* Ông Nguyễn Văn Nhiễu, 24 Lê Đình Dương, phường Phước Ninh, quận Hải Châu: Chú trọng hơn đến chỉnh trang đô thị tại các kiệt, hẻm
Là công dân của thành phố, tôi rất vui mừng khi Đảng bộ thành phố Đà Nẵng công khai dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ thành phố khóa XIX trên phương tiện thông tin đại chúng. Tôi rất tán thành với những đánh giá về thành tựu phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Đây là bước đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, vì phát triển kết cấu hạ tầng đô thị đã đưa Đà Nẵng xứng tầm của một đô thị trung tâm khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vị thế của Đà Nẵng được khẳng định trong nước và vươn tầm quốc tế. Từ đây, tạo sức hút đầu tư, phát triển kinh tế du lịch.
Việc đầu tư phát triển đô thị đều có ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, nhất là người dân trong khu vực giải tỏa. Không ở đâu xa, ngay phía trước mặt nhà tôi, khi công bố quy hoạch và thực hiện dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài, người dân ban đầu có dao động vì lo ngại nơi ở mới sau giải tỏa. Thế nhưng bây giờ họ lại rất hài lòng với nơi ở mới và trên thực tế, các gia đình đã và đang có điều kiện sống và mức sống cao hơn nơi ở cũ.
Việc thành phố mở rộng quy hoạch và đầu tư phát triển đô thị ra các khu vực vùng ven là thiết thực. Điều này phù hợp với tốc độ đô thị hóa và cũng rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Tuy nhiên, về định hướng phát triển, tôi mong muốn thành phố quan tâm hơn nữa đến công tác chỉnh trang đô thị. Chủ trương an sinh xã hội phải đi vào từng hộ dân, khi mà thành phố còn nhiều khu dân cư trong nội thành đời sống còn nhiều khó khăn. Hiện khu vực nội thành có nhiều kiệt, hẻm quá nhỏ, không bảo đảm cho công tác phòng cháy - chữa cháy, cấp cứu, giao thông. Thành phố cần chú trọng đầu tư chỉnh trang đô thị với việc nâng cấp hệ thống kiệt, hẻm, bảo đảm chiều rộng mỗi kiệt, hẻm phải từ 3,5 mét trở lên. TRIỆU TÙNG (ghi)
Tôi rất vui mừng khi thành phố quy hoạch và đầu tư xây dựng bãi tắm công cộng khu vực ven biển cho người dân thành phố và du khách. Thế nhưng công tác quản lý bãi biển, quản lý đô thị chưa thật sự tương xứng. Bãi tắm công cộng nhưng người dân đưa cả vật nuôi như chó, mèo xuống tắm chung với người. Nhiều người dân, nhất là thanh-thiếu niên, thiếu ý thức trong việc bảo vệ cây xanh đường phố, cây xanh bãi biển. Ngay cả cơ quan làm công tác thoát nước đô thị cũng chưa thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Tôi lấy ví dụ: Tình trạng xả nước thải sinh hoạt tại vị trí bãi tắm Sao Biển dù đã cảnh báo, hứa hẹn có biện pháp khắc phục nhưng lại thực thi đối phó. Khi trời nắng thì chặn dòng, khi chuẩn bị chuyển mưa là xả ào ạt. Điều này cho thấy “nói chưa đi đôi với làm”.
Thành phố đầu tư phát triển cây xanh đô thị nhưng ở khu vực dân cư ven biển lại trồng cây phượng thì chỉ qua một mùa mưa bão, số cây này sẽ gục ngã. Ông bà chúng ta thường nói “công gieo là công bỏ, công làm cỏ là công ăn”. Thành phố đã đầu tư, nâng cấp hạ tầng đô thị nhưng công tác quản lý đô thị có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu biện pháp, chế tài xử lý, xử phạt.
Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XIX, phần “Nhiệm vụ và giải pháp...”, mục 2 về “Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị” có đoạn viết: “Thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý quy hoạch và kiến trúc đô thị...”. Theo tôi, đoạn này cần bổ sung thêm: “nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị ở các cấp”. Nam Phương (ghi)