.

Các kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam

.

Kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua mười kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc lịch sử quan trọng ghi nhận những thắng lợi, thành tựu và những bài học kinh nghiệm của Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 3 đến ngày 7-2-1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng (Trung Quốc) mang tầm vóc lịch sử của Đại hội thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã đề ra Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, vạch ra đường lối giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội của cách mạng Việt Nam. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là đồng chí Trần Phú.

Đại hội đại biểu lần thứ I của Đảng (từ ngày 27 đến 31-3-1935). Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đại hội đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (từ ngày 11 đến 19-2-1951). Dưới ánh sáng của đường lối Đại hội lần thứ II của Đảng và các nghị quyết hội nghị Trung ương, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành cải cách ruộng đất ngay trong chiến tranh, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giành nhiều thắng lợi trên các chiến trường cả nước trong chiến dịch Đông-Xuân mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đưa đến thắng lợi hội nghị Giơnevơ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo tiền đề vững chắc để tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 5 đến 10-9-1960). Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (từ ngày 14 đến 20-12-1976): Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (từ ngày 27 đến 31-3-1982). Đại hội khẳng định: “Xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Hai nhiệm vụ chiến lược đó quan hệ mật thiết với nhau. Xây dựng chủ nghĩa xã hội làm cho đất nước lớn mạnh về mọi mặt thì mới có đủ sức đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược của địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ngược lại có tăng cường phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc mới có điều kiện để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (từ ngày 15 đến 18-12-1986): Đại hội đề xướng và lãnh đạo thành công sự nghiệp Đổi mới. Đại hội VI đã đưa ra quan điểm mới về cải tạo xã hội chủ nghĩa dựa trên 3 nguyên tắc: Nhất thiết phải theo quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất để xác định bước đi và hình thức thích hợp. Phải xuất phát từ thực tế của nước ta và là sự vận dụng quan điểm của Lênin coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ. Trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa phải xây dựng quan hệ sản xuất mới trên cả 3 mặt xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối xã hội chủ nghĩa.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (từ ngày 24 đến 27-6-1991): “Đại hội trí tuệ - đổi mới, dân chủ, kỷ cương - Đoàn kết”. Đại hội VII có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ quyết định những nhiệm vụ chính trị nặng nề trước mắt, mà cả con đường, bước đi của cách mạng nước ta trong những thập niên tiếp theo. Đó là quyết tâm đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (từ ngày 28-6 đến 1-7-1996) “có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu cột mốc phát triển mới trong tiến trình phát triển của cách mạng nước ta”. Đại hội VIII của Đảng là Đại hội tiếp tục đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (từ ngày 19 đến 22 tháng 4 năm 2001). Đại hội IX của Đảng đã đánh giá về chặng đường 71 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII, 15 năm đổi mới, 10 năm thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội, rút ra những bài học kinh nghiệm của công cuộc đổi mới, từ đó phát triển và hoàn thiện đường lối, định ra chiến lược phát triển đất nước trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững - họp từ ngày 18-4 đến ngày 25-4-2006 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2001 – 2005), chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001-2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới; từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006-2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng…

Mô tả ảnh.

V.H (Sưu tầm)
(nguồn Lịch sử Việt Nam)

;
.
.
.
.
.