.

Nhớ Tết “Hiệp định Paris”

.

Năm 1973, tại chiến trường Quảng Đà, quân và dân ta đã mở nhiều cuộc tấn công đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang để mở rộng vùng giải phóng, đẩy mạnh công tác binh - địch vận nhằm lôi kéo, cô lập, từng bước làm tan rã hàng ngũ binh lính địch; đồng thời, kêu gọi nhân dân về quê cũ sinh sống, cùng đấu tranh thực hiện Hiệp định Paris.

Tôi được cơ quan Đặc khu Đoàn phân công tham gia đoàn công tác do anh Năm Dừa - Ủy viên Ban Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà - phụ trách, làm nhiệm vụ vận động quần chúng ở các xã vùng B (giáp ranh núi Đại Lộc) về lại quê cũ làm ăn sinh sống. Quá trình tiếp xúc vận động bà con ai ai cũng khẳng định, cách mạng đi đâu dân chúng tôi theo đó, nhất quyết không về lại quê cũ sống với địch. Sau khi lắng nghe mọi ý kiến, anh Năm chậm rãi phát biểu: Thưa bà con, bà con từng bảo, một lòng, một dạ theo cách mạng. Ơn sâu, nghĩa nặng của bà con, cách mạng không bao giờ quên. Nhưng lúc này ta chưa lường hết được bản chất ngoan cố và âm mưu phá hoại Hiệp định, phá hoại hòa bình của kẻ thù. Thua trên bàn hội nghị, chúng quyết giành chiến thắng trên chiến trường bằng âm mưu thiết lập bằng được một chiến tuyến mới có cả thành phố - đồng bằng - vùng núi. Vì thế, chúng cố đẩy ta lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa và lấn chiếm đến đâu, chúng cướp bóc, cắm cờ 3 que đến đó. Chúng còn dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, o ép nhân dân. Đặc biệt, chúng bắt thanh-thiếu niên đi ngủ tập trung vào ban đêm, vào phòng vệ dân sự, vào các sắc lính của chúng. Ở trường học, chúng tổ chức cảnh sinh, quân sự hóa học đường...

Từ bài học đau đớn của cách mạng miền Nam thời kỳ 1954-1958, lần này, ta sớm nhận ra bản chất ngoan cố của kẻ thù nên khi chúng ra sức phá hoại Hiệp định, phá hoại hòa bình, ta quyết lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh đánh trả.

Buổi đầu, nhiều đoàn công tác triển khai xuống bám lại địa bàn gặp không ít khó khăn, tổn thất nhưng với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tất cả nhanh chóng bám lại được địa bàn, nắm được dân, nắm được tình hình âm mưu hoạt động của địch, xây dựng lại được cơ sở.

Trong một thời gian ngắn trước, trong và sau Tết Quý Sửu 1973, chỉ tính tại huyện Đại Lộc, công tác đấu tranh chính trị, công tác binh - địch vận của ta đã thu được những thắng lợi to lớn. Trước hành động của địch xua quân ra càn quét, lấn chiếm vùng B Đại Lộc là vùng giải phóng của ta, quần chúng giác ngộ cách mạng cùng đội ngũ cán bộ cơ sở hợp pháp và lực lượng cốt cán đã nhanh chóng vận động tổ chức tập họp bà con dùng lý lẽ đấu tranh ngăn chặn địch.

Tại xã Lộc Hưng và một số xã giải phóng vùng ven, dựa vào điều kiện làm ăn, sinh sống hợp pháp, đồng bào đã có nhiều hình thức sáng tạo trong đấu tranh, tấn công, lôi kéo binh lính và bọn tề ngụy địa phương, đòi chúng phải cho đồng bào được tự do đi lại, giao lưu buôn bán giữa các vùng. Đồng thời, còn lôi kéo vợ con, gia đình binh lính, tề ngụy cùng buôn bán, họ được ta gặp gỡ, giải thích về chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng. Từ đó, họ về lôi kéo chồng con đào ngũ, rã ngũ. Phong trào “lính trốn” trong anh em binh sĩ và phong trào “trốn lính” trong thanh niên ngày càng nhiều. Nhiều xã có ngày đến 7 - 8 binh sĩ Sài Gòn đào rã ngũ. Tại xã Lộc Sơn, có anh lính người Nam Bộ đào ngũ đưa cả người yêu sang vùng ta sinh sống sau năm 1975 mới về quê.

Ở Lộc Mỹ, địch nống ra lấn chiếm bị lực lượng vũ trang, du kích ta tổ chức đánh gây thương vong lớn. Bọn chỉ huy đã nhờ bà con thương lượng với cách mạng cho đưa số đó về. Ta yêu cầu bọn chỉ huy phải trực tiếp đối thoại, xác định đây là vùng giải phóng của cách mạng, không được lấn chiếm, cướp bóc, bắn pháo làm thiệt hại tính mạng và hoa màu của nhân dân. Với chính sách hòa bình, hòa giải dân tộc và chính sách nhân đạo, ta cho  họ đưa số binh sĩ thiệt mạng và số bị thương về; đồng thời, kêu gọi gia đình, vợ con anh em binh lính Sài Gòn đấu tranh ngăn chặn không cho địch xua quân lấn chiếm.

