.

Người ham học

.

Khi được hỏi về chặng đường gian khó đã qua, Long mỉm cười và nói rằng, những vất vả, thăng trầm giúp anh hiểu sâu sắc giá trị cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc sẽ trọn vẹn và ý nghĩa nếu tự tay xây dựng, vun đắp bằng sự nỗ lực, nghị lực, ý chí, niềm tin. “Tất nhiên trong bất kỳ công việc gì cũng cần có đam mê”, thầy giáo 39 tuổi chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người duy nhất ở khu vực Đông Nam Á được Microsoft chọn từ hàng ngàn ứng viên tại 70 quốc gia trên thế giới tham gia diễn đàn Giáo dục toàn cầu lần 2 tại Washington (Mỹ) vào tháng 11-2011.

Nhịn đói đến trường

Từ một học trò nghèo, Nguyễn Văn Long trở thành Tiến sĩ.

Nguyễn Văn Long sinh trưởng trong một gia đình có 6 anh chị em, bố là tài xế tàu lửa, mẹ buôn bán nhỏ lẻ ở cửa hàng tạp hóa trên đường Hải Phòng, phường Tân Chính, quận Thanh Khê (Đà Nẵng). Năm Long học lớp 7, ba mất, gánh nặng kinh tế đè nặng lên đôi vai gầy guộc của mẹ. Hằng ngày, mẹ Long phải xoay xở để lo từng bữa cho bầy con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Hết lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10, Long suýt bỏ học để tìm kiếm mưu sinh vì một mình mẹ không thể gồng gánh cả gia đình. Mẹ khuyên Long bỏ học mà nước mắt chảy dài. Thương mẹ tảo tần nhưng nếu rời ghế nhà trường chỉ với tấm bằng cấp hai, Long biết tương lai sẽ mờ mịt, mọi ước mơ sẽ khép lại. Suy nghĩ, đắn đo, Long quyết định tiếp tục dự thi và trúng tuyển vào Trường THPT Phan Châu Trinh. Để có tiền cho con trai nhập học, mẹ Long đã vay mượn khắp nơi. Long xót xa khi thấy mẹ dường như già hơn vì nặng trĩu lo toan, gương mặt cũng chất chồng những suy tư vì cơm áo, gạo tiền.

Suốt 3 năm ở Trường THPT Phan Châu Trinh, Long đã nhịn ăn sáng. Nhiều lúc đói đến quặn lòng, nhưng bớt một bữa ăn sáng là giảm cho mẹ một phần gánh nặng. Nhìn bạn bè cơm no, áo ấm, có lúc Long chợt tủi thân, nhưng lại thấy thương mẹ hơn bao giờ hết. Trong tâm trí Long luôn có bóng dáng mẹ tất tả ở quầy tạp hóa với tiền lời là những đồng lẻ chỉ đủ lo cho 7 miệng ăn trong ngày. Long cũng thầm ước sự đủ đầy, nhưng nếu không biết phấn đấu, nỗ lực hết mình, hoa hồng sẽ không thể nở tươi thắm và rực rỡ.

Rồi Long thi đỗ vào Trường ĐH Ngoại thương thành phố Hồ Chí Minh. Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, cả nhà rạng rỡ. Nhưng Long đọc được trong ánh mắt mẹ là nỗi buồn sâu thẳm. Dường như chưa ngày nào mẹ gạt bỏ nỗi lo. Từ ngày ba mất, chưa ngày nào mẹ có niềm vui trọn vẹn. Mẹ luôn giấu nước mắt vào lòng, để chứng minh với các con về sự mạnh mẽ và can trường của mình. Song, Long hiểu hành trình đơn độc của một người phụ nữ vừa làm mẹ, vừa làm ba. Anh rất muốn ôm lấy mẹ, rất muốn nói rằng “Con yêu mẹ rất nhiều”. Nhưng Long sợ nước mắt của mẹ sẽ lăn dài, và anh cũng sợ sự vỡ òa cảm xúc của chính mình.  

