.

Lặng lẽ thấm vào

.

Lá thư được ông xem như là “di chúc” để lại với những người còn sống là điều cuối cuộc đời ông ước nguyện và trăn trở: Khi tôi không còn sống, tôi hiến cơ thể mình  để sử dụng vào mục đích khoa học và cứu những người bệnh nghèo khó. Như thế, tôi mới có dịp tri ân mảnh đất che chở, đùm bọc tôi  trong những ngày đầu  tham gia cách mạng…

Ông Lê Chí Bảy:
Ông Lê Chí Bảy: "Tôi quyết định hiến mình là để tri ân mảnh đất đã che chở, nuôi nấng tôi lớn lên."

Giữa lằn ranh sự sống

Chiều cuối năm, ông Lê Chí Bảy (ảnh) ngồi hàn huyên cùng tôi trong căn phòng làm việc nhỏ gọn và đơn sơ ở Sở Tư pháp thành phố. Nhấp vài ngụm trà trong cái se lạnh của mùa đông đang lùa vào cửa sổ, ông Bảy bắt đầu câu chuyện về đời mình… Từ năm 15 tuổi, sớm nối tiếp truyền thống gia đình, cậu bé Bảy nhỏ thó, đen trũi đã tham gia cách mạng để mong sớm giải phóng quê hương đang bị bom đạn Mỹ cày xới và trả thù cho những người thân của gia đình đã bị Mỹ-ngụy giết hại…

Từ đó, ông bắt đầu những tháng ngày gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng. Hai năm sau ngày được kết nạp Đảng, ông Bảy cùng với các lực lượng tiến về giải phóng thành phố Đà Nẵng. Gần 40 năm sau, tóc đã điểm bạc,  nhưng hồi ức về tuổi thơ đi qua chiến tranh vẫn luôn hiện diện nơi ông và  hình ảnh những đồng chí đồng đội đã từng sống chết với mình năm nào vẫn còn đầy ắp…

Đã đi qua những tháng ngày khốc liệt của chiến tranh, chứng kiến bao sự hy sinh xương máu vì độc lập, tự do, thống nhất nước nhà, người cựu chiến binh Lê Chí Bảy hiểu rõ và yêu quý những phút giây sống trong hòa bình, yêu quý và chắt chiu cuộc sống đến nhường nào.

Thế nên, ở tuổi 57, ông vẫn còn nhiệt huyết để làm việc trên cương vị Giám đốc Trung tâm bán đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng. Nhưng ông cũng đã chiêm nghiệm thêm nhiều về cuộc sống qua ba lần bị tai biến phải đi cấp cứu. Trong cơn thập tử nhất sinh, trước lằn ranh cái chết và sự sống cận kề, ông cảm nhận thêm từng chút sự quý giá của cuộc sống. Ông nghĩ, bệnh tật đối với những người có chút ít điều kiện kinh tế như ông cũng đã là sự khó khăn, huống chi với  những người nghèo mang trong mình các căn bệnh hiểm nghèo.

Đến ước nguyện hiến thân

Đến tháng 12-2011, toàn thành phố có 11 người gửi thư đăng ký tình nguyện hiến mình cho nghiên cứu khoa học và cứu người. Đồng thời, đã có 300 người đăng ký hiến giác mạc để mang lại nguồn ánh sáng cho người còn sống.

Sau những nghĩ suy, trằn trọc đó, tháng 9-2010, ông cầm bút viết thư để được hiến mình cho y học, cho những người trọng bệnh cần cấy ghép nội tạng, giác mạc. Thư hiến thân chỉ dài một mặt trang giấy A4, không kể lể và gửi trực tiếp cho Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng. Trong thư, ông viết: “Vì tuổi ngày càng cao, sức khỏe không ổn định, nếu tôi bị đột quỵ, mất bất cứ trong trường hợp nào thì tôi tự nguyện hiến toàn bộ cơ thể cho nghiên cứu khoa học trong ngành y. Riêng các bộ phận nội tạng của tôi hiến cho người nghèo, có bệnh mà không có điều kiện chữa trị. Phần này, tôi ưu tiên cho người nghèo phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Vì người dân Hòa Hải đã nuôi dưỡng tôi trong những năm chống Mỹ, cứu nước…”.

