Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình tất yếu của các nền kinh tế trong quá trình phát triển. Chuyển dịch cơ cấu đúng hướng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững.
Đồng chí Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng làm việc với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (12-2009). Ảnh: T. LÂN |
Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Kể từ khi được thành lập ngày 01-01-1997 đến nay, cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng đã có chuyển dịch tích cực. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ diễn biến tương đối khác biệt qua ba giai đoạn 1997-2000, 2001-2005 và 2006-2009.
1. Trong giai đoạn 1997-2000, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động giữa các ngành diễn biến khá khác biệt, trong đó: tỷ trọng của ngành nông nghiệp có xu hướng giảm dần, từ 9,7% (năm 1997) xuống 7,9% (năm 2000) trong cơ cấu GDP và từ 33% xuống 32% trong cơ cấu lao động. Tương ứng, ngành dịch vụ giảm từ 55% xuống 51,9% trong cơ cấu GDP nhưng lại có xu hướng tăng từ 37,2% lên 38% trong cơ cấu lao động. Đáng chú ý là tỷ trọng của ngành công nghiệp trong cơ cấu GDP và cơ cấu lao động lại có xu hướng tăng lên rõ rệt, từ 35,3% và 29,8% (năm 1997) lên 40,2% và 31,8% (năm 2000). Giai đoạn này, ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất (15,08%/năm), hơn 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế thành phố (10,3%). Đồng thời tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ vào tăng trưởng chung của thành phố so với công nghiệp là không có khác biệt đáng kể (5,4% từ công nghiệp và 4,59% từ dịch vụ và 10,3% tăng trưởng GDP chung).
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động trong giai đoạn 2001-2005, tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp vào cơ cấu GDP và cơ cấu lao động vẫn tiếp tục tăng lên trong khi tỷ trọng này của các ngành nông nghiệp và dịch vụ vẫn tiếp tục xu hướng giảm xuống. Ngành dịch vụ có tốc độ giảm nhanh hơn trong cơ cấu GDP từ 50,6% (năm 2001) giảm xuống 44,7% (năm 2005) mặc dù tốc độ tăng bình quân của ngành dịch vụ trong giai đoạn này (9,47%/năm) là cao hơn so với giai đoạn 1997-2000 nhưng vẫn chưa tạo ra sự thay đổi đáng kể. Trong khi đó, công nghiệp đóng vai trò quyết định trong phát triển kinh tế của thành phố với tốc độ tăng trưởng bình quân rất cao (25,59%/năm) và có điểm phần trăm đóng góp nhiều nhất (10,66%) vào tăng trưởng chung của nền kinh tế (15,98%). Đây là giai đoạn Đà Nẵng đề ra mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa bằng cách tập trung phát triển cơ sở hạ tầng và các khu công nghiệp.
Giai đoạn 2006 - 2009, có thể được xem là giai đoạn đánh dấu sự tăng trưởng mạnh của ngành dịch vụ với tốc độ tăng bình quân năm (19,01%) cao hơn gấp 2 lần so với hai giai đoạn trước và cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân năm của thành phố (11,92%). Thêm vào đó, dịch vụ còn đóng vai trò quyết định trong tăng trưởng chung với 8,97% đóng góp vào tăng trưởng GDP bình quân năm (11,92%). Cơ cấu GDP và lao động trong giai đoạn này có sự thay đổi khác biệt đáng kể, ngành dịch vụ có tỷ trọng đóng góp cao nhất trong cơ cấu GDP (từ 49,6% năm 2006 tăng lên 51,5% năm 2009); đồng thời có sự chuyển dịch lao động mạnh mẽ ra khỏi ngành nông nghiệp (từ 14% xuống 9,5%) sang ngành dịch vụ (từ 51,9% tăng lên 57,4%).
2. Bên cạnh việc xem xét sự chuyển dịch trong cơ cấu lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn được xem xét trong mối quan hệ với sự chuyển dịch của vốn đầu tư. Cơ cấu vốn đầu tư phát triển phân theo ngành kinh tế trên địa bàn trong giai đoạn 1997 - 2009 ít biến động. Ngành dịch vụ vẫn luôn là ngành chiếm tỷ trọng vốn đầu tư lớn nhất, tiếp sau đó là công nghiệp và nông nghiệp.
