.

Cadillac đỏ

.

Vào cái năm ấy, khi những thằng con trai như tôi chỉ biết chơi trò cầu quay, dàn trận giả, hay trèo lên lưng trâu để quất cho trâu lội ùm xuống nước, thì cái Hồng đã có cái ô-tô chạy bằng pin to bằng con lợn con, màu đỏ bóng loáng. Lũ trẻ con lớn bé trong xóm Trại cứ trố mắt mà nhìn thèm thuồng cái ô-tô như vật thể lạ từ trên trời rơi xuống. Cái Hồng một mình chơi trong sân nhà, không thèm ngẩng lên nhìn lũ chúng tôi đứa nào đứa nấy đang xúm xít ngoài bờ dậu nhìn vào. Mặt nó vênh vênh.

Bố cái Hồng đang ở bên Tiệp. Không hiểu ông ấy làm gì mà mỗi lần về phép là hàng đống thùng lớn thùng nhỏ được khuân bê vào nhà. Ông người cao to trắng trẻo, mái tóc đen nhánh luôn rẽ ngôi rất mượt, cười nói với khắp làng, mời mọi người đến ăn một bữa cỗ không có lý do gì. Mọi người hết thảy đều đến đông đủ, mấy con lợn béo được vật ra, có cán bộ xã che giấu, chọc tiết từ sáng sớm mặt trời chưa soi tỏ. Mẹ cái Hồng đon đả chào mời, mặt xinh như cái cơi trầu têm cánh phượng. Có lần ông về phép, cả làng được ăn hai lần cỗ, lần thứ hai là khi ông sắp đi, hàng xóm kháo nhau ăn cỗ mừng cái Hồng sắp có thêm em cu.
Cái Hồng mới mười hai tuổi mà mặt trắng nõn, môi đỏ hồng trong gió lạnh. Nó đẹp nhất đám con gái xóm Trại, có thể nó còn đẹp nhất huyện, nhưng tôi chưa bao giờ hình dung cái huyện quê tôi có bao nhiêu đứa con gái có thể đem ra so với Hồng.

Nó đẹp thế nhưng mà đám trẻ xóm ai nấy đều nhất trí bảo nó kiêu.

Lũ con gái kháo nhau:

“Kênh thế. Lớn tướng còn chơi đồ chơi tây, không biết ngượng. Tuần tới hết rét mà đi học, bọn mình cho con này ùm xuống ao một trận”.

Thằng Kiên bảo tôi:

“Mày có thách tao vồ được vào ngực nó không? Đổi hai con quay?”.

Tôi đỏ mặt. Không ra gật.

Mấy con quay của tôi là do chú Ba tôi làm trên xí nghiệp mộc Nhà nước ở Hà Nội mang về. Chú Ba tôi thợ bậc bốn, khéo tay đóng bàn ghế với gọt đẽo những đồ chơi xinh xinh bày trang trí trong nhà. Con chú Ba tôi là thằng Bằng có lần ở phố về quê chơi cho tôi hai cô cậu gỗ, cô gái nón thúng quai thao, còn chàng trai áo the khăn xếp, do chú Ba gọt bằng gỗ bạch đàn, thơm thơm và trắng phau, nhỏ xíu bằng hai ngón tay út của tôi cộng lại. Tôi có một cái hòm gỗ nhỏ đựng con quay và nhiều thứ lặt vặt khác. Thằng Kiên vẫn luôn tìm cách thắng điểm tôi để đổi quay, nhưng lần nào nó cũng thua đậm.

Chúng tôi đã học sang lớp bảy trường xã. Tôi học lớp 7A, còn Kiên học lớp 7B cùng Hồng. Hồng học giỏi, được bầu là Liên đội phó phụ trách học tập toàn trường. Tôi cực ghét môn văn, nhưng làm toán nhanh nhất trường, đã có những cuộc thi làm toán nhanh do nhà trường tổ chức, và tôi nhanh chóng giành được giải nhất về mình. Hồng học giỏi đều, cuộc thi học sinh giỏi nào của huyện của tỉnh, các thầy cô đều phải phân vân không biết nên chọn nó đi thi học sinh giỏi văn hay giỏi toán?

Nó như thế mà vẫn chơi đồ chơi. Ngoài cái ô-tô màu đỏ ra, nó còn có hàng chục con gấu và thỏ bông to đùng, hàng chục con búp bê đủ sắc màu. Lẽ ra nhà nó không nên ở cái xóm Trại này, mà phải lên phố mới phải. Ở đây cái Hồng là nỗi nhức nhối của đám con gái quê mùa. Còn lũ con trai chúng tôi dường như hết thảy đều giấu trong lòng nỗi khát khao mơ hồ.

