.

Song hành đào tạo và thu hút nhân lực

.
* Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng: Song hành đào tạo và thu hút nhân lực

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Văn Chiến. (Ảnh: T. PHƯƠNG)
Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố đề cập đến vấn đề “đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng của nền kinh tế, coi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhân tố quyết định nâng cao lợi thế cạnh tranh của thành phố”. Điều này cho thấy, Đảng bộ thành phố đang chú trọng hơn nữa đến nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đào tạo gắn với sử dụng

Trong điều kiện ngân sách hạn chế, đến nay, Đà Nẵng mới chỉ tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực công với Đề án 393 (Đề án đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài) và Đề án 47 (Đề án hỗ trợ đào tạo bậc đại học ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố). Đã có 344 lượt người tham gia các Đề án (268 bậc đại học và 76 sau đại học).

Điều lo ngại nhất khi thực hiện Đề án là việc đào tạo không gắn liền với sử dụng lao động. Tuy nhiên đến nay, có thể khẳng định công tác đào tạo đã phù hợp với nhu cầu sử dụng học viên sau khi hoàn thành chương trình. Qua đợt khảo sát vào tháng 5-2010 cho thấy, hầu hết học viên tham gia Đề án đều hài lòng về việc phân bổ công tác, được trọng dụng thật sự và được các cơ quan sử dụng lao động đánh giá cao; 63% thấy hài lòng với môi trường làm việc; 31% cảm thấy môi trường ổn; 22,7% cho rằng hoàn thành xuất sắc công việc; chỉ có 4,5% nhận thấy chưa đáp ứng được kỳ vọng của cơ quan. Riêng con số 13,6% học viên cảm thấy chưa phù hợp với ngành nghề đào tạo cũng là điều dễ hiểu bởi một số ngành đào tạo chưa phù hợp với lĩnh vực công. 

Có thể nói rằng, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương trên cả nước có cách nghĩ mới và thực hiện sớm, quyết liệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong quá trình thực hiện, Đà Nẵng rất cầu thị, điều chỉnh những quy trình, cách điều hành chưa phù hợp.

Công nghệ “hunting”

Đối với Đà Nẵng, phát triển nguồn nhân lực ở lĩnh vực công được triển khai ở cả 3 hướng: Đào tạo, thu hút, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, việc “chiêu hiền” có thể đáp ứng ngay nhu cầu cấp thiết về nhân lực với nguồn kinh phí không lớn so với đào tạo. Thời gian qua, Đà Nẵng làm tốt công tác thu hút nguồn nhân lực, đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 811 trường hợp (trong đó có 1 PGS-TS, 7 TS, 104 thạc sĩ, 7 bác sĩ nội trú).

Tuy nhiên, công tác thu hút nhân tài vẫn cần được quan tâm triển khai mạnh mẽ hơn nữa, trước hết phải thu hút đúng người tài và người thực tài (chứ không chỉ dựa vào bằng cấp), sau nữa là sử dụng phù hợp để họ đem tài năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Trong công nghệ “hunting” (săn tìm), Đà Nẵng cần có cách làm tốt hơn như tích cực tìm người tài, chứ không như hiện nay là đa phần người tài tự tìm đến với Đà Nẵng. Công việc này đòi hỏi thời gian và nhân lực. Vì thế, Sở Nội vụ cần có một bộ phận chuyên nghiệp để săn tìm, mời gọi người giỏi. Những người thật sự giỏi luôn cần môi trường làm việc phù hợp với kỳ vọng của họ, để phát huy khả năng của mình nên việc “trải thảm đỏ” bằng tài chính, bằng nhà ở chưa hẳn thu hút được nhân tài.

Hiện nay, đã có một vài cán bộ được thu hút ra đi tìm công việc khác. Sẽ thật tiếc nếu để những người thực tài bỏ đi, nhưng sẽ không có gì đáng tiếc nếu để những người không thực tài hoặc có tài nhưng không có đất dụng võ.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để tăng trưởng và phát triển của một quốc gia, một địa phương. Tôi cho rằng, để công tác phát triển nguồn nhân lực triển khai rộng hơn, với nhiều ngành nghề và lĩnh vực hơn, chứ không thu hẹp trong lĩnh vực công, cần khuyến khích các tổ chức, các đơn vị cùng tham gia vào việc hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Thành phố cũng cần nghiên cứu  xây dựng quỹ hỗ trợ tiền lương dành cho cán bộ, công chức để không chỉ “chiêu hiền” mà còn “đãi sĩ”, tạo sự an tâm và gắn bó lâu dài của những người có năng lực thật sự. S.TRUNG - T.PHƯƠNG (ghi)
;
.
.
.
.
.