.

Hình bóng quê nhà

.

Sài Gòn sôi động, cuộc sống cứ đẩy tới, ầm ầm tối ngày,“không có cả thời gian để buồn”, nhưng nỗi nhớ quê thì cứ len lén, âm ỉ trong lòng những người xa xứ, đụng chuyện thì bùng lên, những lúc gặp bạn đồng hương quá chén, lúc trở trời, se lạnh, chộn rộn đón Xuân về… Nhiều khi nhớ thắt cả lòng!

Giữa phồn hoa đô hội TP. Hồ Chí Minh, nhà hàng Mỹ Sơn chuyên mì Quảng “thiệt” nhất: con mì, rau sống, ớt xanh... đặc trưng (ảnh trái). Một “chi nhánh “ đá nghệ thuật Ngũ Hành Sơn tại TP. Hồ Chí Minh. 					           Ảnh: TG
Giữa phồn hoa đô hội TP. Hồ Chí Minh, nhà hàng Mỹ Sơn chuyên mì Quảng “thiệt” nhất: con mì, rau sống, ớt xanh... đặc trưng (ảnh trái).

Chạy trên đường gặp một chiếc xe mang biển số 43 - là xao động đến bần thần, ráng đuổi theo, chỉ để chào một tiếng, rồi đi. Nhờ chiếc Dream lùn mang biển số 43A- mà hơn 20 năm sau, tôi lại gặp cô giáo cũ của con mình giữa đường Phan Đăng Lưu, kìn kịt xe.

Lăn lộn gần như cả đời ở đó (47 năm), với tôi, Đà Nẵng còn hơn cả máu thịt… Một thời tôn thờ, rung động nghe thơ Thu Bồn “Đà Nẵng gọi ta như mẹ gọi con/ Như người yêu đợi người yêu xa cách/ Ta muốn hôn lên từng viên gạch/ Những vết rêu xưa còn in bóng cờ sao…”

Đã tưởng rằng yên với góc phố mới Thanh Bình, với sông Hàn lộng lẫy, với Mỹ Khê xanh mát... Thế rồi cũng đi… Để làm mới lại con người mình. Đã quá cũ?

 Năm trước, thương cảm bạn mình, tóc ngã màu sương còn bôn ba, cọc cạch trên con tàu Thống Nhất “hành phương Nam”, HT đã nhắn theo điện thoại mấy câu an ủi:

Đà Nẵng xa rồi Đà Nẵng ơi/ Phồn hoa, phố cũ xin gởi lại,

Sức tàn, lực cạn không theo nữa/Tráng sĩ, ta hề… dạt phương Nam!

Cũng hơi xót lòng, mỗi lần nghe Quang Lê hát “Anh về nơi xứ Quảng, thăm người em phố Hội/ Sông Thu Bồn con nước lững lờ trôi/ Đường chùa Cầu, mưa buồn giăng ngập lối”… Và những hình ảnh bất chợt hiện ra trên các nẻo đường… Hiệu sách Đà Nẵng, y chang như ở Đà Nẵng nằm chềnh ềnh trên đường D.2 Bình Thạnh; những cửa hàng, cửa hiệu như một thương hiệu bền vững nơi đây: những đá Non Nước, Ngũ Hành Sơn, Hải Vân Sơn, làm hòn non bộ, tiểu cảnh ở vùng ven thành phố, trên đường Trường Chinh, Tân Bình, dọc quốc lộ 1A- quận 2, quận 9… Hàng ăn thì vô số, từ đường lớn cho đến hẻm nhỏ, nhiều nhất là mì Quảng, kính thưa các loại, từ mì gà, mì cá, mì bò, kèm cả bò bắp ngâm nước mắm, tré bà Đệ, gà lên mâm, cá diếc rau răm… để nhậu lai rai kèm theo mì Quảng, có tất! Từ trong hẻm sâu Nguyễn Thượng Hiền, Phú Nhuận, mì đặc vị “Quảng Nôm” với giá “nhân dân” chỉ 15 ngàn đồng một tô… Cho đến các loại mì Quảng thời thượng, được “sang trọng hóa”, “make-up” bài bản  giá 35-45 ngàn một tô, “ăn xong là nhớ”, quản lý trên mạng, ở những con đường lớn, phố hạng sang… như mì Quảng Phố Thị, mì Quảng Túy Loan, mì Quảng Mỹ Sơn “đậm đà hương vị Việt”.