Để đi đến quyết định hiến thân mình, ông Bảy đã suy nghĩ, đấu tranh tâm lý rất nhiều. Bởi thời điểm đó, ở thành phố Đà Nẵng chưa có ai tự nguyện hiến thân vào mục đích khoa học. Ông cũng đọc rất kỹ Luật Hiến mô, cấy ghép tạng và tham khảo tư liệu trên báo chí. Ông cảm thương hàng ngàn người trọng bệnh, nằm chờ cái chết đến nếu không được cứu chữa bằng cấy ghép mô kịp thời. “Trong kháng chiến, nếu tôi bị địch bắt tù đày hoặc giết chết thì cơ thể chắc chắn không lành lặn. Có khi là không biết xác nằm nơi mô, ai cũng phải đối diện với cái chết, nhưng chết đi mà vẫn còn ý nghĩa cho đời là điều nên làm” - Ông Bảy lý giải cho quyết định của mình.

Khi được hỏi người nhà, bà con ông có suy nghĩ gì với quyết định táo bạo đó, ông Bảy dứt khoát: “Tôi rất tỉnh táo khi viết thư bày tỏ ý nguyện xin được hiến xác cho y học sau khi qua đời. Tôi mong sau khi từ giã cõi đời này sẽ làm được điều gì đó có ích cho xã hội. Tôi cũng đã suy nghĩ, trăn trở rất nhiều để đi đến quyết định này. Vợ và các con đều góp ý, bảo tôi phải suy nghĩ cho kỹ vì đây không phải là chuyện đùa. Tôi cũng đã phân tích cặn kẽ với người thân. Tôi nhờ anh Trần Đình Đạm, một đồng chí năm xưa và cũng là người bạn thân chí cốt thực hiện ước nguyện này”.

Y học - dù có phát triển đến đâu đi nữa thì với nhiều căn bệnh hiểm nghèo buộc phải ghép tạng mới cứu sống được mạng người. Tôi tin rằng ngoài ông Bảy ra cũng còn rất nhiều người dân mong muốn tự nguyện hiến thân.

Chia tay ông Bảy sau hai buổi trò chuyện về cuộc sống, chuyện đời, chuyện người, tôi thầm nghĩ đó là một ý tưởng và tâm nguyện cao cả của một con người mà xã hội đang rất cần. Chính họ sẽ góp phần nhân lên những mầm sống quý giá của con người. Một mùa xuân mới đang lại đến. Cây cối đang đâm chồi, nẩy lộc với những nụ hoa xuân đang bừng khoe sắc. Những chiếc lá vàng cuối đông rơi khiến ta nao lòng. Nhưng, những chiếc lá ấy sẽ lặng lẽ thấm vào đất mẹ để trở thành muôn vàn dưỡng chất, làm màu mỡ thêm cho đất, nuôi cây đời mãi xanh tươi…

Vượt qua sức ép tâm linh

Ông Phan Như Nghĩa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thành phố: “Không phải ai cũng đủ bản lĩnh vượt qua được sức ép từ gia đình, dòng họ, rồi quan niệm về tâm linh... để hiến tặng thể xác của mình. Ông Bảy là người tiên phong của Đà Nẵng dũng cảm thực hiện nghĩa cử nhân văn cao cả đó. Điều mà cả xã hội nên tôn vinh, trân trọng dù mới chỉ trong ý định. Câu nói của những người hiến thân mình mà tôi thường nghe là “Mình hiến xác là mình được sống mãi” và triết lý “Dù xây chín bậc phù đồ/ Không bằng làm phước cứu cho một người” trở thành nếp nghĩ của nhiều người dân thành phố hiện nay”.

Việt Dũng

;
.
.
.
.
.