Từ những Nghị quyết hợp lòng dân
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND thành phố đã ban hành hơn 100 Nghị quyết, trong đó có 33 Nghị quyết về tổ chức nhân sự và 67 Nghị quyết khác. Các Nghị quyết của HĐND thành phố đều xuất phát từ đòi hỏi của thực tế cuộc sống, từ những vấn đề bức xúc đặt ra đối với một thành phố trẻ với nhiều khó khăn, thử thách. Nhiều Nghị quyết đã thực sự mang tính đột phá, thúc đẩy thành phố phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh. Nhờ quyết sách đúng đắn, thể hiện xuyên suốt qua từng kỳ họp cũng như qua cả nhiệm kỳ hoạt động với nội dung sát thực, cụ thể, cùng trăn trở với nhân dân, đồng cảm, chia sẻ với nhân dân nên HĐND thành phố đã đề ra được các chủ trương, chính sách hợp lòng dân và được các cấp chính quyền tích cực triển khai có hiệu quả.
Những Nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế như phát triển công nghiệp, chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), xuất khẩu, phát triển du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị... đã từng bước làm thay đổi diện mạo của thành phố, làm cho Đà Nẵng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút những nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, vai trò, vị thế của Đà Nẵng đang ngày càng được nâng cao, ngày càng nhiều đối tác và bạn bè quốc tế tin tưởng và mong muốn hợp tác với Đà Nẵng. Đà Nẵng đã thực sự là một thành phố trẻ, năng động, thân thiện và đầy tiềm năng.
Tiếp tục thành quả của “Chương trình thành phố 5 không”, HĐND thành phố đã ra Nghị quyết về “Chương trình 3 có” (có nhà ở; có việc làm; có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị) với mục đích rất nhân văn: mọi người dân đều có chốn an cư lạc nghiệp; mọi người trong độ tuổi lao động đều có việc làm, có thu nhập ổn định nuôi sống bản thân, gia đình, làm giàu cho mình và cho thành phố; mọi công dân của thành phố đều có lối sống văn hóa, mang đậm tình người trong giao tiếp, ứng xử. Nghị quyết này thực sự có ý nghĩa qua những con số biết nói, đó là thành phố đã phê duyệt quy hoạch mặt bằng 29 địa điểm, diện tích 484.331m2 để xây dựng chung cư.
Song hành cùng sự phát triển của thành phố trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, các Nghị quyết trên lĩnh vực Pháp chế cũng được HĐND thành phố quan tâm. Các Nghị quyết về xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính, Đề án giảm thiểu tai nạn giao thông với những biện pháp mạnh, kiên quyết; Đề án quản lý người từ địa phương khác đến cư trú trên địa bàn thành phố; Đề án về chính sách khuyến khích đối với cán bộ, công chức, viên chức tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc... đã góp phần ổn định tình hình an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, tạo đà để xây dựng và phát triển kinh tế. Nhìn chung các chủ trương, chính sách của Nhà nước sau khi được cụ thể hóa bằng các đề án, chương trình được HĐND thành phố thông qua tại các kỳ họp đã được UBND thành phố tổ chức thực hiện kịp thời, chu đáo đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả, làm cho Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống của người dân thành phố.
Đến việc đẩy mạnh công tác giám sát
Có Nghị quyết đúng đắn là một yếu tố tiên quyết. Nhưng việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nó chứng tỏ tính khả thi và sức sống của các chủ trương, chính sách mà HĐND thành phố - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương đã thông qua. Việc kiểm chứng này trước hết được thể hiện thông qua các hoạt động giám sát. HĐND thành phố trong nhiệm kỳ vừa qua đã thực hiện quyền giám sát này bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sinh động: Thông qua kỳ họp; qua hoạt động của Thường trực, các Ban, của đại biểu HĐND thành phố; qua tiếp xúc cử tri; qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân... Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thành phố tổ chức giám sát và đi thực tế 925 cuộc tại một số đơn vị, địa phương và ngành. Trong đó, Thường trực HĐND 195 cuộc; Ban Kinh tế và Ngân sách 275 cuộc; Ban Văn hóa - Xã hội 210 cuộc; Ban Pháp chế 245 cuộc và đã có 403 ý kiến chất vấn tham gia tại các kỳ họp của HĐND thành phố.
