.

Bồi hồi chiều cuối năm

.

1. Cái Tết mình kể cũng lắm cái lạ. Mỗi năm một lần, Tết đến rồi Tết đi, để lại trên mỗi đời người một cái gì như chất muối, như mùi hương, cứ mỗi ngày một ngấm, một đượm.

Như người bạn đời thân thiết xa đã năm trời nôn nao không chịu nổi, Tết đã đến sớm vẫy tay ngoài ngõ từ chiều Ba mươi.

Ngày quá trưa, chiều như xuống chậm. Tầm bốn năm giờ đổ đi, chợ ba mươi đã vãn. Đường vắng người dần. Nhà cửa, cây cối mơ màng trong sương. Không khí sực nức hương trầm. Trời cứ hiu hiu như một nỗi niềm. Người cứ lơ lửng, như vấn vương, như mong đợi một cái gì không nói ra được nhưng rõ ràng đang lần khuất trong tâm khảm, lại như đang chập chờn trước mắt.

Vào thời khắc đó, như đã thành lệ, tôi thường dong xe một vòng phố. Cứ hãm nhỏ ga, thả xe rài rài qua những nơi còn lưu lại những kỷ niệm không thể nào quên trong đời mình. Thường phải rà xe dừng lại một lúc, để nhìn ngược lại sáu mươi năm về trước, chính chỗ này đây, hồi đó… người cứ ngẩn ngơ, bồi hồi nhớ, bồi hồi nghĩ trước những đổi thay của cuộc đời - đời mình, đời phố.

2. Giữa 1950, tôi được trên cho đi học ở Trung Quốc, theo các chuyến ghe bầu vượt biển sang Hải Nam. Đã có những chuyến trót lọt. Đến lượt chúng tôi thì bị giặc Pháp bắt đưa về Đà Nẵng. Tra khảo chán chẳng moi được gì, chúng giam không án, bắt đi làm cỏ-vê. Nơi giam chúng tôi là Trại quản thúc Tua-ran, dân mình gọi là lao Con Gà. Làm cỏ-vê là nhại tiếng Tây tức là phu phen tạp dịch. Thôi thì đủ. Nhẹ thì lau chùi quét dọn, phụ bồi phụ bếp. Nói là nhẹ nhưng đâu phải không nhục, lắm lúc éo le nữa. Có ông bạn bị gọi đến làm cho nhà viên sếp lao, bị vợ hắn gọi vào buồng tắm bắt… kỳ lưng. Kỳ lưng hay kỳ gì nữa, có trời biết. Nhưng phần lớn là những việc nặng nhọc như phu hồ, phu đường, phu bốc vác… Nguy hiểm nhất là phu ráp. Cứ mỗi lần đưa quân đi bố ráp, chúng lại lôi tù theo, đẩy đi trước để đỡ đạn nếu bị đánh. Rồi thì thấy gà bắt gà, thấy heo xúc heo, thấy bò dắt bò, bắt tù làm hết, tức là chúng biến bọn tôi thành những tên cướp khùng: khi không lại đi cướp của bà con mình về cho bọn cướp, khác nào tự xẻo thịt mình xào nấu cho chúng ăn. Tức không chịu được.

Nặng nhọc nhất, cực nhục và khủng khiếp nhất là bị chúng bắt đi đổ thùng. Ba mươi Tết năm đó, kẻng nhà lao vẫn đánh thức sớm như thường lệ. Trong sam (phòng) đàn ông, nhiều tiếng chửi vang lên “Tổ cha chúng nó, Tết nhất cũng bắt con người ta đi làm”. Chửi thì chửi nhưng phải vội vã chuẩn bị ra sân sắp-măng (tập hợp). Chậm chân thế nào cũng bị roi nện vào lưng. Cửa vừa mở đã nghe tiếng rống như bò của thằng Tây đen cầm roi cật bò huơ vun vút trong không khí “Mau lên! Mau lên!”.

Lúc nhúc lửi nhửi một đàn người gầy gò, bẩn thỉu, khom lưng chạy ra ngồi xếp hàng giữa sân.

Một chiếc xe nhà binh chạy xộc vào, phả xuống đám đông mùi hôi thối phát lộn mửa. Có tiếng rì rầm đằng sau “chết rồi! đổ thùng tất niên cho mã mẹ chúng nó rồi”.

