Cột mốc thời gian Mười Lăm Năm dường như đã thành hằng số tình cảm của mỗi người dân Việt. Cứ sau mỗi chặng Mười Lăm Năm, dù cảnh ngộ éo le hay sung mãn, hạnh phúc hay đau buồn, người ta thường bồi hồi nhớ lại mười lăm năm đã trôi qua.
Khánh thành cầu Sông Hàn năm 2000. Ảnh: Nhân Mùi |
Mười lăm năm ấy ai quên, Mười lăm ấy bây giờ là đây, Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình… Những cảm thức thời gian ấy, dù là của Kiều trong tuyệt phẩm Nguyễn Du hay cảm xúc của Tố Hữu sau những ngày kháng chiến gian lao, hoặc của một tác giả dân gian vô danh, cũng vẫn gợi cho mỗi chúng ta biết bao hồi tưởng về số phận chính mình và của cả cộng đồng.
Và, đến Mùa Xuân này, thành phố chúng ta vừa đi trọn chặng đường Mười Lăm Năm với tư cách là đơn vị hành chính độc lập trực thuộc Trung ương.
Mười Lăm Năm, với chúng ta, không phải là thời gian chờ đợi mỏi mòn, dầu hao cạn bấc, mà là Mười Lăm Năm của phấn đấu, nỗ lực, không chờ cơ may của số phận mang đến mà chủ động tranh thủ tìm cơ hội, chớp lấy thời cơ tạo bứt phá để phát triển.
Trong buổi lễ chia tay khó quên tại quảng trường Nhà hát Trưng Vương mười lăm năm trước, vào sáng 21 tháng 2 năm 1997, trong suy nghĩ của người ở lại phát triển Đà Nẵng và người lên đường xây dựng Quảng Nam, hẳn không phải ai cũng hình dung sự phát triển đầy ấn tượng của hai quê hương trong cuộc đồng hành đi tới hôm nay.
Rực rỡ sông Hàn. Ảnh: Ngọc Hợi |
Có những hợp lực để làm nên sức mạnh. Nhưng cũng có những chia ra để nhân đôi sức mạnh.
Nhớ lại chặng đường từ Mùa Xuân 1975 đến 1997. Hơn 20 năm Đà Nẵng là một thành phố trực thuộc tỉnh. Và Mười Lăm Năm từ Mùa Xuân 1997 đến Mùa Xuân này 2012, Đà Nẵng tự vươn lên để khẳng định mình trong đội hình những đô thị trực thuộc Trung ương. Không ai làm lại lịch sử, nhưng người ta có thể đánh giá lại lịch sử. Lần giở trang lịch sử Đảng bộ, ngày ấy chúng ta đặt ra mục tiêu phấn đấu từ 1997 đến cuối năm 2000 đạt mức GDP bình quân đầu người khoảng 700 USD. Đến Đại hội XX, tổng kết lại, GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 2.015 USD, gấp 2,8 lần so với năm 2000.
Ngày ấy, vào một sớm Xuân 1997, người Đà Nẵng ra đường đón Xuân ngỡ ngàng với 3 con đường lớn vừa được cải taọ, nâng cấp: Đống Đa, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Chí Thanh và một siêu thị mi-ni ở đường Hùng Vương như là dấu ấn sơ khai của lối sống thị thành hiện đại. Mười Lăm Năm sau, không thể kể hết những tuyến đường mới mở, những cây cầu mới bắc qua sông, những tòa nhà cao tầng lộng lẫy, và biết bao những công trình dân sinh khác, những trường học, bệnh viện, cung thể thao, nhà biểu diễn đa năng hiện đại…
Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: NGỌC HỢI |
Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX xác định mục tiêu đầu tư hoàn thành những công trình kết cấu hạ tầng then chốt như: cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi mới, Nhà ga Sân bay quốc tế, Cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu, Nhà ga xe lửa mới, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh đoạn Túy Loan đi Nam Đông, khai thông tuyến đầu của Hành lang Kinh tế Đông-Tây từ Cảng Đà Nẵng đến cửa khẩu Nam Giang. Và các khu đô thị mới sẽ được hoàn thành ở khu vực Tây Bắc, Đa Phước, Nam Cẩm Lệ; Khu đô thị sinh thái Hòa Xuân gắn với khu liên hợp thể thao; quần thể du lịch sinh thái Sơn Trà, Bà Nà - Suối Mơ, Trung tâm hành chính thành phố, dự án khu phức hợp thương mại - dịch vụ cao tầng tại địa điểm Sân vận động Chi Lăng hiện tại.