Năm 1997, vốn đầu tư vào ngành dịch vụ là 453,1 tỷ đồng, chiếm 41,64% trong cơ cấu vốn đầu tư và xếp thứ hai sau ngành công nghiệp. Đến năm 2000, tổng số vốn đầu tư vào khu vực dịch vụ là 1.492,5 tỷ đồng, tăng lên gấp 3 lần, chiếm 63,27% và có tỉ lệ cao nhất trong cơ cấu vốn đầu tư của thành phố. Đây cũng là mốc thời điểm mà lượng vốn đầu tư bắt đầu chảy vào ngành dịch vụ cao hơn so với các ngành còn lại, với mức tỷ trọng luôn cao hơn 60%. Đến năm 2009, vốn đầu tư của ngành dịch vụ là 9.782,2 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 61,91%. Tốc độ tăng bình quân của vốn đầu tư ngành dịch vụ giai đoạn 1997-2009 là 24,63%/năm. Quy mô vốn đầu tư bình quân năm của ngành dịch vụ luôn tăng cao trong cả 3 giai đoạn, cao nhất là giai đoạn 2006-2009 đạt 7.695,32 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với giai đoạn 2001-2005 (là 2.499,24 tỷ đồng).
3. Sự chuyển dịch trong nội bộ ngành có những điểm tương đồng với cơ cấu dịch vụ của cả nước. Đó là, thương mại; vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc; khách sạn, nhà hàng; tài chính, tín dụng luôn là các phân ngành dịch vụ chiếm tỉ trọng cao trong cơ cấu GDP của thành phố. Trong đó, thương mại và khách sạn, nhà hàng là hai ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng đang có xu hướng giảm dần trong thời kỳ 1997 - 2009 (tương ứng từ 17,09% xuống còn 12,31% và 7,49% xuống còn 4,49%). Trong khi đó các phân ngành vận tải, kho bãi, thông tin liên lạc và tài chính, tín dụng lại là những ngành tạo ra phần lớn giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ với tỷ trọng đóng góp trong cơ cấu GDP ngày càng tăng lên (tương ứng từ 7,25% lên 13,81% và 3,62% lên 5,55%).
Ngày 13-1-2010, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. |
Tốc độ tăng trưởng bình quân năm của từng phân ngành dịch vụ qua các giai đoạn có sự khác biệt rõ rệt. Thương mại và bán buôn, bán lẻ thuần túy, vốn được xem là một trong những ngành chủ chốt của ngành dịch vụ lại có tốc độ tăng trưởng bình quân năm giảm dần qua hai giai đoạn đầu (từ 15,66% xuống còn 5,9%) và tăng khá cao trở lại trong giai đoạn sau 2006 - 2009 (11,36%).
Ngược lại, vận tải-kho bãi-thông tin liên lạc và tài chính-tín dụng lại là những ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân năm tăng cao, trong giai đoạn đầu lần lượt là 12,96% và 5,23% tăng lên 29,02% và 25,77% trong giai đoạn 2006- 2009. Một số ngành khác như khách sạn, nhà hàng có tốc độ tăng trưởng bình quân khá thấp cả ba giai đoạn là 4,71%, 6,05% và 5,42%. Nổi lên trong giai đoạn này là ngành giáo dục, đào tạo với tốc độ tăng trưởng bình quân năm tăng lên đáng kể trong cả 3 giai đoạn từ 13,3% lên 27,21% và 21,33%.
4. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu thành phần kinh tế của thành phố trong thời kỳ 1997-2009 có sự chuyển biến khá rõ giữa hai khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Tỷ trọng đóng góp của thành phần kinh tế nhà nước giảm nhanh (từ 47,2% năm 1997 liên tục giảm còn 37,9% năm 2009), trong khi đó, thành phần kinh tế ngoài nhà nước lại tăng nhanh (từ 39,7% năm 1997 liên tục tăng dần lên 52% năm 2009), riêng thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ít biến động (năm 1997 là 5,7% đến năm 2009 là 6,1%).
Có thể nói, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố đã huy động được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Đến cuối năm 2009, thành phố có trên 11.000 doanh nghiệp dân doanh, tổng vốn đăng ký đạt 28,5 ngàn tỷ đồng và 164 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,62 tỷ USD (vốn thực hiện đạt 1,29 tỷ USD, chiếm 49,2% tổng vốn đầu tư, với 96 dự án đã hoạt động), tạo nên những giá trị gia tăng mới cho nền kinh tế.
Một số nhận xét
Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ 1997-2009 có những đặc điểm chính sau:
- Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đi đúng hướng và đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế. Tỷ trọng đóng góp vào GDP của các ngành kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển của các nền kinh tế hiện đại, phát triển đi trước.
- Cơ cấu kinh tế của thành phố đang có sự chuyển dịch tích cực từ công nghiệp-dịch vụ sang dịch vụ-công nghiệp, trong đó ngành dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu GDP, lao động và đầu tư.
