.

Quê tôi, Ngũ Hành Sơn...

.

John Nguyễn là tên gọi ở Mỹ của Nguyễn Hữu Cúc, người con của Đà Nẵng, một doanh nhân thành đạt tại thành phố San Jose, bang California (Mỹ).

John Nguyễn đã thốt lên “Quê tôi, Ngũ Hành Sơn” khi nhắc đến một bài thơ của bạn anh đã được phổ nhạc. Anh thổ lộ tình cảm sâu lắng: “Xa nhà, xa mẹ, xa quê, con của mẹ không bao giờ quên…”. John Nguyễn nói rằng không năm nào anh không trở về với sông Hàn, với núi Ngũ Hành Sơn vài ba lần. Mẹ anh một đời tảo tần và yêu thương anh nhất nhà, nhưng bà không chịu xa quê để đến nơi xa lạ sống với anh. Bà nói: “Quê hương Đà Nẵng, nơi chôn nhau cắt rốn là máu thịt nên đến tuổi già, mẹ càng không thể xa thành phố này”. Mỗi lần anh về, mẹ cứ níu kéo không muốn anh đi. Nhưng ở với mẹ chỉ được vài hôm, anh phải trở về với công việc của mình. John Nguyễn nói: “Con đi làm ăn rồi con lại về với mẹ, với quê hương. Con đang góp chút sức nhỏ của mình xây dựng thành phố quê hương”. Và mẹ lại vui vẻ động viên để anh ra đi...

Buổi tối 30-11-2011, trong không khí gần gũi, thân thiết tại nhà hàng Vũng Tàu, thành phố San Jose, John Nguyễn vui vẻ kể lại với các nhà báo Việt Nam đang ở thăm Mỹ về những ngày bần hàn, gian khổ khi anh đặt chân tới đất nước này hơn 36 năm trước. Anh hồi tưởng, cuối tháng 3-1975, ngụy quyền thất thủ tại Đà Nẵng, cậu bé Cúc chưa bước qua tuổi 15. Dòng người di tản theo đường biển, đường bộ rồi trôi vào phương Nam. Bạn bè rủ rê đi, thế là Cúc chẳng kịp suy xét gì, cứ ào ào theo như một cơn lốc. Đi rồi mới ân hận vì chẳng kịp xin phép mẹ. Trong dòng người ra đi chẳng có ai là họ hàng thân thích. Vào tới Sài Gòn, không khí hỗn quân hỗn quan, nghe người ra rủ nhau nhảy rào vào Sứ quán Mỹ, thế là Cúc leo tường rào nhảy đại vào, suýt trúng đầu một lính Mỹ đang gác bên trong. Rồi cả nhóm chạy lên sân thượng, đu lên máy bay trực thăng đậu trên nóc nhà Tòa đại sứ. Trực thăng đưa mọi người ra tàu sân bay ngoài khơi di tản sang tận bờ Tây nước Mỹ.

Tuổi thơ của Nguyễn Hữu Cúc là vậy, ra đi theo lời bạn bè rủ rê, liều lĩnh và bất chấp. Cúc kể lại những năm tháng vất va vất vưởng, làm thợ xây, sửa điện, nhặt rác, không việc gì mà không làm, miễn sao có tiền để sống. Nơi đất khách quê người, Cúc nhớ mẹ, nhớ con sông Hàn quê hương, nhớ núi Ngũ Hành Sơn thân thương, nhớ những buổi sáng tinh mơ chờ sương khi mùa đông tràn về phương Bắc, trên đỉnh núi Bà Nà - chốn bồng lai tiên cảnh mây mù lãng đãng trôi. Nhiều đêm cậu bé Cúc đã khóc. Nguyễn Hữu Cúc tự nhắc nhở mình rằng đã ra đi thì phải quyết chí thành người. Việc đầu tiên là phải học, học tiếng Anh thật giỏi và học luật để tự tin, vững vàng làm ăn nơi xứ người.

Bằng sự bươn chải, học hỏi và nghị lực vươn lên, Nguyễn Hữu Cúc - John Nguyễn đã trở thành doanh nhân thành đạt về kinh doanh bất động sản tại Mỹ. Tâm đắc với câu: Buôn có bạn, bán có phường, Nguyễn Hữu Cúc chủ động kết nối với bạn bè trong cùng một lĩnh vực kinh doanh, các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề của mình. Anh là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội Doanh gia Việt - Mỹ, tập hợp bạn bè tạo thế mạnh hợp tác kinh doanh, làm dịch vụ. Để thành công trong lĩnh vực kinh doanh đất, kinh doanh nhà cửa, xây dựng các tòa cao ốc, các khu dân cư - đô thị, anh đã liên kết với các tập đoàn xử lý rác thải, kinh doanh điện, xây dựng công viên xanh.

Thành đạt, Nguyễn Hữu Cúc vận động bạn bè, tạo vốn chuyển về Việt Nam đầu tư xây dựng quê hương và làm công tác từ thiện. John Nguyễn, David Hương, Tony Lâm là 3 doanh nhân - doanh gia Việt kiều tại bang California khá gần gũi và thân thiết với nhau. Họ đồng thuận và đồng hành trên thương trường, hỗ trợ nhau vượt qua nhiều khó khăn, đồng thời luôn hướng về “Quê tôi, Ngũ Hành Sơn” bằng tình cảm chân thành.

QUỐC TOÀN
 

;
.
.
.
.
.