.
Góp ý Văn kiện Đại hội XX Đảng bộ TP Đà Nẵng

Thúc đẩy xây dựng “Thành phố môi trường”

.

* Chị Huỳnh Thị Trinh (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà): Thúc đẩy xây dựng “Thành phố môi trường”

Vấn đề nhiều người dân quan tâm nhất hiện nay vẫn là vấn đề môi trường. Những năm qua, thành phố đã có nhiều biện pháp để tiến đến xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố môi trường” nhưng người dân như tôi thấy vẫn còn nhiều nơi bị ô nhiễm, chẳng hạn như ở Thọ Quang...

Chúng tôi mong Nhà nước hãy xử lý nghiêm những nhà máy, xí nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp hủy hoại môi trường, đồng thời tăng cường nhân viên thường xuyên thu gom rác ở những thùng rác bên đường, vì đây cũng là một tác nhân gây ô nhiễm. Nhà nước cũng cần có những ưu đãi đối với công nhân vệ sinh, và nên áp dụng những bài học thực tiễn vào giảng dạy ở trường học bởi học sinh là thành phần rất quan trọng trong quá trình xây dựng thành công “Thành phố môi trường”.

* Anh Đinh Văn Như, Bí thư chi bộ thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang: Quan tâm hơn nữa đến thanh niên người dân tộc thiểu số

Những năm qua, Đảng, Nhà nước và thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng đời sống của người dân vẫn còn nhiều thiếu thốn, nhất là đối với thanh niên người dân tộc. Vì hầu hết họ không có việc làm ổn định nên đời sống rất bấp bênh. Tôi mong Đại hội lần này sẽ có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa để cho người dân tộc thiểu số được có một cuộc sống vững chắc hơn. Đảng và Nhà nước nên đầu tư mở nhiều lớp dạy nghề và tạo việc làm, ổn định thu nhập cho thanh niên người dân tộc để họ có điều kiện nuôi gia đình, góp phần vào mục tiêu không còn hộ nghèo (theo chuẩn mới của thành phố) mà văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra.   Loan Phương (ghi)

* Phạm Thị Ngọc Thúy (29 tuổi, phường Thanh Bình, quận Hải Châu: Xây dựng sản phẩm đặc thù trong chiến lược phát triển du lịch chung

Mô tả ảnh.

Ngoài những sản phẩm du lịch riêng, Đà Nẵng cần liên kết với các tỉnh miền Trung xây dựng sản phẩm đặc thù chung trong chiến lược phát triển du lịch của khu vực, đó là: cải tạo các điểm du lịch chính và tăng cường sự kết nối giữa các điểm du lịch này thông qua hệ thống giao thông vận tải đường bộ, đường hàng không, đường sắt chất lượng cao. Thiết lập hệ thống phát triển nguồn nhân lực để quản lý và cung cấp dịch vụ nói chung và ngành du lịch nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu của vùng cũng như của cả nước.  

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xây dựng những sản phẩm du lịch độc đáo. Yếu tố để đánh giá khả năng phát triển bền vững của du lịch thành phố không chỉ nằm ở lượng du khách mà phải thông qua chất lượng sản phẩm du lịch bản địa. Dịch vụ và hàng hóa đóng vai trò quan trọng trong sản phẩm du lịch không chỉ là những mặt hàng lưu niệm, tiêu dùng, mà phải bao hàm cả các sản phẩm vô hình, trong đó có thái độ, phong cách, phục vụ chu đáo, lịch sự của đội ngũ những người làm du lịch.

Thực trạng nguồn nhân lực không chuyên nghiệp, thiếu lao động có tay nghề, yếu về quản lý cũng được xem là nguyên nhân khiến du lịch thành phố “mất điểm”. Hướng dẫn viên là những “sứ giả” lịch sử, văn hóa đối với du khách nước ngoài, nhưng kiến thức về văn hóa, lịch sử vẫn còn yếu. Các trường đào tạo nghiệp vụ du lịch cần đổi mới phương thức giảng dạy, cập nhật nội dung chương trình, chuẩn hóa phương pháp đào tạo. ĐOÀN LƯƠNG (ghi)

* Nguyễn Thị Liên (sinh viên năm 2, Đại học Đông Á): Hoàn thành dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên và mở các lớp “Tiếp sức đến trường”

Mô tả ảnh.

Bên cạnh việc chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố cần quan tâm đến đời sống của sinh viên, học sinh nghèo. Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, phấn đấu đến năm 2015 giải quyết cho khoảng 60% số học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở sinh viên trên địa bàn thành phố.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài là triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tuyên truyền nâng cao nhận thức của gia đình và cộng đồng về vai trò của giáo dục đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống. Muốn xây dựng được trường học thân thiện, học sinh tích cực thì đội ngũ giáo viên phải là trung tâm. Công tác bồi dưỡng giáo viên là rất cần thiết. Không chỉ quan tâm bồi dưỡng cho giáo viên đứng lớp mà còn quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên làm công tác chủ nhiệm như mở lớp bồi dưỡng kỹ năng chủ nhiệm cho giáo viên. Vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em được đi học và thường xuyên quan tâm đến việc học của con em.

Phối hợp chặt chẽ gia đình - nhà trường - xã hội giúp đỡ học sinh có học lực yếu kém; nâng cao tinh thần trách nhiệm của giáo viên. Các trường cũng phối hợp với các tổ chức xã hội tại địa phương mở các lớp “Tiếp sức đến trường” ngoài giờ do giáo viên trực tiếp lên lớp, giúp các em có học lực yếu kém có khả năng theo kịp chương trình trên lớp. Bên cạnh đó, các trường học cũng đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá để nâng cao chất lượng hiệu quả giảng dạy.

Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nội dung “3 đủ”: đủ sách vở, đủ ăn, đủ mặc, giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đến trường. Nhà trường cũng thường xuyên đưa công tác giáo dục học sinh trong việc bảo vệ cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động vui chơi vào nội dung giáo dục hằng ngày cho học sinh, và coi đây là một trong những nội dung giáo dục ý thức, nhân cách cho học sinh ngay từ nhỏ đối với môi trường sống quanh mình.  GIA HUY (ghi)

;
.
.
.
.
.