.

Đào tạo Bí thư, Chủ tịch xã, phường: Đột phá về công tác cán bộ

.

Việc thực hiện Đề án “Tạo nguồn cán bộ cho chức danh Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường, xã trên địa bàn TP. Đà Nẵng” (Đề án 89) đã chủ động tạo nguồn cán bộ đủ chuẩn về trình độ, năng lực chuyên môn và lòng nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố.

Khóa đầu tiên trong Đề án 89 đã hoàn thành với 95 học viên tốt nghiệp. Đến thời điểm này, tất cả những học viên khóa 1 đã được bố trí công tác ở các xã, phường trên toàn thành phố.

Tạo luồng không khí mới

Rất nhiều ý kiến đánh giá cao về khả năng hòa nhập, thích nghi với vị trí, môi trường làm việc cũng như năng lực và trình độ chuyên môn của những cán bộ tốt nghiệp từ khóa đào tạo theo Đề án 89. Đặc biệt, sau khi tổng kết đại hội Đảng bộ cấp cơ sở, đã có 15 học viên khóa 1 được tín nhiệm bầu vào cấp ủy phường, xã, trong đó 7 người giữ vị trí cán bộ chủ chốt (4 Phó Bí thư, 3 Phó Chủ tịch).

 

Mô tả ảnh.
Học viên khóa đào tạo cán bộ nguồn các chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, xã. Ảnh: S.TRUNG

 

Thực tế công tác cán bộ ở các xã, phường cho thấy, việc bố trí học viên Đề án 89 về làm việc đã giúp địa phương giải bài toán về nguồn cán bộ cho những nhiệm kỳ kế tiếp, nhất là những cán bộ tốt nghiệp đại học chính quy, được đào tạo bài bản về trình độ chuyên môn và khả năng tác nghiệp thực tế. Quan trọng hơn, đây là những người sẵn sàng góp sức cho sự phát triển của thành phố.

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã nêu rõ nhiệm vụ đến năm 2020 là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ. Để thực hiện nhiệm vụ này, nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng. Vì vậy, Đề án 89 khẳng định quyết tâm của Đảng bộ thành phố trong việc đón đầu, chủ động tạo nguồn cán bộ chất lượng cao; đồng thời tạo nên luồng không khí mới, thay đổi nhận thức và định kiến vốn tồn tại nhiều năm đối với những cán bộ trẻ.

Sự hấp dẫn của Đề án này không chỉ ở mục tiêu hướng đến là đào tạo nguồn Bí thư, Chủ tịch xã, phường mà còn ở cách thức tổ chức việc học tập cùng những chính sách ưu đãi hết sức thông thoáng đã đề ra trước khi tuyển sinh đầu vào. Ngay từ lúc khóa đào tạo chưa khai giảng, các đơn vị liên quan như Ban Tổ chức Thành ủy, Trường Chính trị thành phố đã chuẩn bị chu đáo giáo trình học tập, trong đó không chỉ chú trọng đến những vấn đề lý thuyết về quản lý đô thị, hành chính công mà còn tập trung đào tạo nhiều kỹ năng cơ bản như: xử lý tình huống, tin học, ngoại ngữ, lễ tân ngoại giao, ứng xử văn hóa... Trong quá trình học tập, học viên đã cọ xát với nhiều tình huống thực tế được tổng hợp từ những ý kiến của các Bí thư, Chủ tịch xã, phường đương nhiệm cũng như từ kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo cấp cao của thành phố, sở, ban, ngành.

Khẳng định

 

Ưu đãi

Tháng 2-2010, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định về việc xếp lương cho những đối tượng tốt nghiệp từ Đề án 89. Theo đó, những trường hợp chưa được xếp lương hoặc đang công tác tại phường, xã được cử đi học đã xếp lương chưa hưởng 100% mức lương thì được hưởng 100% mức lương bậc khởi điểm (nếu có trình độ thạc sĩ thì xếp bậc 2) của ngạch chuyên viên, kể từ ngày 1-2-2010.

