.

Ông Tây khuyến học

.

(Đà Nẵng Xuân 2011) - Ông Enzo Falcone là Chủ tịch Hội Từ thiện Care the People (Ý). Đây là tổ chức do ông sáng lập để bảo trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, thông qua Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng.

 

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trò chuyện với bác sĩ Enzo Falcone vào đầu năm 2010 nhân dịp “Care the People” nhận Bảng vàng ghi công cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong 10 năm qua tại Hà Nội.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trò chuyện với bác sĩ Enzo Falcone vào đầu năm 2010 nhân dịp “Care the People” nhận Bảng vàng ghi công cho sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong 10 năm qua tại Hà Nội.

Cái duyên nợ gắn ông với mảnh đất Đà Nẵng được gọi vui là “thiên tình sử trên máy bay”, bởi đây là câu chuyện tình lãng mạn, đầy thi vị…

Duyên nợ từ… trời xanh

Chị Lưu Thị Minh Tâm, vợ ông Enzo Falcone, nhớ lại: Tháng 4-1994, trên chuyến bay từ Ý về Việt Nam, chị gặp Enzo ngồi ghế gần đó nhưng hai người chẳng hề trò chuyện với nhau. Đến không phận nước Pháp, máy bay gặp sự cố buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Orly. Lúc này, hầu hết hành khách trên máy bay bị “nhồi” đến ngất xỉu, ói mửa… Là bác sĩ của tổ chức Y tế phi chính phủ “Thầy thuốc không biên giới”, Enzo đã cùng các tiếp viên hàng không chăm sóc, điều trị cho phụ nữ và trẻ em, trong đó có chị Tâm. Thế rồi trong lòng chị Tâm dấy lên những xúc cảm…

Trong chuyến bay khác hôm sau về Việt Nam, chị Tâm cùng bác sĩ Enzo lại ngồi cạnh nhau. Họ đã chia sẻ rất nhiều điều về đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên Enzo đến Việt Nam làm bác sĩ tình nguyện.

 

Mô tả ảnh.
Bác sĩ Enzo Falcone cùng các em nhỏ ở Trung tâm Từ thiện thành phố Đà Nẵng.

Đến Việt Nam, hai người lưu luyến chia tay. Enzo về Bắc Giang làm bác sĩ tình nguyện, còn chị Tâm về thành phố Hồ Chí Minh làm việc. “Cứ tưởng cái phút ban đầu lưu luyến ấy chỉ thoáng qua, nhưng sau đó, Enzo thường xuyên liên lạc thư, điện thoại cho tôi. Những lời tỏ tình chân thành, dễ thương của anh đã làm tôi xao xuyến”, chị Tâm nhìn chồng và cười bẽn lẽn.

Hôn lễ đã diễn ra 3 tháng sau cuộc gặp gỡ duyên nợ ấy. Điều kiện làm việc ở tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” buộc Enzo phải đi lại nhiều nơi. Chị Tâm đã bỏ việc ở thành phố Hồ Chí Minh, cùng chồng sống, làm việc tại nhiều tỉnh, thành của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới để thực hiện những dự án từ thiện về y tế. Đến năm 2003, bác sĩ Enzo nghỉ việc ở tổ chức “Thầy thuốc không biên giới” và cùng vợ về Đà Nẵng sinh sống.

Trái tim nhân ái

Ngay từ khi về Đà Nẵng, Enzo Falcone đã bàn với vợ thực hiện các công việc từ thiện. “Lúc mới đến, tôi thấy nhiều trẻ em ở thành phố Đà Nẵng có hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng tinh thần hiếu học, cầu tiến rất cao. Vì thế, tôi muốn làm điều gì đó để giúp đỡ các em đạt được ước mơ của mình”, bác sĩ Enzo chia sẻ. Năm 2003, ông thành lập tổ chức từ thiện “Care the People” để cấp học bổng dài hạn cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thông qua sự giới thiệu của Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng.