Không chỉ đầu tư mở rộng quy mô, điều quan trọng lúc này là chất lượng của phát triển. Ở thời điểm của dấu ấn 15 năm, chúng ta đã quan tâm chiều sâu với đề án khả thi cho một thành phố môi trường và những dự án về phát triển đô thị thân thiện với môi trường và khí hậu, nghĩa là chúng ta đã hội nhập với tư duy phát triển bền vững mang tính toàn cầu. Ngày ấy chúng ta khiêm tốn nhận làm người mới gia nhập đội hình, nhưng 8 năm sau, từ 2005, 3 năm liền Đà Nẵng đứng thứ nhì và 2 năm tiếp theo, 2008, 2009, đã vươn lên dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng năm sau cao hơn năm trước nhưng chúng ta đã chứng minh cho sự phấn đấu không ngừng nghỉ của mình.
Bình minh trên cầu Cẩm Lệ. Ảnh: HUY ĐẰNG |
Mười Lăm Năm, chúng ta mới đi được một nửa của thời gian cha ông chiến đấu đằng đẵng trên đất quê hương này, từ đêm 19-12-1946, “Thành Thái Phiên ngập tràn trong khói lửa” cho đến Mùa Xuân Lịch sử 1975. Ngay trong lòng cuộc chiến đấu 30 năm ấy, thế hệ cha anh chúng ta hẳn không ai nghĩ rằng mình sẽ cứ phải chiến đấu mãi, ăn núi ngủ rừng mãi, mà đây là cuộc chiến đấu để làm một công việc khác, lớn lao hơn, cho tương lai con cháu.
Trong những năm tháng ngồi bên bếp lửa rừng chờ phút giây ra trận, họ đều hiểu rằng cuộc chiến đấu này sẽ có ngày kết thúc, mà phải là một kết thúc thắng lợi vẻ vang. Và cái đích cuối cùng của bao thế hệ những người đã ngã xuống là cuộc sống hòa bình, ấm no cho cả dân tộc, trong đó có gia đình mình. Cũng như cha ông, những người đang xây dựng thành phố hôm nay hiểu rằng, thành phố chúng ta không thể cứ giải tỏa, đào xới, ngổn ngang vôi vữa mãi.
Thuyền rồng. Ảnh: NGỌC HỢI |
Sẽ đến lúc là một thành phố hoàn thiện, một thành phố thông minh, thành phố môi trường, thành phố đáng sống. Điều này thật sự không giản đơn. Thành phố đáng sống trước hết là thành phố mà con người được sống hạnh phúc trong căn nhà của họ; rộng ra, là một cộng đồng công dân đồng thuận, người thân thiện với người, thân thiện với môi trường thiên nhiên.
Và trên hết, phải là một thành phố văn hóa, mặc dầu điều ấy - như nhiều người còn băn khoăn - vẫn còn là một đường viền chưa thật rõ nét trên bức tranh Mười lăm năm đầy ấn tượng của thành phố chúng ta. Lấy kinh tế làm trung tâm, xây dựng Đảng làm then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần của phát triển thành phố, kết đọng thành sức mạnh nội sinh, chắc chắn Mười Lăm Năm đã qua sẽ tiếp tục nhân lên sức mạnh mới cho thành phố bước tiếp chặng đường Mười Lăm, Hai Mươi Năm tới.
12-2011
Bùi Công Minh