Đối với các trường hợp có kết quả học tập từ vị trí 1 đến 5 nếu mức lương chưa đủ 2,5 triệu đồng/tháng thì được hưởng phụ cấp chênh lệch từ ngân sách thành phố để đủ 2,5 triệu đồng/tháng; các trường hợp còn lại hưởng phụ cấp chênh lệch từ ngân sách thành phố để đủ 2 triệu đồng/tháng (nếu lương và phụ cấp bằng hoặc vượt 2 triệu đồng/tháng thì không hưởng phụ cấp chênh lệch).

Học viên Đề án 89 không chỉ thu nhận lượng kiến thức bổ ích mà còn trưởng thành hơn về lý tưởng chính trị và tinh thần, thái độ tích cực trong công việc. Điểm xuất phát của mỗi học viên giống nhau nhưng chặng đường dài phía trước là cả quá trình phấn đấu bền bỉ, kiên trì, nỗ lực của mỗi cá nhân. Trong đó, những ai thật sự có năng lực, chí tiến thủ, tâm huyết với công việc mới được giao trọng trách đúng theo mục tiêu đã đề ra.

 

Điều đáng mừng là qua thời gian công tác, đa số các học viên Đề án 89 đều khẳng định được năng lực và nhận sự tín nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương. Con số 15 học viên được bầu vào cấp ủy sau đại hội Đảng bộ cơ sở xã, phường, trong đó 1 học viên trúng cử Ủy viên BCH Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn cho thấy, họ không phụ lòng tin của những người đã nhọc công xây dựng chiến lược đào tạo cán bộ mang tính đột phá này.

Qua thực tế, ở một số địa phương hiện vẫn còn tồn tại tình trạng bố trí, phân công nhiệm vụ cho học viên Đề án 89 chưa thực sự phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ nên khó có thể phát huy hết năng lực của cán bộ. Vị trí công tác chưa đúng với chuyên ngành đào tạo cũng là một thử thách lớn đối với những học viên tốt nghiệp từ Đề án 89. Vì vậy, họ phải nỗ lực, cố gắng vừa học, vừa làm, vừa nghiên cứu tình hình thực tế ở địa phương cũng như yêu cầu nhiệm vụ mới để làm việc hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, một số nơi vẫn còn những cách nhìn nhận, đánh giá thiếu thiện chí đối với những cán bộ trẻ này. Chính thái độ đó khiến cho một số ít học viên dè dặt, không dám bộc lộ hết mình. Chủ nghĩa kinh nghiệm có lúc có nơi vẫn còn được coi trọng hơn năng lực bản thân. Điều này cũng tạo nên trở ngại đối với học viên Đề án 89 khi tiếp cận công việc và tạo dựng uy tín, thu phục lòng tin của cấp ủy, chính quyền địa phương. Có thể thấy, chặng đường của những học viên này không bằng phẳng chút nào, nếu thiếu ý chí tiến thủ, không chịu khó vươn lên, vượt qua những trở ngại ban đầu để hoàn thành nhiệm vụ thì họ khó có triển vọng thăng tiến như mục tiêu của Đề án 89 hướng đến.

Mặc dù còn có những tồn tại, hạn chế nhất định nhưng Đề án 89 thực sự là bước đi thành công trong kế hoạch đầu tư lâu dài cho nguồn nhân lực của Đà Nẵng. Theo quy định trong công tác bổ nhiệm cán bộ chủ chốt hiện nay, tiêu chuẩn về đại học chính quy được đặt lên hàng đầu. Nhiều cán bộ chủ chốt ở cấp xã, phường, thậm chí cấp quận, huyện vẫn chưa đáp ứng tiêu chuẩn này. Vì vậy, chủ động đào tạo cán bộ có trình độ đại học chính quy ngay từ bây giờ sẽ giúp thành phố xây dựng được đội ngũ cán bộ thay thế có chất lượng, đủ tiêu chuẩn, yêu nghề, yêu quê hương, hết lòng phụng sự cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hà An

;
.
.
.
.
.