.

Trịnh Xuân Thuận - Người đi bắt ánh sáng

.

Tháng 12-2011, GS Trịnh Xuân Thuận trở về Việt Nam lần thứ tư. Chỉ trong vòng 20 ngày, ông đã nói chuyện 15 buổi tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn và TP. Hồ Chí Minh. Đâu đâu, người đến nghe ông cũng đông, cũng say mê, náo nức. Dù thời gian lưu lại thành phố bên sông Hàn rất ngắn, nhưng ông vẫn ghé thăm Báo Đà Nẵng.

Ảnh: VĂN NỞ

Năm 2007, Viện Hàn lâm Pháp tặng ông Giải thưởng Moron cho cuốn sách Những con đường của ánh sáng. Năm 2009, ông được UNESCO tặng Giải thưởng Kalinga về phổ biến khoa học. Sách của ông được in bằng 20 thứ tiếng.

Những thành công hôm nay của ông bắt nguồn từ tuổi thanh xuân cô đơn mà sục sôi kỳ diệu….

Sinh năm 1948 nhưng, sau Hiệp nghị Genève năm 1954, trước cảnh chia đôi đất nước, mới sáu tuổi, Trịnh Xuân Thuận đã phải theo cha rời Hà Nội vào Đà Lạt, rồi giạt về Sài Gòn, theo học “trường tây” Jean-Jacques Rousseau (hiện nay là Trường THPT Lê Quý Đôn). Từ nhỏ cho đến khi thi “tú tài Tây”, anh phải “bò” ra học tất cả các môn đều bằng tiếng Pháp! Nào ngờ, chính nhờ cái vốn tiếng Pháp học rả rích trong mười mấy năm trời từ dạo ấy, sau này, anh mới có thể viết nên những cuốn sách dày dặn, nổi tiếng thế giới, mang tính khoa học chuẩn mực mà lại đậm đà hương vị thi ca…

“Trong suốt tuổi thơ ấu và thanh niên, vào cuối những năm 1950, đầu những năm 1960, khi tôi còn sống ở Sài Gòn, một trong những niềm vui lớn của tôi là được đắm mình vào một cuốn sách phổ biến khoa học hay. Trong những giờ phút tuyệt vời đó, tôi tạm quên đi thế giới hằng ngày, để mặc cho tác giả dẫn dắt mình vào những tình tiết kỳ lạ trong thế giới của cái vô cùng bé, và kinh ngạc trước vẻ đẹp và sự hài hòa của cái vô cùng lớn.

Cũng như đối với một cuộc điều tra của Sherlock Holmes, tôi hồi hộp theo dõi những diễn tiến của các cuộc khám phá khoa học: những dấu hiệu, những giả thuyết, những con đường lầm lạc, những ngõ cụt và những cuộc tranh luận, để rồi cuối cùng đạt tới chân lý.”

Về thiên hướng hình thành rất sớm trong cuộc đời anh, Trịnh Xuân Thuận cho ta biết:

“Những cuốn sách tôi đọc ở tuổi ấu thơ đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng và làm hình thành suy tư của tôi. Chắc chắn chúng đã đóng một vai trò to lớn trong việc dẫn dắt những bước đi đầu tiên của tôi đến với khoa học. Chúng cũng kích thích trong tôi sự ham muốn được đóng vai trò tích cực trong cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Từ đó tôi không ngừng quan sát vũ trụ bằng những kính thiên văn lớn nhất trên mặt đất cũng như trong không gian”.

Ông kể lại:

“Tôi học tiếng Pháp từ nhỏ, đọc Pascal, Victor Hugo, Guy de Maupassant, Hector Malo… nên thấy tiếng Pháp hay hơn, có nhiều nuance, expression. Tôi dạy và viết những bài tiểu luận thiên văn bằng tiếng Anh, còn viết cho mọi người đọc tôi thích viết bằng tiếng Pháp hơn. Nhưng để có nhiều độc giả, phải dịch ra tiếng Anh. Tôi thích viết theo phong cách văn chương. Viết sách khoa học một cách văn chương thì độc giả dễ đọc và thích thú hơn…”.

