(ĐNĐT) - Tết đến, xuân về, bên cạnh những lời chúc năm mới, bên bánh chưng xanh, dưa hành và câu đối đỏ, thì những điểm vui chơi, giải trí luôn là điều quan tâm của tất cả những người dân. Khép lại những bận rộn của một năm, du xuân và tham gia các chương trình lễ hội mang lại cho bạn một niềm vui mới, để tạo sức bật cho một năm mới yên bình, hạnh phúc...
* Hội Hoa Xuân Kỷ Sửu 2009 được tổ chức tại Công viên 29-3 từ ngày 23 đến 31-1 (từ 28 tháng Chạp Mậu Tý đến ngày mồng 6 tháng Giêng Kỷ Sửu) sẽ tiếp tục duy trì chủ đề “Tết xưa – Tết nay”.
Chương trình năm nay sẽ có quy mô lớn hơn mọi năm với nhiều hoạt động mới hấp dẫn. Toàn bộ không gian trong công viên sẽ được phân thành hai khu “Tết xưa” và “Tết nay”. Khu “Tết xưa” sẽ được trang trí bằng các loại đèn lồng, cờ phướn và câu đối Tết tạo khung cảnh rực rỡ cho lễ hội. Từ cổng ra vào khu lễ hội đến các lều, quán, sạp, bàn ghế đều được làm bằng tre, gỗ, lá.
Đến với khu “Tết xưa”, du khách và người dân sẽ được thưởng thức các màn múa rối cạn do các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn suốt ngày đêm. Các món ẩm thực được phục vụ bởi những cô gái mặc áo dài, áo bà ba sẽ chào mời du khách các món ăn truyền thống của quê hương như đậu hủ, mì Quảng, bánh tráng đập, bánh đúc, bánh nậm, bánh nổ; bánh tét… đựng trong những tô, bát làm bằng gốm, tô sành hoặc đất nung. Nước chè xanh cũng được nấu bằng nồi đất.
Khách du Xuân có thể mua sắm các món hàng lưu niệm như quạt tre, quạt giấy, tò he, lồng đèn thủ công, tranh dân gian Đông Hồ, câu đối tết, diều…
Du khách cũng sẽ được dịp hòa cùng niềm vui với các trò chơi dân gian tái hiện các sinh hoạt vui chơi trong ngày Tết như biểu diễn cờ người, đánh cờ tướng, biễu diễn võ thuật, đập om đất, đi cầu khỉ, đi cà kheo, các hoạt cảnh múa lân, nổi trống mừng xuân, hoạt cảnh bức tranh quê bằng gốm… Trong khu vực “Tết xưa”, Ban tổ chức còn trưng bày 200 tác phẩm hoa, cây cảnh cổ thụ, biểu diễn thư pháp của hai nhà thư pháp Ngọc Diệp và Nhất Chi Lan.
Các nhà thư pháp trong trang phục khăn đóng, áo the sẽ “cho chữ” du khách đầu xuân ở những gian hàng này. Bên cạnh đó là các khu chọi chim, khu hội bài chòi, khu sân khấu hát bội, cải lương, hát dân ca Quảng Nam…; chương trình bức tranh quê miền Trung; mô hình giới thiệu truyền thuyết về 8 loài hoa đặc sắc trong ngày Tết…
Bước sang khu vực “Tết nay”, du khách sẽ được thấy một phong cách hiện đại của ánh sáng và âm thanh, đến cách trang trí cổng chính, các pano cổ động mùa Xuân, các trò chơi mới như: đu bạch tuộc, xe điện, xe đạp trên không… “Tết nay” năm nay có thêm hoạt động mới là chương trình Xuân yêu thương với sự góp mặt của các diễn viên, ca sĩ nổi tiếng đến từ thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Số tiền thu được sẽ dành tặng cho các trẻ em bất hạnh ở Trung tâm bảo trợ xã hội Đà Nẵng.
