Chưa bao giờ Đà Nẵng rộn ràng các đường bay trực tiếp quốc tế và nội địa như khoảng thời gian từ cuối năm 2009 đến nay, mở ra cơ hội thu hút khách châu Á.
Gần nửa năm 3 chuyến bay thuê bao
Một trong những tâm điểm của các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng thời gian qua là các chuyến bay trực tiếp từ Nhật Bản, với 3/5 chuyến tính từ cuối năm 2009 đến nay. Điều này cho thấy cả giới chức lẫn người dân Đà Nẵng - Nhật Bản đều háo hức kỳ vọng một đường bay trực tiếp lâu dài mở ra, tạo sự nối kết về không gian để tiến đến nối kết về kinh tế, văn hóa - xã hội.
Khi Tết Dương lịch 2010 gần kề, chuyến bay thuê bao trực tiếp đầu tiên từ Fukuoka đã đưa 150 du khách xứ sở Phù tang đến Đà Nẵng. Từ đó, hai chuyến bay mới từ hai thành phố khác nhau của Nhật cũng rộn ràng nối gót. Mới đây nhất là chuyến bay ngày 1-5 từ Okayama mang theo 150 du khách xứ sở mặt trời mọc. Trước đó, ngày 13-2, chỉ cách giao thừa năm Canh Dần 5 tiếng đồng hồ, cũng từng đó người từ thành phố Nigata đến “xông đất” Đà Nẵng.
Các chuyến bay liên tiếp được thực hiện trong vòng chưa đầy nửa năm là kết quả của các hoạt động xúc tiến mạnh mẽ từ 2 phía. Tại Hội thảo “Xúc tiến đường bay Đà Nẵng - Nhật Bản” do UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Vietnam Airlines (VNA) tổ chức cách đây hơn một năm, đại diện các hãng lữ hành lớn của Nhật Bản đánh giá: Khu vực Đà Nẵng-miền Trung với thế mạnh là một trong những khu du lịch biển châu Á gần Nhật Bản nhất và còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa thế giới, là điểm đến đầy tiềm năng đối với khách Nhật trong tương lai.
Từ ngày 22 đến 28-9 tới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) TP. Đà Nẵng cùng VNA, Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp Việt Nam và các công ty lữ hành Nhật Bản tham dự Hội chợ JATA Nhật Bản 2010. Trong khuôn khổ Hội chợ, đoàn Đà Nẵng sẽ có chương trình riêng nhằm xúc tiến nhanh chóng hơn nữa đường bay trực tiếp nối Tokyo với Đà Nẵng. Theo đó, có khả năng VNA sẽ khai thác 7 chuyến/tuần theo hành trình này, hoặc 3 chuyến/tuần theo hành trình Osaka - Đà Nẵng.
Sau khi chuyến bay trực tiếp thành hiện thực, khả năng lấp chỗ khách Nhật Bản trên các chuyến bay là rất cao. Bởi theo khảo sát từ Sở VH-TT&DL, Nhật là thị trường khách số một trong 10 thị trường trọng điểm của Đà Nẵng, chiếm khoảng 15% tổng số khách quốc tế với gần 40.000 lượt người đến Đà Nẵng vào năm 2009, vượt cả những thị trường truyền thống như Pháp, Anh, Mỹ... Báo cáo từ Trung tâm Xúc tiến du lịch cũng cho thấy, lượng khách Nhật luôn tăng khoảng 2.000 người/năm.
Quốc tế bay đều, nội địa luôn kín chỗ
Không chịu thua kém, từ phía Quảng Châu, Hồng Kông, Đài Bắc cũng phát động nhiều đường bay quan trọng, đưa lượng khách không nhỏ đến Đà Nẵng. Đồng thời, các chuyến bay góp phần kích cầu nội địa, thu hút khách miền Trung ra nước ngoài với sự tổ chức tour của Vitours và một số hãng lữ hành khác trong khoảng cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Bởi chỉ với mức giá từ 559-689 USD/người, khách du lịch có thể tham gia các tour mua sắm, vui chơi giải trí tại Hồng Kông, Quảng Châu, Thẩm Quyến, Macau...
Trong số đó, đường bay trực tiếp từ Quảng Châu được xem là hiệu quả và bền vững nhất. Tại buổi khai trương đường bay vào đầu năm 2010, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết kỳ vọng đường bay là bước đột phá trong đầu tư - thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch của thành phố. Hiện đường bay vẫn khai thác khách đều đặn 2 chuyến/tuần vào thứ 2 và thứ 6, với khoảng 150-200 khách/chuyến, chủ yếu là khách đến nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí tại Silver Shores Hoàng Đạt. Đà Nẵng cũng đang tiến hành khảo sát Tam Á (Hải Nam, Trung Quốc) để xúc tiến mở đường bay từ địa phương này đến Đà Nẵng.
Đường bay nội địa mới mẻ Đà Nẵng - Đà Lạt bắt đầu cất cánh từ cuối tháng 6 năm nay đã mang lại những kết quả hơn mong đợi. Với khoảng 65-68 khách/chuyến, tần suất 4 chuyến/tuần, suốt từ lúc khai trương đến nay, hầu như chuyến bay nào cũng đầy ắp chỗ, nhiều thời điểm VNA phải thông báo hết vé trước nửa tháng. Khách lẻ từ hai phía mua vé nhiều đến nỗi các hãng lữ hành cũng không thể mua được vé cho các đoàn lớn.
Vì vậy, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề nghị VNA thay máy bay ATR 72 bằng loại máy bay lớn hơn để đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của nhân dân và du khách, nhằm phát động thị trường và phục vụ các đoàn khách lớn; đồng thời sớm thông báo kế hoạch bán vé và khai thác cho các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là vào thời điểm vắng khách.
HẰNG VANG