18 tuổi, xong trung học, anh Thuận sang Thuỵ Sĩ, theo học chương trình kỹ sư ở Lausanne. Nhưng, chẳng mấy chốc, anh cảm thấy mình không thích hợp với công việc này! Kỹ sư là người ứng dụng những định luật do các nhà vật lý khám phá, thế mà anh lại muốn chính mình là người khám phá ra cái mới, chứ không phải chỉ ứng dụng. Anh chọn vật lý học bởi vì, theo anh, là một ngành khoa học cơ bản nhất, đặt ra những câu hỏi sâu sắc nhất, chẳng hạn cấu trúc của vật chất như thế nào. Vậy mà muốn được học môn vật lý ở trình độ cao nhất, thì còn có thể ở đâu khác nếu không phải ở các đại học của Mỹ. Cùng một lúc anh nộp đơn vào ba trường danh tiếng là Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Princeton và Học viện Công nghệ California (Caltech). Phải qua một loạt trắc nghiệm đặc biệt, chắc chắn là rất khó, nhưng anh đã thành công. Kết quả, cả ba trường đều vui lòng cấp học bổng cho anh sang Mỹ!

“Lớn lên ở một nước nhiệt đới, lại được nếm mùi mùa đông đầu tiên ở Thụy Sĩ - sau này, anh kể lại - tôi nhận thấy cái lạnh không hợp “gu” với mình. Tôi thích ánh nắng và sự ấm áp ở California hơn.”

Đó là lý do khiến Trịnh Xuân Thuận chọn Caltech. Chỉ sau khi đã vào học trường này, anh mới cảm thấy “đây quả là thánh địa của khoa học”.

Trường chỉ có 800 sinh viên được lựa chọn kỹ càng từ các trường trung học và đại học của Mỹ, nhưng có tới 400 giáo sư và nghiên cứu viên. Họ không phải là những vị “thường thường bậc trung”, mà là những nhà bác học “đầu ngành” tầm cỡ thế giới, trong đó có 5 người đoạt Giải thưởng Nobel, như Richard Feymann, một trong những người đặt nền móng cho điện động lực học lượng tử, hay như Murray Gell-Mann, người khám phá ra hạt quark, “viên gạch” xây nên nguyên tử, con người và Vũ trụ…

“Tôi hoàn toàn sững sờ - Trịnh Xuân Thuận kể - khi thấy Feymann kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi mà những chàng trai mới mười chín, hai mươi tuổi đặt ra cho ông. Ông còn thảo luận và vui đùa với chúng tôi nữa. Thật tuyệt vời! Và chính điều ấy đã làm thay đổi tôi, một người xuất thân từ hệ thống giáo dục Pháp, trong đó thầy và trò luôn giữ một khoảng cách nhất định (…).

Ở Caltech, chúng tôi được hưởng cái đặc ân tối thượng là bất cứ lúc nào cũng có thể gõ bất cứ cánh cửa nào! Những trí tuệ vĩ đại ở đây đều dành thời gian trả lời tất cả những câu hỏi của chúng tôi. Tôi bắt đầu nhận thấy giá trị của cái môi trường màu mỡ này đối với sự phát triển tài năng của mỗi người…”.

GS Trịnh Xuân Thuận (thứ 3 từ phải sang) trong một lần thăm và trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng cuối năm 2011. Ảnh: V.NỞ
GS Trịnh Xuân Thuận (thứ 3 từ phải sang) trong một lần thăm và trò chuyện với cán bộ, phóng viên Báo Đà Nẵng cuối năm 2011. Ảnh: V.NỞ

Nhớ về Feymann, Trịnh Xuân Thuận viết tiếp:

“Mở đầu bài giảng, ông thường tạo ra bầu không khí thoải mái bằng cách kể một câu chuyện hoặc một giai thoại vui và điều ấy khiến chúng tôi ngay lập tức được thư giãn. Tôi chưa bao giờ cảm thấy ở ông một chút thái độ trịch thượng nào đối với lũ sinh viên chúng tôi. Ông nhìn tự nhiên với đôi mắt luôn mới mẻ, vô tư, và giải thích lại tất cả theo cách riêng của mình. Ông không bao giờ đi theo những con đường đã mòn nhẵn và luôn xem xét lại những ý tưởng đã được chấp nhận (…).