Một lần nữa mẹ khuyên Long gác ước mơ giảng đường. Anh không có cách nào khác ngoài việc chấp nhận số phận. Tuy nhiên, chấp nhận không có nghĩa là đầu hàng số phận. Long vẫn tiếp tục ôn tập để một năm sau đó, anh trúng tuyển vào Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Và 4 năm sau, anh tốt nghiệp thủ khoa, trở thành giảng viên ĐH, nhận học bổng toàn phần đào tạo thạc sĩ ở Úc và 5 học bổng toàn phần đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Người thầy giáo trẻ đã chọn New Zealand làm nơi để tiếp tục hành trình tri thức và lấy bằng tiến sĩ.

Ứng dụng thế giới phẳng

Dù chưa học khóa dài hạn nào về CNTT, nhưng thầy giáo Long lại đam mê môn học này. Anh luôn tự mày mò, tìm tòi, nghiên cứu việc sử dụng, ứng dụng CNTT trong quá trình quản lý, giảng dạy. Hơn 10 công trình nghiên cứu của anh được chọn đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế đều liên quan nhiều đến ứng dụng CNTT trong giáo dục.

Năm 2011, Long được Microsoft Việt Nam giới thiệu là ứng viên tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu lần 2, do Microsoft tổ chức tại Washington (Mỹ) vào tháng 11-2011 nhằm chia sẻ kinh nghiệm về khả năng ứng dụng CNTT, nâng cao hiệu quả giảng dạy. Để được tham dự, ứng viên phải đạt các tiêu chí do Microsoft đề ra, chẳng hạn như: Kinh nghiệm về ứng dụng CNTT trong lĩnh vực giáo dục; thể hiện khả năng lãnh đạo, giao tiếp, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong và sau khi tham dự diễn đàn… Sau cuộc sát hạch đầy cam go, Long đã lọt vào danh sách 30 lãnh đạo giáo dục được chọn từ hàng ngàn ứng viên của 70 quốc gia trên thế giới.

TS Nguyễn Văn Long luôn khai thác, ứng dụng triệt để các tiện ích của CNTT nhằm nâng cao hiệu quả truyền đạt bài giảng đến với sinh viên.
TS Nguyễn Văn Long luôn khai thác, ứng dụng triệt để các tiện ích của CNTT nhằm nâng cao hiệu quả truyền đạt bài giảng đến với sinh viên.

Đề tài “Các giải pháp ứng dụng CNTT trong bối cảnh thiếu thốn về hạ tầng CNTT ở Việt Nam” của Long trình bày tại diễn đàn đã thu hút sự chú ý, đánh giá cao của các đồng nghiệp trên thế giới. Sáng kiến của anh nhấn mạnh một số phương pháp như: giáo viên và sinh viên cùng chat qua mạng; hay giáo viên yêu cầu sinh viên lập một tài khoản chung cho cả lớp trên trang mạng xã hội như Facebook để cùng truyền đạt, trao đổi và lĩnh hội kiến thức. Theo đó, lớp học sẽ không còn thu gọn trong 4 bức tường, theo kiểu thầy đọc - trò chép; giáo viên và sinh viên cũng có thể dạy - học bất cứ khi nào, ở bất cứ nơi đâu.

Long tâm sự: Với kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng… lĩnh hội ở diễn đàn, anh sẽ đề xuất nhà trường tổ chức các cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đến đội ngũ giảng viên trẻ, nhằm giúp họ đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi lẽ, CNTT sẽ làm tăng tính tương tác giữa người dạy và người học, giúp việc dạy - học hiệu quả hơn, sinh động hơn nếu chúng ta biết khai thác, vận dụng đúng cách.

Khi được hỏi về chặng đường gian khó đã qua, Long mỉm cười và nói rằng, những vất vả, thăng trầm giúp anh hiểu sâu sắc giá trị cuộc sống. Đó là niềm hạnh phúc sẽ trọn vẹn và ý nghĩa nếu tự tay xây dựng, vun đắp bằng sự nỗ lực, nghị lực, ý chí, niềm tin. “Tất nhiên trong bất kỳ công việc gì cũng cần có đam mê”, thầy giáo 39 tuổi chia sẻ.

NGỌC ĐOAN

 

;
.
.
.
.
.