.

Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực

.

Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Đà Nẵng đến năm 2010 góp phần thực hiện thành công việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông lâm thủy sản như Nghị quyết của HĐND thành phố đề ra trong kế hoạch 5 năm 2005-2010.

Mô tả ảnh.
Chế biến thủy sản xuất khẩu.

Ngày 11-4-2005, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 3067/QĐ-UB phê duyệt Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực đến năm 2010. Dựa trên thực tế sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) và các tiêu thức xác định sản phẩm chủ lực được quy định, UBND thành phố ban hành Quyết định số 3969/QĐ-UB ngày 12-5-2005 phê duyệt Danh mục các sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2005 gồm các sản phẩm: Lốp ô-tô, quần áo may sẵn, giày các loại, thủy sản đông lạnh và xi-măng.

Đây là những ngành, những lĩnh vực mà thành phố có nhiều tiềm năng, thế mạnh, đồng thời cũng là những DN hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để phát triển phù hợp với định hướng phát triển của ngành công nghiệp trong tương lai. Ngoài nỗ lực của các DN, thành phố đã hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần nhằm động viên các DN phát triển, đặc biệt là hỗ trợ về vật chất như lãi suất, đầu tư các công nghệ mới, thiết bị mới.

Mô tả ảnh.
Sản phẩm lốp cao su các loại có tốc độ phát triển rất nhanh. Ảnh: ĐỨC THỊNH

Từ năm 2006-2009, thành phố hỗ trợ hơn 856 triệu đồng cho các DN. Trong đó, các DN sản xuất săm, lốp ô-tô 264,75 triệu đồng, DN sản xuất quần áo may sẵn 213,75 triệu đồng, DN chế biến thủy sản đông lạnh 377,5 triệu đồng. Các nội dung được hỗ trợ là lãi suất đầu tư mới, đào tạo lao động và hỗ trợ về tư vấn. Mặc dù sự hỗ trợ này so với số vốn các DN bỏ ra để phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ là rất nhỏ, nhưng mang ý nghĩa rất lớn để động viên các DN mạnh dạn đầu tư. Hàng loạt công nghệ mới, các thiết bị mới, nhất là các công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm điện và nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm đã được cải thiện đáng kể.

Tỷ lệ hàng xuất khẩu đã qua chế biến, trong đó có một số sản phẩm được đưa thẳng đến các siêu thị của các nước nhập khẩu tăng lên đáng kể. Nhiều chủng loại sản phẩm quần áo may sẵn, hải sản, đặc biệt săm, lốp ô-tô các loại được xuất khẩu với số lượng lớn, nhiều loại lốp trở thành độc quyền của ngành công nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực với tốc độ tăng trưởng ngày càng cao, tăng trung bình từ 15% đến trên 25% qua các năm, góp phần nâng tỷ trọng kim ngạch hàng công nghiệp xuất khẩu năm 2009 chiếm gần 50% kim ngạch xuất khẩu của thành phố (kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).

Mô tả ảnh.
Sản phẩm dệt may luôn chiếm tỷ trọng cao trong XK.

Trong 5 năm 2001-2005, tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp đạt 19,04%/năm, xuất khẩu 15,1%. Nếu giai đoạn 2001-2005, cơ cấu xuất khẩu hàng hóa - dịch vụ là 80%-20%, thì giai đoạn 2006-2010 là 59,6% - 40,4%. Đây là bước dịch chuyển phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế của thành phố trong giai đoạn sau 2010 là dịch vụ-công nghiệp-nông nghiệp.

Mặc dù tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của ngành công nghiệp giảm so với cơ cấu kinh tế của thành phố, nhưng giá trị hàng hóa xuất khẩu của ngành  này vẫn đạt tốc độ tăng trưởng trên 15%, trong đó các sản phẩm công nghiệp chủ lực chiếm tỷ trọng đáng kể trong toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp. Nhiều sản phẩm được bình chọn là hàng Việt Nam chất lượng cao, giành được các huy chương trong nước và quốc tế như lốp ô-tô, xe máy, xi-măng, giày, quần áo, hàng thủy sản xuất khẩu, giấy, dây cáp điện, tụ điện...

Việc lựa chọn, ưu tiên đầu tư cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố đã đem lại luồng sinh khí mới cho sự phát triển của ngành trong thời gian qua. Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực được đánh giá là một trong những chương trình phát triển kinh tế thành công của thành phố.

ĐỨC THỊNH

;
.
.
.
.
.