Khi ông mất vào năm 1989, sau một thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư, cả khu đại học đã khóc vì nhớ tiếc ông. Bất cứ ai có cơ may tiếp xúc với ông đều nhớ tới một sự hiện diện toả sáng của một phẩm cách tuyệt vời”.

Bên cạnh vật lý hạt cơ bản, thì vật lý thiên văn cũng rất hấp dẫn anh. Hai đợt thực tập vào mùa hè 1967 và 1968 đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự chọn ngành của anh. Anh làm phụ tá cho Gordon Garmire, một nhà nghiên cứu thiên văn học tia X. Thường thì người ta nghĩ rằng thiên văn học rốt cuộc là quy về quang học, về thị giác nhưng, vài chục năm trước, thiên văn học đã giàu lên rất nhiều nhờ nghiên cứu tất cả ánh sáng tạo nên phổ điện từ, bởi vì Vũ trụ không chỉ phát ra ánh sáng thấy được, mà cả ánh sáng gamma, tia X, tia tử ngoại, tia hồng ngoại và cả sóng vô tuyến nữa. G. Garmire chuyên theo dõi các thiên thể phát ra tia X. Để chụp ảnh các phần của vòm trời, ông phải tới kính thiên văn với đường kính 5 mét trên núi Palomar, kính thiên văn lớn nhất thế giới. Và ông đưa anh đi cùng…

“Tôi sẽ còn nhớ mãi - Trịnh Xuân Thuận kể tiếp - đêm quan sát đầu tiên của tôi ở nơi thánh địa của thiên văn học. Đây là một kỳ quan đích thực của công nghệ. Được xây dựng vào năm 1948, kính thiên văn này vẫn hoạt động rất tốt. Nó lớn tới mức phải dùng thang máy để lên trên cao. Nó cho phép nhìn thấy những thiên thể sáng yếu hơn ngôi sao sáng yếu nhất có thể nhìn thấy bằng mắt trần 40 triệu lần. Vì nhìn thấy các ngôi sao sáng càng yếu tức là nhìn thấy càng xa hơn, và nhìn càng xa tức là nhìn được càng sớm hơn, nên nó cho phép ta lần ngược thời gian tởi tận 5 tỷ năm sau Big Bang và, do đó, nó cho ta nhìn thấy Vũ trụ ở tuổi thanh xuân.

Tôi luôn có một cảm giác thần bí và trái tim tôi đập rộn ràng hơn khi tôi tới Palomar và trông thấy cái mái vòm che kính thiên văn 5 mét hiện lên sừng sững ở chỗ ngoặt của con đường. Đối với tôi, nó giống như thánh đường của thế kỷ 20 đang hướng lên vòm trời (…). Quả thực chuyến đi đó đã làm cho tôi ngả về phía thiên văn học.

Tôi mê mẩn về những cái mà tôi nhìn thấy. Lần đầu tiên tôi cảm thấy sự rộng lớn bao la của Vũ trụ. Tôi tự nhủ mình rằng cái Vũ trụ bao la kia còn chứa đựng biết bao điều bí ẩn và, thậm chí với trí tuệ nhỏ bé của mình, tôi cũng có thể góp phần, dù là nhỏ, để đẩy lùi đường ranh giới của những cái còn chưa biết và vén lên những bức màn bí mật của chúng. Số những bài toán chưa có lời giải trong vật lý thiên văn dường như là vô tận, trong khi, theo tôi nghĩ, trong vật lý hạt cơ bản, chúng chỉ là hữu hạn mà thôi (…).

