.

Bánh cuốn Thọ Trường

.

(ĐNĐT) - Tọa lạc trên con đường lên bán đảo Sơn Trà, quán bánh cuốn Thọ Trường gia truyền 3 đời vẫn ngày ngày tỏa hương dân dã, mang niềm vui đến với những người mê ẩm thực.

Cuộc sống khá đủ đầy ngày nay khiến con người dần “mất cảm giác” với cá, thịt. Vì vậy, xu hướng của ẩm thực bây giờ là tìm về những món ăn giản đơn, dân dã, tạo cảm giác nhẹ nhàng cho cơ thể. Món bánh cuốn quán Thọ Trường đáp ứng được khẩu vị đó, ăn một lần sẽ nhớ mãi hương vị.

Dĩa bánh ăn kèm xiên thịt nướng, rau sống, nước chấm.
Đĩa bánh ăn kèm xiên thịt nướng, rau sống, nước chấm.

Bánh cuốn Thọ Trường được làm từ bột gạo nguyên chất, không pha bột lọc, hàn the. Nếm thử miếng bánh sẽ thấy vị dai mềm, thanh, không chua. Màu sắc bánh rất đẹp mắt: trắng muốt, điểm xuyến sắc đen ẩn hiện của nấm mèo, màu trắng phớt hồng của thịt heo. Công đoạn tráng bánh cũng rất kỳ công: phải chọn loại gạo phù hợp rồi ngâm từ đêm hôm trước, sau đó xay, gạn lấy “tinh bột” rồi dùng tinh bột đó để tráng bánh chứ không dùng tất cả bột đã xay.

Ông chủ Trần Gia Chính chia sẻ, nghe công đoạn tráng bánh thì đơn giản nhưng để làm được không phải dễ. “Bà nhà tôi được mẹ tôi dạy kỹ thuật tráng bánh từ khi mới về làm dâu. Giờ bà ấy dạy lại cho con gái, con dâu nhưng vẫn chưa đứa nào làm được, tráng bánh ra vẫn bị chua, cứng, do vậy, dù đã hơn 50 tuổi, bà ấy vẫn ngày ngày dậy từ 4 giờ sáng để tráng bánh”. Nhân bánh đơn giản với thịt, nấm mèo nhưng được bà chủ nêm nếm rất vừa miệng. Đến ăn ở quán này sẽ không bao giờ gặp tình trạng “nhạt hơn hôm qua, mặn hơn hôm kia” vì chủ quán đều chia gia vị theo tỷ lệ, cân đong đo đếm cẩn thận. Bánh khi bày ra đĩa được rắc thêm một ít chà bông, tạo vị mặn mặn rất hợp với khẩu vị người miền Trung.

Nhưng nếu chỉ vì bánh cuốn thì quán Thọ Trường không thu hút thực khách đến như vậy. Điểm khác ở đây là ăn kèm với bánh cuốn có xiên thịt nướng. Thịt nướng cũng được chế biến rất đặc biệt, là thịt vai heo mềm, ngon “nhức xương”. Theo tiết lộ của bà chủ, chọn thịt vai vì đó là phần ngon nhất của thịt heo, ngoài ra, khi ướp thịt chỉ ướp với nước mắm chứ không ướp muối để tránh làm thịt dai, mất đi vị ngon, ngọt, tươi của thịt.

Món đặc biệt cuối cùng để hoàn thiện đĩa bánh cuốn - thịt nướng đó là nước mắm chấm. Nước mắm của quán Thọ Trường được lấy từ nhà bà con ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam, là nước mắm nguyên chất, được bà chủ pha rất khéo, vừa miệng với hầu hết khách ăn.

Trò chuyện với chủ quán, chúng tôi biết thêm về lịch sử 3 đời của gia đình. Gia đình này người gốc huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ), di cư vào Đà Nẵng năm 1954 với nghề bánh cuốn gia truyền. Sau khi vào đây, vợ chồng ông cụ (cụ ông đã mất) bắt đầu nghề bán bánh cuốn. Ban đầu chỉ bán ở vỉa hè, về sau càng lúc khách tìm đến càng đông, đến năm 1975 thì ông bà mở quán bán tại khu vực này (phường Thọ Quang, Sơn Trà) đến ngày hôm nay. Ông bà chỉ có 1 người con trai nên đã truyền hết “bí quyết” làm nghề cho con trai và con dâu. Người con dâu bây giờ đã là mẹ của 4 người con, 1 gái, 3 trai.

Thú vị thay, con cháu đều “say mê” với nghề truyền thống của gia đình nên chung tay phụ giúp ông bà buôn bán. Tuy nhiên, theo người mẹ, cả con gái và 3 người con dâu tuy có tâm với nghề nhưng về kỹ thuật tráng bánh vẫn chưa đạt tới độ “chín” nên bây giờ dù hơn 50 tuổi, bà vẫn ngày ngày 4 giờ sáng dậy tráng bánh. Vì con chưa vững tay nghề nên bà chưa giao cho con cái làm, sợ con tráng không khéo khách không hài lòng sẽ phụ công ông bà và cha mẹ đã cố công gây dựng nên tiệm bánh này. Sự kỹ tính của người mẹ vừa là cách dạy con vừa thể hiện sự trân trọng đối với ẩm thực. Thế mới biết, để chinh phục lĩnh vực ẩm thực, ngoài niềm đam mê còn phải có sự trải nghiệm, sự học hỏi không ngừng.

Địa chỉ quán: 11 Nguyễn Phan Vinh, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng, phục vụ từ 7 giờ đến 21 giờ.

Bài và ảnh: Quỳnh Trang

;
.
.
.
.
.