Viên thơ ký nhà lao mở giấy ra xướng to khoảng mười cái tên. Gọi đến ai người đó phải nhảy ra ngay, đứng sau xe. Tôi có trong số đó. Khi đã gọi đủ, tên lính áp giải xua chúng tôi lên xe. Vừa vịn được thành xe bước lên ai nấy đều rùng mình. Giữa xe là những cái thùng phuy rỗng trống miệng, dính đầy phân người. Chúng tôi vội đưa tay bụm mũi, tất cả đều quay ra nhìn hai bên như cố tránh xa những cái thùng ghê tởm đó. Xe đưa chúng tôi đến một nơi có mấy dãy nhà hai tầng trên đường Trần Phú bây giờ. Thấy toàn sĩ quan và binh lính Pháp, nhiều tên đeo lon ba, bốn vạch trên vai. Chúng tôi đoán đây là cơ quan đầu não của giặc tại Đà Nẵng. Vừa vào cổng, xe chạy nhanh ra sau đến bên cái hầm phân đã khui sẵn. Tên lính coi tù da chì, có lẽ là người Ma rốc, vai khoác tiểu liên, lăm lăm cây roi trên tay, mặt bịt kín chỉ chừa hai con mắt. Hắn ú ớ gì đó sau cái khăn và đưa roi ra dấu, chỉ bảo chúng tôi phải làm gì. Khó gì mà không hiểu nổi: dùng những cái gáo là những cái mũ sắt cũ được hàn vào một cái cán sắt, múc nước phân lên đổ vào xô, người ở dưới xách xô đến cửa xe đưa lên, người trên xe cúi xuống đỡ, đổ vào thùng. Khi những cái thùng phuy đã đầy phân, chúng tôi phải theo xe đứng giữ cho thùng khỏi nghiêng đổ ra dọc đường.

Khạc nhổ chỉ chỏ xong, tên Ma- rốc lủi nhanh ra đứng ngoài xa, thỉnh thoảng trật khăn ra thét “Mau lên! Mau lên!” như chó sủa đổng.

Tiên sư cha mày, có giỏi thì lại đây mà “mau lên” với tao, có tiếng chửi giận dữ trong đám chúng tôi. Mà kinh thật: mới ghé mắt nhìn cái miệng hầm đã nổi da gà. Lúc đầu còn rón rén, nhón nhí nhưng chỉ trong chốc lát, tuồng như mũi không còn biết mùi, tay không còn thấy ghê, chúng tôi cứ lặng lẽ múc múc, chuyền chuyền… Quần áo chân tay đều ướt rượt cái thứ nước đen lền kinh khủng đó.

Khổ nhục nhất là khi mực nước phân trong hầm đã xuống thấp, cứ hai người một thay nhau nhảy xuống, phân ngập quá gối, múc từng xô đưa lên, nhỡ tay là phân xối vào người. Sau này, cứ mỗi lần nhớ lại cảnh đó, tôi mường tượng như đó là trò chơi của quỷ sứ, tên lính coi tù giống y chang tên thiên lôi đầu trâu mặt ngựa, còn lũ chúng tôi khác nào những tội đồ dám chống lại diêm vương bị hắn khoét mũi đày xuống tận đáy dơ nhớp dưới âm ti.

Tối hôm đó, tối 30 Tết, khi về trại tắm rửa ăn uống xong thì vừa kẻng ngủ. Ở tù sướng cái là… ngủ sớm. Dứt tiếng kẻng phải nhanh chóng thót lên sạp, quấn chiếu, nằm sắp lớp như cá mòi. Tôi lần về chỗ, vừa chui vào chiếu anh Ba, đã ôm chầm lấy anh khóc rưng rức, tức tưởi như hồi nhỏ ra đường bị ăn hiếp về nhà khóc với mẹ. Anh Ba cũng xây qua ôm chặt lấy tôi. Chao ôi, ai đã qua cái cầu này mới thấy hết được cái hơi người nó ấm áp, nó nồng nàn biết chừng nào!

Đã vào đây thì xa lạ mấy cũng thành ruột thịt. Huống hồ tôi với anh còn hơn cả máu mủ ruột rà. Anh người Bình Định, là lính cơ yếu đi theo đoàn. Không biết răng mà ảnh cứ giống hệt anh Năm con ông bác tôi, giống từ dáng người, gương mặt đến tánh tình. Cứ nhìn ảnh là tôi nhớ anh tôi đã hy sinh từ đầu Toàn quốc kháng chiến ở Sài Gòn. Còn anh thì bảo cũng có đứa em trai xoang tuổi tôi, đang học trung học ở nhà. Cho nên, hai anh em tự nhiên như đã thương sẵn từ lâu. Trong cảnh tù tội lại càng thương nhau hơn. Nằm kề bên nhau, có gì cũng thủ thỉ với nhau.