Một “chi nhánh “ đá nghệ thuật Ngũ Hành Sơn tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TG
Một “chi nhánh “ đá nghệ thuật Ngũ Hành Sơn tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: TG

Mấy năm gần đây, chắc vì Đà Nẵng - đã trở thành thương hiệu, danh nổi như cồn, mà ở Sài Gòn xuất hiện nhiều hàng ăn mang tên Đà Nẵng như thịt heo cuốn bánh tráng… kiểu Đà Nẵng (khác với thịt heo cuốn bánh tráng phơi sương ở Trảng Bàng, Tây Ninh), chả bò Đà Nẵng, bún chả cá Đà Nẵng, tré Đà Nẵng, gà lên mâm kiểu Đà Nẵng! Quán Đức - Đà Nẵng ở Gò Vấp, bán đủ các loại món ăn Đà Nẵng… Gọi là các thương hiệu ăn theo “thời Đà Nẵng”? Đã bắt đầu có đất đứng, được chen chân, tồn tại ở cái xứ sở hợp chủng, đa văn hóa ẩm thực này. Cũng vui.

Lang thang quay lại khu Bảy Hiền, Tân Bình, đại bản doanh lưu cư, trú chân của dân Quảng ngày nào… ầm ào tiếng khung dệt, giờ đã đổi thay nhiều, chỉ còn sót lại cái tên chỉ hướng vào ở Bà Quẹo; cái chợ vải, bán sỉ ồn ào, tấp nập phía sau Trung tâm Thương mại Tân Bình và một lô một lốc các loại quán nhậu bê thui Cầu Mống ở khu bầu Cát… Bộ sưu tập hình bóng quê nhà ở quá nhiều, đủ chuyện lai rai.

Chuyện tô mì Quảng    

Bạn mình kể người ghiền mì Quảng hơn cả vợ là anh B., lần đi thăm Mỹ đầu tiên về tới Sài Gòn, dù biết chị ấy đang đợi ở khách sạn, nhưng vẫn bắt xe quay đầu đi tìm mì Quảng, làm một tô cho đã thèm, tô đúp! Ăn mì phải thế mới ngon, ăn ngay, ăn mấy lua là hết tô mới đúng kiểu. Hình như sau đó, anh ấy đã làm một cú “buffet mì Quảng” đình đám, 500 tô, đãi cả làng, ngay trên đỉnh Bà Nà nhân dịp khai trương cáp treo Đà Nẵng lần đầu.

 Anh Đạo, chủ hệ thống Nhà hàng mì Quảng Mỹ Sơn, sau khi “lua” sạch tô mỳ rất đúng nghề, toát mồ hôi hột, rồi bày cho mọi người:

- Mấy anh phải “lua” như em, mới ngon, rau thật nhiều vào, làm 3 lua thôi! Ăn như thế mới “máu”! Rồi đế thêm:

- Dân Đà Nẵng bây giờ máu lắm, mà ai cũng mê mì Quảng mới lạ!

“Mì tôm anh Tốm Quảng Nôm
Đi mô đói bụng vô lồm một tô”

Tôi hơi giật mình và đốp lại anh chàng “máu” này:

- “Máu” thế nào biết rồi, chỉ xin hỏi “Dân Quảng, dân Đà Nẵng mà không mê mì Quảng thì mê gì hả?

- Thôi anh ơi, phải đậm đà, đúng kiểu như mì Quảng Mỹ Sơn mới làm mê người ta được chứ!

Và thật thế.

Mì Quảng ở Sài Gòn bây giờ có khi đậm đà hương vị, tinh tế, kiểu cách… hơn cả mì bà Ngân, bà Cúc, bà Lan… ở Đà Nẵng. Tất nhiên là phải có mì tươi, thịt ngon, nhất là gà, phải là gà ta chính hiệu,… và cá lóc đồng… Các phụ gia cũng đều là hàng tuyển từ chính quê đưa vào như ớt xanh nguyên trái, mùa nào cũng có, tươi rói, dòn rộm, bánh tráng quê, rau sống đủ món, cải con, thân chuối non, bắp chuối, giá sống, rau húng, ngò gai… đậu phụng rang nửa hột và một chút dầu phụng sống chan thêm vào “nước nhưn” gia bảo của anh Đức… Cách phục vụ cũng được phục dựng nguyên bản, tô sứ to, đũa tre, ít nước, nhiều rau… Đúng kiểu ăn to nói lớn. “Ăn cho chét” bụng.

Ngày trước ăn nhiều rau là ăn độn, thêm vào cho đỡ tốn mì, tốn mồi, té ra bây giờ lại thời thượng, rất sinh thái và an toàn! Không có rau sống, ớt xanh bất thành mì Quảng, thật khác với bún Huế, hủ tiếu Nam Vang và cả phở Hà Nội, thường chỉ cần một chút giá trụng và rau thơm làm vị…

Đã thèm.

Giữa Sài Gòn tấp nập “ngựa xe như nước”, thỉnh thoảng gặp một ô-tô biển số 43... lòng cảm thấy nôn nao nỗi nhớ quê hương. 			      	     Ảnh: TG
Giữa Sài Gòn tấp nập “ngựa xe như nước”, thỉnh thoảng gặp một ô-tô biển số 43... lòng cảm thấy nôn nao nỗi nhớ quê hương. Ảnh: TG

Chuyện biển số xe

Cho dù rất “máu”, quyết không để thua ai, quyết làm cho được một bộ sưu tập toàn điểm nhất: giải tỏa nhất, chỉnh trang tốt nhất, cạnh tranh nhất, môi trường nhất, thành phố đáng sống nhất… và mới đây còn muốn là “đô thị” nhất… Đúng là quá đã, nhưng nói như kiểu các bạn trẻ bây giờ, còn tùy, cũng là “hên xui” mà thôi?

Người ta thường nói giày dép có số. Cái gì trên đời cũng có phận, có phần, huống hồ một con người, một mảnh đất Quê Hương. Trong tôi, 43- là con số của số phận quê nhà- Đà Nẵng. Thấy 43- là thấy Đà Nẵng. Trong 43- có cả thứ ba, thứ tư, hồi xưa xếp thứ tư, giờ lên một bậc. Chơi bốc số thì 43- được 7 điểm, mà theo thang điểm 10, cũng là thứ 3!

Biển chỉ hướng về khu vực ngã tư Bảy Hiền, một địa danh mà khi gọi lên đều liên tưởng đến người Quảng Nam. 					         Ảnh: TG
Biển chỉ hướng về khu vực ngã tư Bảy Hiền, một địa danh mà khi gọi lên đều liên tưởng đến người Quảng Nam. Ảnh: TG

Thành phố Đà Nẵng bây giờ chỉ sau thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thế là đã quá tốt.

Con cái làm sao chọn được cha mẹ, quê hương cũng thế, là số phận của mỗi con người. Chẳng biết tại sao Huế là 75-, Quảng Ngãi 76-, Quảng Nam 92- Đà Nẵng ở giữa… đổi thay, tách nhập đủ đường, hên xui thế nào, 43- lại chọn cho Đà Nẵng được giữ lại từ thuở Quảng Nam - Đà Nẵng. Đâu phải chỉ là cách chọn số của Cảnh sát giao thông? Dù sao… cũng đã thế rồi.

Với tôi, 43- là Đà Nẵng, thấy 43- là thấy Đà Nẵng. Mê Đà Nẵng và mê luôn con số 43 ân tình ấy.

 Mỗi lần quay về, lang thang trên những con đường Đà Nẵng chỉ để nhìn cho đã thèm… những chiếc xe mang biển số 43 quá nhiều biển số 43 toàn xe hơi… đời mới.

Quá đã!

Sài Gòn 14-12-2011

Dương Đăng Cao

;
.
.
.
.
.