.

Bóng đá đẹp lên ngôi

.

Ánh mắt của thủ môn 38 tuổi Jens Lehmann đầy vẻ u uất khi chứng kiến niềm vui của các cầu thủ Tây Ban Nha đang hạnh phúc với chiếc Cúp Bạc Henry Delaunay sau trận chung kết Euro 2008 vào rạng sáng 30-6 (giờ Việt Nam). Bastian Schweinsteiger cay đắng khi hạnh phúc tưởng thật gần nhưng lại quá xa.

Niềm vui của các cầu thủ Tây Ban Nha với chiếc Cúp Bạc Delaunay dành cho người chiến thắng.


Dẫu sao, với tiền vệ 24 tuổi này, tương lai vẫn còn phía trước trong khi cơ hội cho Jens tìm đến một vinh quang ngày càng xa vời khi gánh nặng tuổi tác là một trở lực quá lớn cho anh. Ở một góc sân, đằng sau cái vẻ cương nghị, thủ quân Mannschaft M.Ballack hẳn đang cố tìm ra câu trả lời khi số phận dường như luôn dành cho anh phần nghiệt ngã. Bởi, chưa bao giờ thủ lĩnh của đội tuyển Đức được một lần lên ngôi vô địch trong 5 trận chung kết mà Ballack từng góp mặt.

Nhưng trong trận chung kết Euro 2008 trên sân Ernst Happel (Áo), Ballack không thể trách cứ số phận. Trước khi diễn ra “trận đấu của một đời”, lịch sử hoàn toàn ủng hộ đội quân của Loew khi ngoài 3 chức vô địch châu Âu, Đức còn có 2 lần vào chung kết. Hơn nữa, qua 19 lần gặp gỡ giữa La Furia Roja và Mannschaft, ưu thế nghiêng về người Đức với 8 trận thắng và chỉ thua 5. Đặc biệt, trong 5 trận ở các giải đấu chính thức gần đây, Tây Ban Nha chỉ hòa 1 và thua đến 4 khi gặp “Phượng hoàng sông Rhine”.
 
Song, những con số thống kê không có nhiều ý nghĩa khi thứ bóng đá khoa học, chặt chẽ - dù có những đổi thay với sự phóng khoáng từ sau triều đại của Klinsmann - cùng “bản lĩnh Đức” vẫn bị khắc chế bởi triết lý bóng đá theo chủ nghĩa duy mỹ do “Nhà hiền triết xứ Hortaleza” Luis Aragones tạo dựng.

Sự hào hoa trong từng pha phối hợp, từng đường đi bóng của những Xavi, Iniesta, Da Silva… không chỉ làm say đắm lòng người, mà còn khiến hàng phòng thủ vốn không chắc chắn của đối thủ thường xuyên chao đảo. Chiến thắng thuyết phục, không chỉ trong trận chung kết, đã khẳng định, Tây Ban Nha là đội bóng mạnh nhất, cân bằng nhất tại Euro 2008. Ngay những cầu thủ được vào sân từ ghế dự bị như Capdevila, Marchena, Daniel Guiza, Santi Carzola, Ruben de la Red, Fabregas… cũng thể hiện được tối đa năng lực của mình.

Nhờ đó, HLV Aragones kịp thời điều chỉnh sơ đồ chiến thuật và lối chơi trước nhiều đối thủ khác nhau. Không ngẫu nhiên khi đội bóng đến từ Iberia là đội duy nhất bất bại, ghi nhiều bàn thắng nhất và ít thủng lưới nhất tại Euro 2008. Đáng khâm phục hơn khi ở 3 trận đấu knock-out, thủ môn Ike Casillas chưa từng một lần vào lưới nhặt bóng. Có ai đó lo ngại, bóng đá vị nghệ thuật không còn đất sống khi chủ nghĩa thực dụng từ cuộc sống đang len vào sân cỏ. Nhưng thầy trò của “ông lão” Aragones đã chứng minh điều ngược lại.

Với người Tây Ban Nha, đã kết thúc cơn ác mộng 44 năm không danh hiệu với rào cản tứ kết tưởng chừng không vượt được. Gần 5 thập kỷ tủi hổ với biệt danh “vua vòng loại” đã khiến nước mắt Tây Ban Nha có thể thành sông, thành suối. Cái ngày 22-6, khi thầy trò ông Aragones bước qua “lời nguyền” để đánh bại “khắc tinh” Italia ở vòng tứ kết, sự hoài nghi dường như không còn. Và tất cả như giúp họ tăng thêm niềm tin để đi đến cuối cùng trên con đường chinh phục đỉnh cao.

Có thể không dễ tiêu hóa được nỗi buồn thất trận nhưng với Mannschaft, Euro 2008 có thể được xem là một kỷ niệm đẹp khi bản thân họ cũng đã vượt qua số phận với việc trở lại ấn tượng sau 12 năm vắng bóng ở những trận đấu cuối cùng trên sân cỏ châu Âu. Không chỉ thế, những gương mặt trẻ như M.Jansel , Simon Rofles cùng những Schweinsteiger, Podolski, P.Lahm… đã khẳng định được tương lai bóng đá Đức có thể tin tưởng vào họ.
 
Và trên tất cả, những tài năng trẻ ấy sẽ giúp người hâm mộ Đức quên đi những “annus horribilis - những năm khủng khiếp” của thứ bóng đá lạnh lùng, toan tính khi tại Euro 2008, bóng đá duy mỹ đã được thừa nhận bằng việc Tây Ban Nha đã lên ngôi chính bằng triết lý ấy…

BẢO AN

;
.
.
.
.
.