Hôm đó sau khi an ủi tôi, anh bảo sáng nay khi nghe chúng gọi tên tôi, anh đã chồm dậy định đi thay nhưng bị thằng lính chỉ roi hăm, bắt ngồi xuống “thương em chân tay học trò, sợ không chịu nổi”. Nói rồi, anh đưa ra một lát bánh nổ lớn hơn cái thùng diêm, bảo: “Phần em đây, phần anh có cái bánh in, khoan ăn, dành chút nữa anh em mình đón giao thừa”. Anh nói: Các chị bên sam nữ đi quyên góp từ các bạn tù có gia đình đến thăm rồi đem chia lại cho bọn xa nhà như lũ mình để ai cũng được một xí Tết.

Tôi cầm miếng bánh trên tay mà rưng rưng nhớ mẹ. Hồi tôi còn nhỏ, cứ sắp đến Tết là nghe mẹ bảo “Thôi Tết này không bánh trái chi hết, mệt đuối đơ”. Nói là nói vậy nhưng hễ Tết đến, cứ sau ngày đưa ông Táo về trời lại tất bật làm bánh làm mứt. Không thể nào quên được dáng mẹ khom người, ôm cái nồi rang trước bụng lắc tròn thật lực, nhanh dần, nhanh dần như thể người lên đồng, mồ hôi mồ kê như tắm, nếp trong nồi lụp bụp nổ như pháo dây. Mẹ nói: “Mệt thì mệt chứ Tết nhất, nhìn sắp nhỏ mình thấy con nít hàng xóm cầm cái bánh trên tay mà hắn không có, phải nhịn thèm, ai mà chịu nổi”. Giờ đây, nhờ các chị bạn tù mà tôi có được miếng bánh Tết. Thì ra, phụ nữ mình sao mà ở mô cũng một tấm lòng như vậy. Chỉ kịp nghĩ được thế là đã lăn ra ngủ như chết chẳng còn biết giao thừa giao thiết đến vào lúc nào.

3.Giao thừa năm ấy đến giao thừa này rứa mà đã gần hết đời người! Nhớ chiều ba mươi Tết cách đây mấy năm, dọn dẹp nhà cửa xong tôi dắt xe ra cổng. Đến trước trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, tôi rà xe vào bờ lề rồi dừng lại trước cổng. Hai khẩu thần công chĩa ra hai bên càng làm cho đại bản doanh của lực lượng vũ trang vừa mới được nâng cấp, thêm uy nghi. Tôi ngồi trên xe chống chân nhìn mê mải khung cảnh đàng hoàng, to đẹp của doanh trại quân đội mình, lòng nôn nao trong một cảm giác kỳ cục như chính mình đã có đóng góp gì đó vào công trình này.

Xe chở phân, anh lính lái xe người mình bảo: Cứ phải chạy thật chậm sợ trây trét ra đường thì hàng phố coi như hết Tết. Đứng trên xe, chúng tôi cứ khua thùng ầm ĩ để bà con biết mà vội vàng đóng cửa. Giờ đây, ngồi trên xe, thả chầm chậm trong làn sương mỏng, tôi như còn nghe văng vẳng sau lưng tiếng sầm sập của những cánh cửa gỗ đóng mạnh trước các nhà mặt tiền. Còn nhớ, trên chuyến xe cuối cùng từ ngoại thành về, chúng tôi như đã biến thành những sinh vật hôi thối, đứng vịn thành xe nhìn hai bên phố giờ này đang lên hương đèn rước ông bà. Cái khứu giác tội nghiệp của chúng tôi như dần dần hồi lại. Không ai bảo ai, tất cả ngửa mặt lên trời, cố hít cho đầy lồng ngực mùi thơm Tết nhất, cái mùi thơm thân thuộc của chiều cuối năm, chỉ cần thoáng ngửi thấy là cổ đã tắc nghẹn. Và chính ở ngã tư Ngô Gia Tự - Hùng Vương này đây, khi xe chúng tôi chạy chậm lại, một cái bọc lớn từ dưới hè phố được dồi lên. Mở ra thấy bánh trái, quần áo, một bánh xà-bông thơm với rất nhiều khăn mặt. Ôi, người dân Đà Nẵng mình! Chúng tôi im lặng nhìn nhau, nước mắt cứ lặng lẽ chảy dài, kẻ những vạch dọc trên những khuôn mặt hốc hác, bẩn thỉu.

Theo đường Lý Thái Tổ tôi lên sân bay. Từ bến xe cũ lên Ngã ba Huế, trước là hành lang phía Bắc của sân bay, hoàn toàn trống trải, cát trắng một màu thông thống ra tận chân đèo Hải Vân. Giặc bắt tù chúng tôi lên đây làm hàng rào kẽm gai. Ra đốn cây tận đồn Nhứt, đưa về đóng cọc. Những ru-lô kẽm gai nặng hàng chục cân, tù chúng tôi phải khệ nệ rinh, giăng dọc, giăng ngang, giăng chéo từ đầu cọc này sang đầu cọc khác thành một bãi rào bao quanh sân bay. Rào đi rào lại, rào quanh năm, dưới nắng lửa, mưa dầu. Cực nhất là vào mùa lạnh. Gió bấc cứ thổi thông thốc từ biển Xuân Thiều vào, những thân tù gầy gò cứ run lên cầm cập. Anh Ba đã tìm được những mảnh vải kaki cũ, tháo từ áo quần nhà binh ra, tự tay chằm lại thành cái yếm dày hai ba lớp. Anh một cái và cho tôi một cái. Chúng tôi mặc lót trong người, như các bà các chị ngày xưa. Nhờ nó mà anh em tôi vượt qua được những ngày rét mướt. Bây giờ đứng ở đây mà nhớ thương anh Ba đứt ruột. Sau Tết năm đó ít lâu, trong một lần lên đốn cây trên đèo, anh đã bỏ trốn. Khi biết thiếu anh, chúng bắn như vải trấu vào rừng. Không biết anh có hề gì không?

Ba mươi Tết năm rồi, tôi không đi xe máy lòng vòng nữa mà bám xe thồ ra 84 Hùng Vương. Mấy năm trước, đây còn là Trung tâm thông tin văn hóa của thành phố, thường mở triển lãm. Giờ ở đây đang khởi công một công trình lớn. Tôi đứng nhìn sửng vào cổng như người ở quê mới ra. Chính nơi này hồi đó, tôi đã từng trải qua trên chín tháng trời, một ngày mấy bận đi về, ngang qua cái bốt gác lúc nào cũng lấp lóa hàm răng trắng nhỡn của tên Tây đen. Rồi quay nhìn ra nơi hồi đó là vườn hoa Con Gà, nghe nói giữa vườn có tượng con gà Gô-loa, biểu trưng của nước Pháp. Giờ đây, nhà hầm lớn để ô-tô đang được thi công. Chỉ còn mấy tiếng nữa đến giao thừa, những cành mai từ vùng ven vẫn cứ tiếp tục đổ về chờ những khách chơi kỹ tính. Như mọi Tết, tôi cố tìm một nhánh nhỏ có thế đẹp, nhiều búp sẽ nở đúng giao thừa về cắm lọ. Còn nhớ chính ở chỗ chợ mai Tết này lúc đó có một xe bán nước giải khát không gas, gọi là li-mô-nát. Đẩy xe ra bán là một cô gái mặc áo dài trắng như nữ sinh trung học, tóc xõa ngang vai hao hao giống cô bạn gái học cùng lớp với tôi ở Lê Khiết. Hằng ngày đi làm về, không thấy cô ra, cứ buồn buồn, nhớ cô bạn mình. Ngày tôi đi, cô tặng tôi cây bút bi có nắp đậy rất xinh. Hồi đó dân mình gọi là viết… nguyên tử. Cây bút bi chúng tước mất. Nhưng còn một tặng vật nữa không thể mất đó là mụn vá trên vai áo do chính tay cô mạng cho tôi. Qua mấy ngày tôi bị tra tấn, chiếc áo rách teng beng. Tôi đã giữ lại miếng vá, ngó không ra chi mà nó đã làm dịu bớt những đớn đau, như một ly nước mát trong ngày hè oai bức.

Giờ đây người bạn gái ngày xưa đã là một cụ già hiện đang chơi với cháu tận Singapore. Sự đời vậy đó.
Miên man hồi tưởng, tôi cầm cành mai lững thững ra bờ sông, tự mỉm cười với cái tuổi trẻ không mấy suôn sẻ của mình.

Chọn một chỗ đẹp để chiêm ngưỡng gương mặt sáng nhất, lãng mạn nhất của thành phố vào đêm cuối năm. Dòng sông Hàn thơ mộng đoạn chảy qua cầu không lúc nào rực rỡ, lung linh như lúc này. Nhìn sang bên tê Hà Thân, mới mấy năm mà nay phố xá đã nghinh ngang lắm, đâu còn kém mấy so với bên ni.
Tôi đứng giữa dòng chảy nườm nượp người, nườm nượp xe, ngước nhìn tháp dây văng rực sáng điện ngũ sắc của cầu Sông Hàn. Trên đỉnh tháp, các anh thợ đã khéo chạy điện, ngó như một cái nút sam-panh khổng lồ, thỉnh thoảng lại vụt bật lên những tia sáng vàng như bọt rượu trào ngược rồi bất thình lình bung xòa trong trời đêm.

Xuân Tân Mão - Xuân Nhâm Thìn 2011-2012

Phạm Phát

;
.
.
.
.
.