.

Bài học thứ Tư

Sau mỗi nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, một phần đúc kết ngắn gọn nhưng rất quan trọng chính là những bài học kinh nghiệm rút ra qua một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện của các tổ chức Đảng. “Xác định rõ và tập trung đầu tư giải quyết tốt những khâu đột phá, then chốt, trọng điểm” là phần quan trọng trong bài học thứ Tư, được đưa ra trong dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2010-2015.

Bốn bài học kinh nghiệm

(Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2010-2015)

Một: Nêu cao tính Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ luật kỷ cương trong Đảng và trong xã hội.

Hai: Dựa vào dân; củng cố và phát huy sự đồng thuận của nhân dân để thực hiện các chủ trương, chính sách của thành phố. Chiều sâu của sự đồng thuận đó chính là lợi ích của các tầng lớp nhân dân.

Ba: Phát huy vai trò tập thể, đề cao trách nhiệm cá nhân, đi đôi với phát huy vai trò người đứng đầu trong tổ chức thực hiện chủ trương đã đề ra.

Bốn: Phải xác định rõ và tập trung đầu tư giải quyết tốt những khâu đột phá, then chốt, trọng điểm.

Đây là sự kế thừa, đồng thời là sự đúc kết bài học về tổ chức thực hiện từ các Đại hội Đảng bộ thành phố trước đây. Tại Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2005-2010), Báo cáo chính trị đã tổng kết thực tiễn để đưa ra bài học thứ 3, bài học về tổ chức thực hiện “Phát huy tinh thần tiến công, quyết tâm cao, khắc phục khó khăn, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, lựa chọn đúng khâu đột phá và tập trung nguồn lực để thực hiện thắng lợi những khâu đột phá đó”.

Trên tinh thần của bài học này, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ thành phố đã có những cách làm táo bạo, tập trung cho những khâu đột phá đó và làm một cách quyết liệt để đạt kết quả tốt nhất.

Trước tiên và rõ ràng nhất, đó là việc tập trung cho công tác cán bộ một cách bài bản, khoa học, giải quyết những vấn đề trước mắt nhưng cũng mang tính định hướng lâu dài. Nhiều ý tưởng hình thành trong phương hướng, nhiệm vụ đã được tổ chức thực hiện, mà cao nhất chính là việc ra đời Chỉ thị 01/CT-TU ngày 18 tháng 1 năm 2006 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Năm công tác cán bộ và cải cách thủ tục hành chính”.

Đây là bước khởi đầu mạnh mẽ, tạo một luồng sinh khí mới cho công tác cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở. Hàng loạt các chủ trương mới ra đời từ đây, như việc triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài”, Đề án “Hỗ trợ đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT”, “Đào tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường”, thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý...

Về đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, các tiêu chuẩn được đưa ra một cách khắt khe, mà nếu không có sự quyết liệt, thì khó có thể bảo đảm được chất lượng đội ngũ cán bộ theo yêu cầu đề ra từ Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố là “bảo đảm đúng tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại cán bộ, trước hết là tiêu chuẩn chức danh cấp ủy viên và cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp”, mà tiêu chuẩn đầu tiên chính là việc tốt nghiệp đại học chính quy đối với các chức danh chủ chốt.

Qua thực hiện hàng loạt chính sách mới này, đã có những kết quả bước đầu khả quan, nhưng quan trọng hơn là tạo một tiền đề thuận lợi, nền tảng vững chắc cho công tác cán bộ sau này của thành phố. Đây chính là khâu đột phá quan trọng nhất, có ý nghĩa nhất của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ qua.

Từ tính chất quyết liệt trong công tác cán bộ, thành phố có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới khác trên tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố, được cụ thể hóa bằng 7 chương trình chủ yếu trong Chương trình hành động số 4-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy ngày 20 tháng 4 năm 2006.

Trước tiên, về kinh tế, với những chính sách thúc đẩy hợp lý, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế, nhất là về dịch vụ, nên giá trị sản xuất của ngành dịch vụ đã tăng nhanh chóng, bình quân 16,1% mỗi năm (chỉ tiêu là 14-15%), từ đó đưa ngành này chiếm tỷ trọng 50,5% trong cơ cấu kinh tế thành phố, góp phần thực hiện trước thời hạn mục tiêu “chuyển nền kinh tế thành phố sang cơ cấu Dịch vụ - Công nghiệp – Nông nghiệp sau năm 2010” như Nghị quyết Đại hội đề ra.

Hàng loạt những hoạt động xây dựng, quảng bá hình ảnh thành phố Đà Nẵng không chỉ trong nước mà trên thế giới đã được đẩy mạnh với nhiều cách làm hiệu quả, ấn tượng. Trong đó, ấn tượng nhất vẫn là Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế (DIFC) hằng năm trở thành thương hiệu độc quyền của Đà Nẵng từ năm 2008, góp phần tích cực vào việc đa dạng hóa và nâng cấp quy mô các loại hình dịch vụ.