Đặc biệt, cuộc thi Miss Fashion 2009 (dành cho thí sinh từ 16 - 25 tuổi) diễn ra lần đầu trong Hội hoa Xuân sẽ mang đến cho giới trẻ yêu chuộng thời trang một sân chơi mới. Cũng tại Hội Hoa Xuân, cuộc thi Kid Idol 2009 lại là sân chơi của các em thiếu nhi (từ 5 - 11 tuổi) nhằm “đi tìm nhân tài nhí của thành phố Đà Nẵng”. Theo dự kiến, bắt đầu từ mùa xuân năm nay, cuộc thi sẽ tổ chức định kỳ hằng năm.
Dọc bờ sông Hàn, đường hoa Bạch Đằng tô điểm cho thành phố trong dịp Tết Kỷ Sửu với 2 điểm nhấn chính của đường hoa tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm và trước UBND thành phố. Ngoài ra, trên vỉa hè dọc con đường này được trưng bày 200 bức tượng đá nghệ thuật của các nghệ nhân làng đá Non Nước.
* Vào ngày 28 và 29-1 (mồng 3 và 4 Tết Kỷ Sửu), tại nhà biểu diễn đa năng, số 01 Phan Đăng Lưu, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức chương trình ca nhạc “Mừng đảng đón xuân” quy tụ hơn 100 nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng trên toàn quốc cùng một số đơn vị: Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia, Liên đoàn xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh... tham gia biểu diễn.
* Trong 2 ngày 29, 30-1 (mồng 4, 5 Tết), Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đến từ thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu chương trình Đêm hội ngộ Xuân 2009 trước khán giả Đà Nẵng. Chương trình quy tụ 6 nghệ sĩ tài danh của nhà hát: NSƯT Vũ Linh, NSƯT Thanh Thanh Tâm, NSƯT Kim Tử Long, cungd các nghệ sĩ Vũ Luân, Tú Sương, Trinh Trinh.
Đêm đầu tiên của buổi diễn, các nghệ sĩ sẽ biểu diễn các trích đoạn cải lương từng vang bóng như: Lưu Kim Đính; Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài; Tô Ánh Nguyệt; Giang Sơn mỹ nhân-Tây Thi; Giũ áo bụi đời; Chung Vô Diệm; Phụng Nghi đình; Bến phà kỷ niệm. Đêm thứ 2, chương trình sẽ diễn trích đoạn các vở Thúy Kiều-Thúc Sinh-Hoạn Thư; Tình sử Dương Quý Phi; Xa Phu đi sứ; Nửa đời hương phấn; Chuyện tình Lan và Điệp; Lữ Bố hí Điêu Thuyền; Võ Tắc Thiên.
Chương trình diễn ra lúc 20 giờ 30 tại Nhà hát Trưng Vương.
* Ngày 2-2 (ngày 8 Tết), Đoàn Ca nhạc nhẹ Phương Tường đến từ thành phố Hồ Chí Minh với một dàn ca sĩ tên tuổi trình diễn một đêm duy nhất trước khán giả Đà Nẵng tại Nhà hát Trưng Vương. Gồm những ngôi sao ca nhạc: Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Tuấn Hưng, Tim, Vũ Trâm Anh, Quách Thành Danh, Phạm Khánh Hưng, Phong Đạt, Lý Thái Sơn. Và sự góp mặt của Danh hài Bảo Chung…
Đoàn sẽ trình diễn các ca khúc về mùa xuân đầy vui tươi, rộn ràng.
* Trong 3 ngày 4, 5 và 6 tháng 2 (từ 10 đến 12 tháng Giêng năm Kỷ Sửu), ca sĩ Ánh Tuyết cùng ban nhạc phòng trà ATB sẽ tổ chức chương trình ca nhạc mang chủ đề Hát cho yêu thương, trình diễn những tình khúc bất hủ thuộc dòng nhạc tiền chiến. Chương trình sẽ dành riêng một đêm nhạc thể hiện các ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang tên Gọi tên 4 mùa.
Hoàng Nhung