Trong hai năm đầu 2003-2004, kinh phí hoạt động chưa có nhiều, vợ chồng Enzo bỏ tiền ra bảo trợ học bổng dài hạn cho 40 học sinh phổ thông để các em có điều kiện học hết THPT. Tuy nhiên, số học sinh nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn trên địa bàn thành phố nhiều, mà quỹ học bổng lại có giới hạn. Thế là Enzo về Ý vận động bạn bè hỗ trợ học bổng.

Thông qua cầu nối của ông, nhiều học sinh ở Đà Nẵng đã có cha mẹ nuôi tại Ý. Hằng tháng, các em đều gửi thư thông báo kết quả học tập cho các cha mẹ nuôi biết. “Thấy việc làm của mình đúng mục đích và ý nghĩa, những người bạn của tôi ở Ý cảm thấy hạnh phúc”, Enzo nói. Không những thế, ông còn mời những người bạn từ Ý sang Đà Nẵng và trực tiếp trao học bổng. Đến nay, đã có hơn 3.000 lượt bạn bè của Enzo tại Ý đóng góp, ủng hộ tiền cho “Care the People”.

 

Mô tả ảnh.
Tổ chức “Care the People” trao học bổng cho học sinh nghèo ở Đà Nẵng.

Năm 2008, Enzo đã vận động kinh phí 3 tỷ đồng xây dựng Trung tâm Từ thiện xã hội thành phố Đà Nẵng tại đường Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) nhằm nuôi dưỡng, bảo trợ cho khoảng 40 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Hiện nay, Trung tâm Từ thiện xã hội thành phố Đà Nẵng đang chăm lo, nuôi dưỡng 15 trẻ em mồ côi từ 6 đến 16 tuổi. Các em còn được đi học tại các trường phổ thông, học các môn nghệ thuật, thể thao… Em Nguyễn Thị Phương Uyên (12 tuổi), trú phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), hiện học lớp 7/3 Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết: Trước đây, hoàn cảnh gia đình em khó khăn, bố mất sớm, mẹ buôn bán hàng hóa lặt vặt. Gia đình thu nhập không đủ sống, em có nguy cơ bỏ học. Nhưng từ khi vào sống ở Trung tâm Từ thiện thành phố Đà Nẵng, em được chăm lo ăn uống đầy đủ và hằng ngày được cắp sách đến trường cùng bạn bè.

“Tôi là người Đà Nẵng!”

Enzo đã khẳng định như vậy bởi suốt 8 năm sống tại ngôi nhà số 190 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) cùng vợ và con trai, con gái xinh xắn, ông thấy mọi thứ trên mảnh đất này đều trở nên thân thiện, gần gũi đến lạ kỳ. “Những ngày đầu mới về Đà Nẵng, ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là mỗi lần ra đường, gặp mọi người trong xóm, ai cũng bắt tay thân thiện và rạng rỡ nụ cười”, Enzo nhớ lại. Suốt 3 năm, Enzo chưa trở về thành phố Milan thơ mộng của nước Ý và kỳ thực ông không còn cảm giác nhớ quê hương xốn xang như trước đây.

Enzo khoe, sau gần 17 năm ở Việt Nam, trong đó có 8 năm sinh sống tại Đà Nẵng, vừa qua, ông đã được nhập quốc tịch. Công việc của ông mỗi tuần là đến kiểm tra tình hình sinh hoạt, ăn ở, học tập của các em sống tại Trung tâm Từ thiện thành phố Đà Nẵng. Những lúc rảnh rỗi, ông liên lạc với bạn bè ở Ý để kêu gọi tài trợ cho các em. Ông luôn muốn làm những điều thật có ích cho quê hương thứ hai của mình.

“Nếu một ngày nào đó, các dự án hoạt động từ thiện xã hội chấm dứt, tôi sẽ tìm mọi cách “đẻ” ra thêm những công việc ý nghĩa khác, nhằm giúp đỡ những trẻ em và phụ nữ nghèo có hoàn cảnh bất hạnh”, Enzo tâm sự.

NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.