Tại xã Lộc Sơn, địch cho xe cày ủi, đưa lao công đào binh ra phát quang. Ta vận động, tổ chức quần chúng đấu tranh. Theo lý lẽ của bà con, nếu phát quang, mùa mưa đến sông, suối sạt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mạng và tài sản của nhân dân. Không ít anh em binh sĩ nhận thức được nên cùng nhân dân không cho xe cày ủi, chặt phá, phát quang nữa. Cuộc đấu tranh đã ngăn chặn được âm mưu của địch.

Ngày mùa, cán bộ ta cải trang hợp pháp cùng ra đồng sản xuất giúp dân, tuyên truyền phát động quần chúng, xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch. Qua đó, ta nắm được tình hình và quy luật hoạt động của số ác ôn, bố trí kế hoạch diệt ác - phá kềm, cảnh cáo, răn đe nên nhiều tên ác ôn không dám hung hăng như trước.

Ngày mồng 4, đồng bào ở các khu dồn Đá Núc, Thạnh Xuyên (quận Đức Dục) tổ chức đua ghe vui Tết. Ta huy động bà con Lộc Sơn và Lộc Thành ra bờ sông Vu Gia ở vùng giải phóng, đón xem cổ vũ. Anh em trong đội công tác “Binh - địch vận” của ta cũng đem loa ra phát thanh cổ vũ, tuyên truyền Hiệp định Paris và chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng, kêu gọi anh em binh sĩ, bà con vui Tết đón xuân, cùng nhau thi hành Hiệp định, gìn giữ hòa bình. Bà con phía bên kia và anh em binh sĩ kéo ra bờ sông nghe ngày càng đông. Bọn chỉ huy ở quận đã đình chỉ cuộc đua. Chúng nói: “Tổ chức đua ghe nhưng Cộng sản lợi dụng quần chúng tập hợp lại họ mít-tinh, tuyên truyền”. Các cụ già lên quận xin, song bọn chỉ huy yêu cầu ta không tuyên truyền nữa thì cuộc đua mới được tổ chức. Sau khi đại diện chính quyền địa phương, đại diện chỉ huy binh sĩ sang thương lượng, ta đã đón tiếp, nói chuyện thân mật và đồng ý không bắc loa tuyên truyền. Đồng thời, gửi tặng các văn bản Hiệp định Paris, Nghị định thư và chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng cho họ và gửi tặng về làm giải thưởng cho các đội đua.

Bà con các xã Lộc Sơn, Lộc Thành, Lộc Thuận mở quán mua bán, chợ Phú Thuận đã đông trở lại và ta cũng móc nối, vận động được số gia đình, vợ con tề ngụy, gia đình sĩ quan, binh lính giao lưu, tham gia buôn bán. Có gia đình sĩ quan dùng cả xe nhà binh chở hàng hóa ra buôn bán.

Trong dịp Tết, ở một số khu dồn, đoàn viên cơ sở mật của ta đã huy động học sinh và số thiếu nhi chăn trâu tổ chức đánh trận giả, vờ đuổi nhau chạy vào các khu gia binh, vào các trại lính rồi dùng mo cau, bìa giấy cạt-tông làm thành những chiếc loa tay, kêu gọi Hiệp định Paris đã có hiệu lực thi hành, ta không nên đánh nhau nữa. Các em còn lấy Hiệp định Paris ra đọc, và nhiều binh sĩ cùng gia đình đã tụ tập lại nghe.

Để ngăn chặn số người trước kia chạy ra thành phố vào làm ăn ở các sở Mỹ, nay Mỹ rút bà con thất nghiệp nên về lại quê hương làm ăn sinh sống ngày càng nhiều, số tề ngụy ác ôn địa phương hù dọa: Bà con về Cộng sản họ sẽ trả thù! Chúng còn đặt vè xuyên tạc: “Bảo an, dân vệ thì tha; Kẻ làm sở Mỹ chặt ra làm mười”. Quần chúng cốt cán của ta đấu lại và tuyên truyền cho bà con thành phố hiểu rằng, do chiến tranh ác liệt, mọi người phải ly hương để tránh bom đạn, nay đã hòa bình, cách mạng kêu gọi và mong muốn bà con trở về quê cũ sinh sống, cùng nhau làm ăn xây dựng quê hương đất nước…

Đã 38 năm, 38 cái Tết trôi qua nhưng trong tôi còn mãi hình ảnh về những con người, những mẩu chuyện và việc làm của họ đã góp phần đáng kể vào thắng lợi chung để làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng Đà Nẵng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Phạm Chí Hòa
 

;
.
.
.
.
.