.

Rồng, truyền thuyết và hiện thực

.

Rồng, hàng nghìn năm nay, đã là một phần tất yếu trong đời sống văn hóa của người Việt. Từ truyền thuyết, rồng đi vào 12 con giáp, hóa thân thành biểu tượng thiêng liêng tối thượng trong các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa,... Ngày nay Rồng lại xuất hiện trong một kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại ở một công trình được xem là biểu tượng mới của thành phố Đà Nẵng.

Chuyện kể rằng, Ngũ Hành Sơn – tên chữ của cụm núi Non Nước, Đà Nẵng, được sinh ra từ một quả trứng Rồng. Trứng nở ra một nàng tiên, năm mảnh vỏ biến thành năm ngọn núi. Rùa Vàng tháo móng chân mình trao cho con người để người làm vũ khí chống lại kẻ ác, bảo vệ nàng tiên...

Khách viếng miền đất tâm linh này còn cảm nhận đâu đó một sự hòa quyện, đan xen giữa thực và hư, giữa huyền tích và lịch sử.

Vua Lê Thánh Tôn 540 năm trước trên đường mở cõi, khi ngắm vịnh Đà Nẵng, lúc đó có tên là Đồng Long Loan (vịnh Đồng Long), đã từng hạ bút: Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền. Đồng Long [銅 龍] là rồng đỏ như màu đồng, phải chăng nơi đây đã từng xuất hiện một Rồng Đỏ uy linh, như Rồng Bay Xuống giúp người chống giặc ngoại xâm lưu lại địa danh Hạ Long hay Rồng Bay Lên báo điềm lành vượng khí của vùng Thăng Long khi Lý Thái Tổ dời đô về đất mới?

Theo quan niệm người xưa, Rồng làm ra mưa và hộ trì việc canh tác lúa nước; ở đâu có Rồng, ở đó phồn thịnh. Rồng “bay” vào tư duy sáng tạo của người Việt và làm thăng hoa khát vọng quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, bội thu mùa vụ...

Ngày nay, trên sông Hàn thành phố Đà Nẵng, một cây cầu mang hình tượng Rồng “bay” trên sóng nước, được khởi công xây dựng ngày 19 tháng 7 năm 2009. Cây cầu có tên là Cầu Rồng này là công trình vĩnh cửu, một cải tạo cảnh quan đóng vai trò làm điểm nhấn quan trọng, là biểu tượng kiến trúc của thành phố (Rồng vươn ra biển lớn) khi hoàn thành vào ngày 29-3-2013.

Cây cầu có dáng Rồng linh thiêng này được xây dựng tại khu vực nút giao thông gần Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng nối với nút giao thông Nguyễn Văn Linh nối dài, phía đông là nút giao thông đường Ngô Quyền, kéo dài đến đường Hoàng Sa – Trường Sa.  

Tính đến cuối năm 2011, theo đánh giá của ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thành phố, thời gian thực hiện thi công Cầu Rồng chiếm 65% tiến độ, khối lượng hoàn thành đạt 55% toàn dự án. Sở dĩ có sự “so le” giữa tiến độ và khối lượng này là do công trình có yêu cầu kỹ thuật cao với công nghệ phức tạp, một số hạng mục chưa từng được thi công ở Việt Nam; các loại vật tư đặc chủng đều phải đặt hàng trước từ nước ngoài với kinh phí lớn; thi công gần như hoàn toàn trên sông nước nên chịu ảnh hưởng thời tiết; vừa thi công vừa phải bảo đảm luồng thông thuyền dưới sông...

Trên công trình Cầu Rồng.
Trên công trình Cầu Rồng.

Để đuổi kịp tiến độ, kỹ sư Phạm Xuân Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban điều hành Dự án Gói thầu số 1B, Liên danh Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1 và Tổng Công ty Công trình cầu đường Quảng Tây, đơn vị thi công thượng bộ cầu chính cho biết, đơn vị đã tăng lượng công nhân từ 250 lên 350 người. Tết Nhâm Thìn đơn vị sẽ bố trí 70% công nhân ở lại làm việc, phần lớn công nhân quê ở miền Bắc sẽ có một cái Tết mang ít nhiều hương vị phương Nam. Cũng như năm ngoái, năm nay lãnh đạo thành phố đến thăm, chúc Tết và “lì xì” đầu xuân cho công nhân tại công trường.