Hôm đó, trời rét đậm. Chúng tôi đi học về, bụng móp lại trong cơn gió thổi ngược. Tôi bỗng nghe ùm một cái, rồi tiếng xôn xao của đám đi phía trước. Tôi chạy lên, thấy dưới vực ao nhỏ gần trường cái Hồng đang lóp ngóp chới với, còn Kiên thì đang bơi ra phía Hồng.

Rồi thì Kiên cũng lôi được Hồng lên bờ. Hai đứa ướt sũng, run lập cập. Đám con gái vừa kiếm cớ gây sự với Hồng lảng đi hết, chỉ còn mỗi cái Hoa tháo chiếc khăn choàng của nó đưa cho Hồng quấn cổ cho đỡ lạnh. Tôi đứng lặng rồi cũng nhớ ra cái cặp ướt sũng của Hồng. Tôi rũ cái cặp, dỡ những cuốn vở chưa kịp ngấm nước. Hồng không khóc, đứng đợi tôi lau những cuốn vở, dáng mảnh mai xiêu xiêu trong gió.

Thằng Kiên đã chạy phắt lên trước, không ngoái ra sau một lần nào.

Sau lần đó thằng Kiên không hiểu sao không còn hoang tàng nghịch ngợm. Vẻ mặt nó đăm chiêu như người lớn. Từ lúc nào nó thường hay dong trâu ra bờ đê, rồi để mặc trâu gặm cỏ, nó ngồi nhìn bầu trời cao, ánh mắt mơ màng.

Nó có cây sáo trúc được bố mua cho, thường chỉ đem ra thổi khi có văn nghệ ở trường. Giờ Kiên ngồi bên bờ đê thổi sáo, tiếng sáo nhỏ nhoi lọt thỏm giữa cánh đồng có con đê xanh trải dài xa tít tắp.

Mùa đã đến
những cơn mưa ngập tràn…
Lúa xanh mượt mà
Những chú trâu mơ màng nghe trống trận
Cỏ lau làm cờ
Bùn thắm đỏ…

Phía bên này cánh đồng, cái Hoa đi chăn trâu phải trông luôn cả trâu nhà Kiên.

Giữa những cơn mơ hoang hoải của Kiên, tôi chợt cảm thấy mình đã lớn. Tôi đi ra cánh đồng làng, đi men theo con đường mòn dẫn tới nhà Hồng. Tôi cầm trên tay đôi búp bê Việt bằng gỗ. Bóng tối lan trên khắp cánh đồng và con đường. Khói chiều tỏa mùi rơm ủ, mang theo tiếng sáo và tiếng trâu về. Tôi vấp phải những gờ đất, mồ hôi túa ra.

Tôi đứng trước cửa nhà Hồng, không biết nên làm gì. Nhưng rồi tôi cảm thấy có mùi hương con gái ở gần bên. Hồng thì thầm:

“Hoàng đến tìm Hồng phải không?”

Tôi không trả lời, dúi vào tay Hồng đôi búp bê gỗ, quên mất Hồng có hàng chục con búp bê tây, hàng chục con gấu và thỏ bông, hàng bao nhiêu đồ chơi tây lấp lánh.
Tôi không nhớ mình đã chạy một mạch về nhà như thế nào. Đêm đó tôi đã mơ thấy giấc mơ đàn ông.

*
Vài năm sau bố Hồng ở Tiệp về mua nhà trên Hà Nội và đưa cả nhà lên đó. Ngôi nhà ở xóm Trại chỉ có một bà cô ở trông nhà. Hôm Hồng đi, tôi không có nhà. Tôi đang đóng quân trên biên giới.

Ban đầu chúng tôi vẫn thường viết thư cho nhau. Sau những lá thư tôi nhận được thưa dần.

Tôi ra quân với nỗi buồn tê tái. Tôi quyết học để lấy bằng được tấm bằng cử nhân Bách khoa. Ra trường tôi được phân về một Viện nghiên cứu và ở lại luôn thành phố.

Mỗi lần về quê, Kiên và tôi thường ngồi uống với nhau. Kiên giờ đây đã thành một anh nông dân thực sự. Kiên lấy Hoa, cô bạn thân của Hồng ngày trước. Hai vợ chồng cùng lớp nên chúng tôi đã có những cuộc vui thâu đêm.

Chúng tôi cùng tránh nhắc đến tên Hồng, không phải chúng tôi không nhớ cô. Kiên bảo với tôi:

“Đừng nói cho vợ tôi biết đấy. Ông có biết hôm tôi nhảy xuống kéo Hồng lên bờ, tôi đã làm gì không?”

Tôi xua tay:

“Thôi, đừng nhắc nữa, cái trò trẻ con ngày ấy…”.

Kiên lắc đầu:

“Không, tôi đã làm cái chuyện ấy. Chuyện mà tôi bảo ông thách ấy. Rồi tôi nhìn thấy ánh mắt vừa kinh hãi vừa khinh bỉ của Hồng”.

Kiên thầm thì:

“Tôi biết Hồng chỉ phục mỗi ông. Từ lâu, Hồng vẫn hay nhìn ông. Tôi biết hai người luôn nghĩ đến nhau, kể cả bây giờ. Chỉ có tôi biết thôi”.

Tôi cười âm thầm.

Tôi không nói cho Kiên biết câu chuyện của chúng tôi sau khi tôi ra quân.

Lần về quê năm ấy, thằng Bằng con chú Ba tôi đã kéo tôi ra sau nhà. Nó chìa đôi búp bê gỗ Việt ra, dúi trả vào tay tôi:

“Anh không nên lấy thứ của em cho anh để tặng người đàn bà của em”.

Người đàn bà của em?

Vậy là tôi đã hiểu những lá thư thưa dần kia là do đâu.

Thằng Bằng em tôi học được lối kinh doanh quyết liệt của cánh doanh nhân Hàn. Nó bỏ công học tiếng Hàn và mở công ty buôn bán hàng mỹ phẩm. Sau những hoạt động buôn bán mỹ phẩm là kinh doanh địa ốc, nhà hàng, bến bãi. Thi thoảng nó gọi tôi đi dự tiệc chiêu đãi để bạn hàng biết nó có ông anh là nhà khoa học. Thi thoảng nó khoe tôi những thứ nó mới sắm được như một ngôi biệt thự cổ, một nhà hàng, một quán bar...

Nhưng hai anh em tôi tuyệt nhiên không ai nhắc đến người vợ của Bằng. Thi thoảng Bằng hỏi tôi có thích đổi gió một chút với những người đẹp không? Nhưng một anh chàng cán bộ nghiên cứu khoa học, có vợ là một cô nàng cũng đeo đôi kính cận dày cộp như tôi thật không có hứng thú với những vụ việc như vậy.

Bằng chép miệng bảo:

“Anh không giận em chứ? Thật sự không giận chứ? Người như anh không thể đem lại cuộc sống hạnh phúc cho Hồng. Cô ấy không thể sống lãng mạn cùng anh được”.

Tôi thần người, chưa bao giờ từ sau khi anh em tôi kết lại tình thâm, Bằng nhắc đến vợ mình với tôi.

“Mà chắc anh cũng không biết nhờ cô ấy mà em phải làm giàu. Anh còn nhớ ngày xưa cô ấy có một chiếc ô-tô màu đỏ chạy pin không?”.

“Nhớ”

“Khi gia đình cô ấy chuyển lên Hà Nội, em đến chơi, thấy cái ô-tô đó tưởng của thằng Sang em Hồng. Nhưng Hồng bảo em, chính cô ấy đòi bố mua bằng được bên Tiệp cái ô-tô ấy. Cô ấy không thích chơi búp bê. Thật là khác người anh ạ”.

“Ừ”

“Cái chính là em đã nhận ra tố chất thông minh khác người của Hồng. Cánh làng mình cứ bảo cô ấy kênh kiệu. Thực ra cô ấy chỉ không bình dị hồn hậu như mọi người và anh muốn. Em không lý tưởng hóa cuộc đời như anh. Em lấy Hồng, yêu vợ đúng mức hết lòng, và có rất nhiều đàn bà xung quanh. Hồng không bao giờ ghen. Cô ấy đứng cao hơn họ. Có như vậy em mới đủ sức kiếm tiền, đủ sức sống với người vợ có nhiều ước muốn và bí hiểm như Hồng”.

Tôi nhìn cậu em con chú, lần đầu tiên tôi cảm thấy nó đang bước vững chãi trên một con đường mới, và tôi dường như vẫn bước trên những lối mòn.

Một tuần sau đó trên những trang báo điện tử lớn, có tin bài chạy tít cùng bức ảnh màu đỏ rực rỡ khiến cộng đồng báo mạng chúi mũi vào màn hình:

“Doanh nhân NB đã tặng vợ món quà sinh nhật là chiếc Cadillac màu đỏ. Đây là chiếc xe thứ 4 có mặt tại Việt Nam. Trước đó có 2 chiếc màu đen ở TP. Hồ Chí Minh, 1 chiếc màu đen ở Đà Nẵng. Cadillac là loại xe mà các đời Tổng thống Mỹ thường chọn dùng vì tính năng lái lướt và chống đạn...”.

Tôi thấy Hồng đứng tươi cười bên cạnh chiếc xe. Cô mặc bộ áo quần phủi màu đen.

Nụ cười vẫn bí ẩn và lạnh lùng...

Truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà

;
.
.
.
.
.