Nhìn chung, các hoạt động giám sát đã bám sát thực tiễn, trên cơ sở thường xuyên cập nhật thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, lựa chọn những vấn đề bức xúc cử tri thành phố đặc biệt quan tâm, từ đó đề xuất, kiến nghị những giải pháp xử lý thiết thực và hiệu quả... Không chỉ vậy, qua việc nắm bắt thông tin từ phản ánh của cử tri, từ báo đài, tại các cuộc họp giao ban hằng tuần, Thường trực HĐND thành phố đã quyết định tổ chức giám sát những vấn đề nổi cộm để có ý kiến chỉ đạo với UBND thành phố, các ngành chức năng có liên quan kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những sai sót trong quá trình quản lý điều hành cũng như sửa đổi, bổ sung những vấn đề còn thiếu sót, không phù hợp. Từ đó cho thấy, hoạt động giám sát của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.
Và đổi mới hơn nữa
Bên cạnh các chức năng quyết định, ban hành Nghị quyết và giám sát việc thực hiện Nghị quyết cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước, trong nhiệm kỳ 2004-2011, HĐND thành phố đã có nhiều cải tiến và đổi mới trong các hoạt động chất vấn, tiếp xúc cử tri, tiếp nhận và xử lý đơn thư...
Bên cạnh đó, công tác tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố ngày càng được “chuyên nghiệp hóa” từ các khâu chuẩn bị nội dung, trang trí hội trường đến việc tổng hợp, phân loại các ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển đến UBND thành phố để chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan đơn vị liên quan xử lý, giải quyết. Bình quân trong mỗi đợt tiếp xúc cử tri của các vị đại biểu HĐND thành phố tại các điểm tiếp xúc cử tri có khoảng 240 ý kiến được phản ánh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Địa chỉ đáng tin cậy của cử tri và người dân thành phố, đồng thời là kênh thông tin quan trọng của Thường trực và các Ban của HĐND - đó là đường dây điện thoại nóng của Thường trực HĐND thành phố đã tiếp nhận và xử lý các thông tin, phản ánh của cử tri hằng ngày, thực hiện trực ban 24/24. Mỗi năm trung bình có khoảng 500 ý kiến phản ánh của cử tri thành phố tập trung ở các lĩnh vực như: đất đai, giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư, quy hoạch, điện, nước... Các thông tin tiếp nhận đều được phân loại cụ thể và chuyển đến các cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Những con đường ven biển đẹp nhất Tại kỳ họp thứ 16, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VII đã thông qua Nghị quyết đặt tên 128 tuyến đường trên địa bàn thành phố, trong đó tuyến đường ven biển dài gần 27km từ Bãi Bắc (bán đảo Sơn Trà) đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam được đặt tên Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể, HĐND thành phố điều chỉnh đường Hoàng Sa hiện nay nối dài về phía Bắc (từ Bãi Bụt đến Bãi Bắc) và phía Nam (từ ngã ba giáp đường Trần Quang Khải đến điểm cuối là đường Nguyễn Công Trứ), có chiều dài 15,5km và đặt tiếp tên đường là Hoàng Sa - một huyện đảo của thành phố Đà Nẵng. Trước đó, từ năm 2004, đoạn đường từ Bãi Bụt đến giáp ngã ba đường Trần Quang Khải dài 6km đã mang tên Hoàng Sa. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Công Trứ đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam dài 11,2km được đặt tên là Trường Sa. |
Là cơ quan dân cử, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân thành phố, vai trò của HĐND thành phố qua các nhiệm kỳ, đặc biệt nhiệm kỳ 2004-2011 đã thực sự được phát huy một cách hiệu quả. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp tục duy trì được “sự đồng thuận” của người dân cũng như tiếp tục đồng hành cùng “sự đi lên” mỗi ngày của thành phố luôn là những trăn trở của từng đại biểu HĐND, các Ban và Thường trực HĐND thành phố. Chính vì lẽ đó, bài toán đổi mới trong công tác hoạt động sẽ và luôn luôn tiếp tục cần nhiều lời giải hay trong suốt chặng đường hoạt động của HĐND thành phố.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy
Phó Chủ tịch HĐND thành phố