Có thể nói, mỗi cây cầu của Đà Nẵng mang một dáng vẻ kiến trúc mới lạ, độc đáo và “chở” lên đó tâm tình của người Đà Nẵng, lưu dấu ấn của thành phố đối với du khách. Mỗi cây cầu góp một nhịp vui vào khúc đại hòa tấu nối liền hai bờ sông Hàn của Đà Nẵng ngày mới.

Cầu Rồng, khi hoàn thành sẽ tạo thành trục chính của thành phố theo hướng Đông Tây, hình thành tuyến ngắn nhất nối Sân bay Đà Nẵng với các trục giao thông quan trọng khác của thành phố, là trục vận tải hành khách, hàng hóa phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch giữa hai bờ sông Hàn; không chỉ giúp giải tỏa sự quá tải của cầu Sông Hàn hiện nay mà còn góp phần khai thác hết tiềm năng của thành phố, nhất là cảng nước sâu Tiên Sa lớn nhất miền Trung.

Từ truyền thuyết “con Rồng cháu Tiên”, dân tộc ta đã làm cuộc trường chinh suốt mấy nghìn năm lịch sử với dáng ngẩng cao đầu bay lên. Giữa thời văn minh công nghiệp nhiều cơ hội và cũng lắm thách thức ngày nay, Rồng càng trở thành biểu tượng để tâm thức mọi con dân nước Việt hướng đến. Với công dân Đà Nẵng, nay mai khi Cầu Rồng hoàn thành, đó sẽ là dấu chỉ của niềm tin nghìn xưa hiển hiện trong khát vọng mãnh liệt hóa Rồng của Việt Nam, của Đà Nẵng trong thời hội nhập ngày nay.

Khi nghe tin Cầu Rồng khởi công với phối cảnh mô hình độc đáo, một người yêu Đà Nẵng đã gửi cảm xúc qua mấy câu thơ: Sông Hàn bắc Cầu Rồng!/ Có Thăng Long, Hạ Long/ Tên cầu của Đà Nẵng/ Là Phi Long hợp không? Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi được một vị ngoại bát tuần ra cho vế đối chơi chữ rất hiểm hóc, ghi lại ở đây để cùng ngẫm ngợi đầu xuân: Tết năm Rồng, thăm Cầu Rồng, mong sớm Rồng mây gặp hội.

5 “cái nhất” của Cầu Rồng

Kỹ sư Phạm Xuân Bình, Trưởng phòng Kỹ thuật Ban điều hành Dự án Gói thầu số 1B, cho rằng Cầu Rồng hiện đạt 3 cái nhất trong xây dựng cầu ở Việt Nam: (1) Khối lượng đổ bê-tông bịt đáy lớn nhất với 6.666m3 ở trụ P1 (toàn bộ cầu có 5 trụ, trong đó trụ P1 là lớn nhất); (2) Thi công dầm Ko bê-tông cốt thép dự ứng lực trên đỉnh trụ có chiều dài lớn nhất với 62m; (3) Độc đáo nhất với vòm cầu gồm 5 ống thép tạo hình con rồng ngay giữa cầu.

Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải Đặng Việt Dũng góp thêm: Kỹ thuật, công nghệ mới nhất, chưa từng được thi công ở Việt Nam như gia công lắp đặt vòm thép...

Kỹ sư Đỗ Xuân Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cầu Rồng, thì thêm một “cái nhất” nữa là tên gọi gây cảm xúc nhất. Rồng lâu nay chỉ biết qua sách vở, truyền thuyết, nay hiển hiện trong một công trình giao thông như một kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Đó cũng là cách để công dân thành phố nỗ lực, phấn đấu vươn cao, bay xa hơn nữa.

Cầu Rồng chịu được chấn động cấp 6, tĩnh không thông thuyền 7m. Tổng chiều dài 666,565m (nhịp chính dài 200m, hai nhịp bên mỗi nhịp dài 128m, nhịp đuôi rồng dài 64,15m, nhịp đầu rồng dài 72m). Chiều rộng 37,5m, gồm 6 làn xe, mỗi làn 3,75 mét. Dải phân cách 6m và hành lang đi bộ hai bên. Tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD).

Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ
 

;
.
.
.
.
.