- Sự chuyển dịch các yếu tố sản xuất (lao động, vốn) từ ngành có hiệu suất thấp là nông nghiệp sang các ngành có hiệu suất cao hơn là dịch vụ và công nghiệp, là phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và đặc điểm về địa lý, tự nhiên, vị trí của thành phố.
- Trong nội bộ mỗi nhóm ngành, sự chuyển dịch cơ cấu vẫn còn chậm. Mặc dù cơ cấu dịch vụ có sự chuyển dịch đúng hướng, nhưng sự chuyển dịch này vẫn chưa rõ nét, tốc độ tăng của những ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị lớn chưa có bước đột phá.
- Chuyển dịch cơ cấu theo thành phần kinh tế xét về nhiều mặt chưa mạnh mẽ, diễn ra chủ yếu giữa khu vực nhà nước và ngoài nhà nước. Số lượng doanh nghiệp tăng trưởng nhanh về lượng nhưng chưa chuyển biến nhiều về chất, số đông vẫn là doanh nghiệp nhỏ, còn ít doanh nghiệp vừa, chưa hình thành được các doanh nghiệp có qui mô lớn, công nghệ cao, có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế.
Ký kết Biên bản ghi nhớ giữa Đà Nẵng và tỉnh Champasak (12-2008). |
Tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp- nông nghiệp (theo tỉ trọng dịch vụ 54-60%, công nghiệp 44-39%, nông nghiệp 2-1%) là nội dung quan trọng hàng đầu để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020 của thành phố.
Một số giải pháp thành phố cần nghiên cứu triển khai:
1 - Sớm ban hành một chương trình tổng thể thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng sức cạnh tranh ở khu vực dịch vụ và công nghiệp, có các mục tiêu định lượng cụ thể với lộ trình thực hiện rõ ràng, với các chính sách kinh tế khả thi. Xây dựng các doanh nghiệp vừa và lớn của thành phố đủ sức cạnh tranh cả trong nước và quốc tế .
" Các doanh nghiệp lữ hành của Pattaya mong muốn được liên kết với Đà Nẵng để nối tour đưa du khách quốc tế, đặc biệt là du khách Nga và Belarus, từ Pattaya đến Đà Nẵng. Hằng năm, lượng khách quốc tế đến với Pattaya lên đến 5 triệu lượt người. Vì vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai bên là rất khả quan. " (Thị trưởng Pattaya của Thái Lan, ông Itthipol Kunplome, phát biểu trong buổi làm việc với Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết ngày 4-5-2010) |
2 - Tập trung chuyển dịch sâu trong nội bộ ngành dịch vụ, trong đó: lựa chọn ngành du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ hiện đại, có giá trị lớn là vận tải- kho bãi, bưu chính-viễn thông, tài chính-ngân hàng; có chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển các ngành dịch vụ vừa là động lực vừa là đầu vào của các ngành khác là giáo dục- đào tạo, khoa học - công nghệ, chăm sóc sức khỏe.
3 - Tạo bước đột phá trong xây dựng cơ sở hạ tầng các khu công nghệ cao, khu công nghiệp công nghệ thông tin và trường đại học quốc tế; triển khai mạnh các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu, công nghiệp hàng không.
4 - Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở lấy Đại học Đà Nẵng và trường đại học quốc tế làm nòng cốt; sớm triển khai chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia là người nước ngoài, Việt kiều; đẩy mạnh đào tạo nghề, đặc biệt cho lao động nông nghiệp vùng đô thị hóa, nhằm xây dựng một đội ngũ lao động lành nghề và chuyên nghiệp cho Đà Nẵng và miền Trung.
5 - Hoàn thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo lập một môi trường đầu tư cạnh tranh có sức hấp dẫn cao. Có chính sách khuyến khích để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia. Triển khai liên kết với các tỉnh miền Trung nhằm hình thành một không gian liên kết kinh tế thống nhất trong toàn vùng.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là một quá trình vận động tất yếu theo quy luật phát triển kinh tế. Cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng đang trong quá trình chuyển dịch dựa trên nền tảng khai thác các tiềm năng, thế mạnh của mình. Tuy nhiên, để nền kinh tế thành phố sớm phát triển thành một nền kinh tế hiện đại, đòi hỏi phải có các chính sách nhằm biến các tiềm năng, thế mạnh thành các lợi thế so sánh, sớm ứng dụng tiến bộ công nghệ, đồng thời có các chính sách sử dụng hợp lý các nguồn lực đầu vào, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững.
Võ Duy Khương
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố