tư công được lấy từ: (1) nguồn chi đầu tư phát triển của NSNN - hình thành bởi nguồn thu thuế, phí từ phát sinh kinh tế nội địa và xuất nhập khẩu; từ khai thác quỹ đất và nhà công sản; (2) nguồn viện trợ phát triển và viện trợ không hoàn lại; và từ (3) nguồn tín dụng đầu tư ưu đãi của Nhà nước. Trong bài này tác giả chỉ nói đến nguồn chi từ NSNN.

2. Từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, kinh tế Đà Nẵng đã liên tục tăng trưởng cao, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 11,4%/năm; trong đó giai đoạn 2001-2005 có tốc độ tăng bình quân cao nhất là 12,96%/năm (năm 2005 có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 14 năm qua là 14,21%). Giai đoạn 2006-2010 giảm xuống 10,7%.

- Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân đạt 17,3%/năm; dịch vụ đạt bình quân 10,3%/năm (riêng giai đoạn 2006-2010 tăng trưởng của ngành dịch vụ rất cao, bình quân đạt 18,25%). Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng gấp 12,5 lần năm 1997 và ngành dịch vụ tăng gấp 8,5 lần.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao ngày càng tăng. Tỷ trọng trong GDP của 3 nhóm ngành theo thứ tự dịch vụ, công nghiêp-xây dựng và nông nghiệp năm 1997 là 54,4 - 35,8 và 9,7% thì đến năm 2010 là 51,2 - 46 và 2,8%.

- Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 2.016 USD, gấp gần 2 lần của cả nước; không còn hộ nghèo theo chuẩn quốc gia, chỉ còn 9,3% hộ nghèo theo chuẩn thành phố.

- Cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư mới và chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại, là điểm sáng của cả nước; đang xây dựng để đạt các tiêu chí của thành phố môi trường.

Tuy nhiên, động lực và kết quả tăng trưởng kinh tế hiện nay đang giảm dần, do những nguyên nhân:

- Phần lớn GDP dựa vào khai thác lợi thế tài nguyên đất đai, nhân công chi phí thấp, dịch vụ tiêu dùng sử dụng nhiều lao động phổ thông… đã có lợi thế trong giai đoạn đầu, nay bắt đầu hạn chế phát huy tác dụng.

- Nhờ gia tăng lượng vốn đầu tư xã hội trong thời gian qua đã giúp GDP tăng trưởng cao, nhưng hiệu quả đầu tư thấp (chỉ số ICOR ngày càng cao) nên muốn duy trì tăng trưởng phải tiếp tục gia tăng vốn đầu tư ngày càng cao. Đây là điều không thể vì tỷ lệ huy động gần như đã tới hạn.

- Chi phí đầu vào, nhất là năng lượng, giá cả tiếp tục tăng lên, trong khi năng suất lao động thấp lại có xu hướng giảm do trình độ công nghệ lạc hậu, kỹ năng nghề nghiệp thấp, phát triển các ngành mang hình thức gia công, giải quyết việc làm là chủ yếu.

Tóm lại, để phát triển thành phố chúng ta đã tập trung đầu tư nhiều về lượng nhưng chưa đầu tư tương xứng về chất, nên tăng trưởng kinh tế đạt được trong giai đoạn vừa qua chưa vững chắc, hiệu quả thấp và chi phí cao.

3. Sự tăng trưởng kinh tế cao và liên tục trong thời gian qua như phân tích trên chủ yếu nhờ gia tăng lượng vốn đầu tư xã hội, trong đó đầu tư công chiếm tỷ trọng khá lớn.

 Huy động được vốn đầu tư xã hội trên địa bàn thành phố với quy mô lớn, bình quân chiếm khoảng 50% GDP, cao hơn nhiều so với cả nước (40%) là thành công đáng kể của thành phố trong phát triển kinh tế. Trong cơ cấu đầu tư xã hội thì đầu tư công chiếm khoảng 35%, cao hơn cơ cấu đầu tư công của cả nước.

 Chính sự tăng trưởng nhanh của vốn đầu tư trong những năm qua đã tạo điều kiện cho thành phố nâng cao năng lực và chất lượng của cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất nhất là kinh tế dân doanh, từng bước đổi mới kỹ thuật-công nghệ, tạo nhiều việc làm cho người lao động...

Theo số liệu thống kê, tương ứng với 3 giai đoạn phát triển của thành phố, đầu tư công chiếm tỷ trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố là 37,7; 41 và 27%. Điều này cho thấy tỷ trọng đầu tư công có xu hướng giảm dần trong khi tỷ trọng đầu tư dân doanh, đầu tư của nước ngoài tăng lên. Đây là xu hướng đúng đắn cho bài toán cơ cấu đầu tư của thành phố.

Nhưng theo thống nhất chung hiện nay thì hiệu quả đầu tư của nước ta còn thấp và có xu hướng giảm dần; thành phố cũng nằm trong thực tế này. Những biểu hiện hạn chế và nguyên nhân của đầu tư công của thành phố là:

- Hệ số ICOR đã tăng liên tục: 1997 (2,6 lần); 2000 (4,8); 2005 (4,4); 2009 (5,8), thậm chí so sánh với cả nước cùng thời điểm trên thì hệ số ICOR của thành phố còn cao hơn.

- Do mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào sự tăng vốn đầu tư và tỷ trọng đầu tư công trong tổng đầu tư xã hội còn cao hơn mức bình quân cả nước và có xu hướng giảm chậm.

-Một đặc điểm quan trọng trong cơ cấu vốn đầu tư công của thành phố là tỷ trọng của vốn có nguồn gốc từ thu tiền sử dụng đất là khá cao (cao nhất là 70,86% vào năm 2008). Tuy nhiên, tỷ trọng này đang có xu hướng giảm dần khi mà quỹ đất của thành phố đang ngày càng thu hẹp. 

- Tình trạng đầu tư công phân tán, đầu tư thiếu đồng bộ, đầu tư cùng lúc vào nhiều dự án… vẫn còn phổ biến. Một số dự án triển khai chậm, kéo dài tiến độ, làm tăng chi phí đầu tư và chậm đưa công trình vào sử dụng; có công trình đã đưa vào sử dụng nhưng hiệu quả đầu tư không đạt như mong muốn và dự tính ban đầu.

- Việc triển khai các phương thức đầu tư mới nhằm kêu gọi đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng như hợp tác công tư (PPP), BOT, BTO, BT… chưa được quan tâm phát triển.

4. Các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công trong 5 năm tới:

- Một là, cần sớm ban hành một chương trình tổng thể để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nhằm chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư để chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh, trên cơ sở rà soát, bổ sung, điều chỉnh đồng bộ các quy hoạch ngành, lĩnh vực kinh tế  phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của thành phố đã được phê duyệt.

- Hai là, nâng cao năng lực quản lý đầu tư công, tăng cường hiệu lực và hiệu quả công tác thẩm định, đấu thầu, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư, phản biện và giám định xã hội; tiếp tục cải cách các thủ tục đầu tư - XDCB. Tăng cường quản lý, sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) hiệu quả, tiết kiệm.

- Ba là, thay đổi cơ cấu chi ngân sách theo hướng tập trung nguồn vốn đầu tư Nhà nước cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế chủ lực có lợi thế trong việc tạo ra giá trị gia tăng lớn gồm du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải - kho bãi, tài chính - ngân hàng... Chi ngân sách nhiều hơn cho giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, dạy nghề.

- Bốn là, ban hành cơ chế khuyến khích, ưu đãi đầu tư để khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp công nghệ cao có lợi thế cạnh tranh. Triển khai các hình thức kêu gọi đầu tư tư nhân vào kết cấu hạ tầng theo các hình thức PPP, BOT, BTO, BT.

- Năm là, phát hành trái phiếu đô thị để thu hút vốn đầu tư đối với các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng; sử dụng nguồn vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố với vai trò “vốn mồi” để thu hút các nguồn lực đầu tư của khu vực tư nhân đối với các dự án đầu tư trong một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao để tăng thêm tính cạnh tranh và chất lượng trong cung cấp dịch vụ.

VÕ DUY KHƯƠNG
;
.
.
.
.
.