Những quan sát thiên văn hiện đại được thực hiện thông qua máy móc điện tử. Hình ảnh do kính thiên văn thu được hiện lên trên màn hình TV. Lần ấy, trên một màn hình lớn đặt ngay trong lớp - hình như lớp của GS William Fowler, cha đẻ của vật lý thiên văn hạt, Giải thưởng Nobel - những hình ảnh về bề mặt Hoả tinh dần dần hiện lên trước mắt chúng tôi theo mức độ các tín hiệu vô tuyến từ con tàu thăm dò Mariner 7 gửi về tới Trái đất.

Đó là một cảm giác không thể mô tả nổi khi ta nhìn Hỏa tinh lần đầu tiên hé lộ cho loài người thấy bộ mặt thật của nó: Chẳng có những người xanh nhỏ bé, cũng chẳng có những kênh đào nào, mà chỉ có những quang cảnh đầy sỏi đá hoang vu. Khỏi phải nói loại trải nghiệm như vậy để lại ấn tượng như thế nào đối với một đầu óc hãy còn non trẻ. Tôi cảm thấy mình đang sống giữa một không khí sục sôi kỳ diệu! (…).

Tôi yêu toán học, nhưng tôi chỉ xem nó như một công cụ, chứ không phải như mục đích tự thân. Tôi thích hiện thực cụ thể hơn những thực thể trừu tượng. Các hành tinh, các sao và các thiên hà tôi đều có thể nhìn thấy nhờ các kính thiên văn, chúng là thực hoàn toàn.”

Tháng 6-1970, anh tốt nghiệp cử nhân vật lý với tấm bằng danh dự của Viện Công nghệ California. Ở Mỹ có hai trung tâm thiên văn lớn nhất là Caltech và Princeton. Caltech nổi tiếng trước hết về những quan sát lớn, trong khi đó Princeton lại nổi tiếng trước hết về mặt lý thuyết. Lẽ ra Trịnh Xuân Thuận có thể ở lại Caltech viết luận án tiến sĩ, nhưng các giáo sư của anh khuyên anh nên đến Princeton để có thể tiếp xúc với những trí tuệ khác và biết thêm những lối tư duy khác.

Khi anh đến gõ cửa Lyman Spitzer xin ông nhận hướng dẫn anh viết luận án, ông chấp nhận với điều kiện đề tài luận án phải là nghiên cứu chất khí trong môi trường giữa các vì sao. Vì ông quá bận rộn, nên mỗi tuần anh chỉ có thể đến gặp ông một giờ đồng hồ. Anh trình bày với ông những kết quả mà anh thu được trong tuần lễ trước. Ông gật đầu mỗi khi đồng ý và nhíu mày mỗi khi cảm thấy không ổn. Ông là một con người đặc biệt. Một giờ làm việc với ông, anh học được nhiều hơn so với một tuần làm việc với những nhà khoa học ở tầm cỡ nhỏ hơn. Spitzer chính là cha đẻ của kính thiên văn không gian Hubble, sau này, được tàu con thoi đưa lên quỹ đạo.

Tháng 5-1974, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Đại học Princeton. Về những năm ở Caltech, rồi Princeton, Trịnh Xuân Thuận kể:

“Lúc đầu tôi chỉ biết tiếng Pháp, chưa biết tiếng Anh - Mỹ. Xa nhà, xa đất nước, không có tiền để về thăm nhà, bị cắt đứt mọi mối liên hệ với gia đình, thiếu nơi nương tựa tinh thần, văn hóa lại khác hẳn, nên tôi cảm thấy hết sức cô đơn. Nhưng tôi vẫn âm thầm cố gắng để đạt mục đích của mình”.

 Năm 1982, anh trở thành phó giáo sư, và sau đó, từ năm 1990 đến nay, là giáo sư thiên văn học tại Đại học Virginia (Mỹ). Anh thường được mời đến giảng dạy và nghiên cứu tại nhiều trường đại học và viện nghiên cứu ở Pháp, Anh, Đan Mạch...

HÀM CHÂU

 

;
.
.
.
.
.