Qua đó, cũng cho thấy việc xác định trọng điểm, trọng tâm để đầu tư một cách quyết liệt của Đảng bộ thành phố trong phát triển kinh tế, đồng thời mở ra cách xây dựng “thương hiệu” trong lĩnh vực này. Trong đó, việc hướng đến xây dựng thương hiệu “Đà Nẵng-Thành phố môi trường” cũng là cách để quảng bá hình ảnh thân thiện của Đà Nẵng đối với thế giới trong xu thế phát triển “Hành tinh xanh” hiện nay và cả trong tương lai; mà trong đó, việc kiên quyết từ chối những dự án có giá trị hàng tỷ USD nhưng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cũng là cách làm có sức thuyết phục cao.

Tính đến tháng 7-2010, trong 259 học viên tham gia đề án “Hỗ trợ đào tạo đại học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT” đã có 79 người tốt nghiệp. Trong đó, 57 người đã được phân công công tác, 10 người được đào tạo tiếp sau đại học bằng ngân sách thành phố. Với Đề án “Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách thành phố”, đã có 73 người được đưa đi đào tạo và hiện đã có 36 người hoàn thành khóa học. Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là Đề án 89) được Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng thống nhất triển khai thực hiện vào ngày 6-6-2008; đã có 95 học viên tốt nghiệp khóa 1 về công tác tại các xã, phường; 55 học viên đang theo học khóa 2. Về thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý, toàn thành phố đã có 52 chức danh được đề bạt, bổ nhiệm sau thi tuyển.

Nhờ phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo đó, Đà Nẵng liên tục xếp thứ nhì (trong 3 năm) và vươn lên xếp hạng nhất 2 năm (2008-2009) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); GDP của thành phố trong 5 năm qua có bước tăng trưởng khá, đạt chỉ tiêu phát triển 11-12% mỗi năm như Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giữa nhiệm kỳ 2005-2010 đã điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển chung (chỉ tiêu Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố đề ra là 14-15% mỗi năm).

Đi đôi với phát triển kinh tế, với mục tiêu “đặt nền tảng cho một thành phố văn minh, hiện đại, giàu tính nhân văn”, trên lĩnh vực xã hội, Đảng bộ thành phố cũng đã có những cách nghĩ sáng tạo và cách làm quyết liệt. Sau thành công của mục tiêu “5 không”, chương trình “Thành phố 3 có” (có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa văn minh đô thị) ra đời từ Đại hội XIX đã đi vào thực tế.

“Chợ việc làm” được tổ chức định kỳ hằng tháng, sau nâng lên thành 2 lần mỗi tháng đã trở thành thương hiệu mới của Đà Nẵng để các nơi học tập; đặc biệt, tính nhân văn ngày càng được thể hiện cụ thể với việc mở “Hội chợ việc làm” cho người khuyết tật, tiến tới xây dựng sàn giao dịch việc làm cho những người yếm thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Chương trình “Có nhà ở” trước tiên cũng tập trung cho những đối tượng chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Đặc biệt, tinh thần “tập trung đầu tư giải quyết tốt những khâu đột phá, then chốt, trọng điểm trong từng thời kỳ để tập trung mọi nguồn lực cho việc tổ chức thực hiện” được thể hiện rõ nét nhất trong việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị 24-CT/TU về “Phối hợp giúp đỡ các hộ gia đình đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật” và Chỉ thị 25-CT/TU về “Tăng cường phòng, chống bạo lực gia đình”. Đó là khi tình hình lạm phát cả nước đã lên đến đỉnh điểm trong năm 2008, ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đồng thời tác động tiêu cực đến các lĩnh vực đời sống như giáo dục, an ninh trật tự, nhất là đối với học sinh, thanh-thiếu niên, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Công văn 949-CV/TU nhằm triển khai công tác phối hợp giúp đỡ các hộ nghèo đặc biệt khó khăn, học sinh bỏ học và thiếu niên vi phạm pháp luật.

Sau này, Công văn 949-CV/TU được nâng thành Chỉ thị 24-CT/TU nhằm huy động mọi nguồn lực từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội chăm lo một cách cụ thể cho các đối tượng yếm thế này. Hiệu quả xã hội đã được phát huy một cách tích cực với hàng nghìn hộ đặc biệt nghèo được hỗ trợ kịp thời, hàng trăm em học sinh có nguy cơ bỏ học và vi phạm pháp luật được giúp đỡ để tiến bộ, ngăn chặn từ gốc các yếu tố nguy cơ đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Việc lãnh đạo thành phố gặp gỡ, động viên, giáo dục các thành viên trong gia đình thường xuyên có hành vi bạo lực cũng là cách tiếp nối ấn tượng và đầy thuyết phục những cuộc gặp gỡ người mãn hạn tù, người hành nghề xích lô, xe thồ trước đó…; từ đó ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bạo lực trong gia đình, góp phần thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Những cách làm đó đã đưa việc thực hiện những chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống một cách thuyết phục, tạo được hiệu ứng xã hội một cách mạnh mẽ, mà thực tế đã minh chứng một cách rất hùng hồn thời gian qua…Từ đó, cho thấy bài học về tổ chức thực hiện, dù luôn được đưa ra cuối cùng, nhưng là bài học có ý nghĩa quan trọng, làm cho những bài học về nêu cao tính Đảng, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, củng cố và phát huy sự đồng thuận của nhân dân… thêm phần sống động trong quá trình lãnh đạo của Đảng.

Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.