.

Xu thế T-H-I-O

.

Việc đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp (DN) ở Đà Nẵng đều tuân thủ khá nghiêm túc công thức T-H-I-O (T: thiết bị - Technowere; H: con người - Humnanwere; thông tin - Infowere; tổ chức - Orgawere).

Mô tả ảnh.
May hàng xuất khẩu tại Công ty VINACAD.

Nếu lấy năm 1997 làm cột mốc để đánh giá sự đổi thay công nghệ tại các DN ở Đà Nẵng thì có thể thấy có sự phân hóa khá rõ nét. Trước năm 1997, hầu hết công nghệ trong tình trạng lỗi thời, nhưng từ sau năm 1997 lại có bước chuyển biến rất rõ.

Chuyển biến

Đề tài “Điều tra đánh giá và xây dựng cơ sở dữ liệu trình độ công nghệ sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” do Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng III (QUATEST III) thực hiện ở 197 DN thuộc 15 nhóm ngành nghề trên địa bàn thành phố cho thấy bức tranh khá ảm đạm và lạc hậu. Hầu hết các thiết bị tại các DN này đang sử dụng đều lạc hậu với thế giới từ 40-50 năm, thậm chí nhiều thiết bị không còn được sử dụng do năng suất và môi trường không bảo đảm. Một ví dụ điển hình là ngành chế biến thủy sản, dù được xem đang ở mức trung bình cả nước, nhưng giá trị T (thiết bị) chỉ ở mức 0,36, trong khi tiêu chuẩn trung bình của thế giới phải là 0,72.

Tương tự, ngành cơ khí chế tạo có đến 31% DN trình độ công nghệ ở mức dưới trung bình. Trong khi đó, ngành vật liệu xây dựng chỉ số giá trị thiết bị chỉ ở mức 0,27 so với tiêu chuẩn chung là 0,75. Ngay như ngành điện - điện tử được xem có công nghệ mới nhất, mặc dù giá trị T đạt ở mức trung bình với 0,72 nhưng do thiếu sự đồng bộ dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.

Sau năm 1997, với nhiều chính sách kích cầu từ thành phố và quyết tâm đổi thay công nghệ mạnh mẽ đã làm thay đổi căn bản bức tranh công nghệ của các DN Đà Nẵng. Điều đặc biệt và cũng rất đáng ghi nhận là quá trình đổi mới công nghệ của các DN Đà Nẵng đều theo đuổi xu thế phổ biến của thế giới là công thức T-H-I-O. Thống kê mới đây của Sở Khoa học và Công nghệ cho thấy bước chuyển rất mạnh về trình độ công nghệ tại các DN ở tất cả nhóm ngành nghề khác nhau.

Nếu như hệ số thay đổi thiết bị giai đoạn 1989-1996 chỉ ở mức 3%, thì từ giai đoạn 1997-2002 đã tăng vọt lên 16%. Tỷ trọng thay đổi về thiết bị hiện đại từ 4% của năm 1997 đã tăng lên 38,7% năm 1999 và tiếp tục tăng lên đến 61,83% ở năm 2002. Trong số này, nổi bật là ngành giấy đã có sự đầu tư thay đổi công nghệ rất nhanh với hệ số thay đổi công nghệ đến 34,37% giai đoạn 2000-2002. Song, ấn tượng nhất là ngành chế biến thủy sản có hệ số thay đổi thiết bị hiện đại là 93,17%, ngành in là 92,28%.

Đầu tư đồng bộ

Theo phân tích đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, hầu hết các DN đều đầu tư công nghệ một cách đồng bộ, tức là theo đuổi xu hướng T-H-I-O. Đây là điều không dễ thực hiện vì không chỉ đòi hỏi DN đầu tư vốn để mua và chuyển giao công nghệ, mà còn yêu cầu bản thân họ thay đổi thói quen quản lý cũ kỹ trước đây. Trong số này, các DN lớn của Trung ương đóng trên địa bàn Đà Nẵng cũng như của địa phương đã thực sự là cánh chim đầu để tạo nên phong trào đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý một cách hiệu quả.

Một ví dụ tiêu biểu là Công ty CP Công nghệ LILAMA, nhờ đầu tư mạnh mẽ về thiết bị và nhân sự, hiện nay đơn vị đã đảm nhận được hầu hết những công trình lớn phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao như Nhà máy thủy điện Sê San 4, Trạm biến áp 500kV - Gia Lai, Nhà máy Xi-măng Sông Gianh. Đặc biệt, công ty đảm nhận việc lắp đặt ống công nghệ, kết cấu thép, sơn công nghệ cao bồn dầu có dung tích đến 65.000m3  cho công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất-Quảng Ngãi.

Đây chính là cơ sở để đơn vị mạnh dạn đấu thầu và thi công nhiều công trình quan trọng tại Libya và Saudi Arabia. Hoặc Công ty CP Kỹ thuật cơ điện lạnh TADICO, trong thời gian ngắn, nhờ đầu tư mạnh mẽ về công nghệ, thiết bị và quản lý điều hành bằng quy trình ISO 9001, đơn vị đã đủ sức đảm nhận nhiều công trình có quy mô lớn. Công ty rất thành công với đề tài “Triển khai ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời tại ven biển miền Trung và Tây Nguyên”. Hiện nay, sản phẩm máy nước nóng mặt trời POSHLY do đơn vị sản xuất đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường toàn quốc.

 Các DN địa phương như Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty CP Dược Danapha... cũng đều có sự thay đổi mạnh về thiết bị, cùng với hệ thống quản lý khoa học theo tiêu chuẩn ISO, nên chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và khu vực. Đặc biệt ở nhóm ngành chế biến thủy sản và dệt may gần như hoàn thành quá trình thay đổi công nghệ hiện đại, không những nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành mà còn bảo đảm yếu tố không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, nhóm ngành này đứng được trên các thị trường xuất khẩu khá khó tính như Mỹ, Nhật, châu Âu.

Theo ông Huỳnh Phước, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đây là kết quả rất đáng khích lệ, cho thấy bản thân các DN đã ý thức được việc đổi thay công nghệ với sự sống còn của mình. Với nhiều chính sách mang tính kích cầu cùng những dự án mà thành phố phối hợp với Viện Công nghệ sinh học, Viện Hải dương học, Viện Công nghệ thông tin, Viện Xây dựng, Viện Hóa học... đã và đang được hình thành, trở thành chỗ dựa cho các DN tiếp tục thay đổi công nghệ theo công thức T-H-I-O. Bởi lẽ, khi các dự án này đi vào hoạt động sẽ hỗ trợ tốt cho các DN chọn lựa công nghệ phù hợp, đào tạo nguồn nhân lực, thẩm định các công trình...

Trần Luân Sơn

;
.
.
.
.
.