.

Chăm sóc người có công

.

Thành phố Đà Nẵng hiện có gần 90.000 đối tượng chính sách (ĐTCS), trong đó có 18.736 người đang hưởng trợ cấp thường xuyên với kinh phí chi trả hằng tháng trên 12 tỷ đồng và tất cả đều có nhà ở khang trang, kiên cố và có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình tại nơi cư trú.

Mô tả ảnh.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh thăm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Dần. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Thành quả đó là kết quả của những chủ trương, chính sách sát hợp của lãnh đạo thành phố, cùng với sự nỗ lực của các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận của toàn xã hội. Trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội, chính quyền, đoàn thể các cấp luôn hết sức quan tâm chăm lo đời sống cho ĐTCS với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà, tặng quà, tặng tiền, tạo việc làm cho ĐTCS, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng chung tay góp sức vào công tác đền ơn đáp nghĩa...

5 năm qua, từ nguồn ngân sách, Quỹ đền ơn đáp nghĩa và các tổ chức, cá nhân ủng hộ, toàn thành phố xây được gần 400 nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà cho hơn 3.000 hộ chính sách và miễn giảm tiền sử dụng đất cho 2.671 hộ khác, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng, ngoài ra còn có hàng trăm trường hợp khác được bố trí nhà ở chung cư. Từ năm 2005, thành phố đã trợ cấp thường xuyên cho 111 ĐTCS đặc biệt khó khăn với mức 150.000 đồng/tháng; trợ cấp đột xuất cho 1.153 hộ chính sách có mức ưu đãi thấp với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng (từ tháng 9 đến 12-2008). Đặc biệt, từ đầu năm 2009, UBND thành phố đã quyết định trợ cấp thường xuyên cho ĐTCS mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn với mức 300.000 đồng/tháng và đã có 681 người được hưởng chế độ này.

Mô tả ảnh.
Công an thành phố Đà Nẵng tặng nhà tình nghĩa cho ĐTCS.

5 năm qua, đã có 18.804 lượt ĐTCS được điều dưỡng luân phiên, trong đó có 520 người được đi tham quan kết hợp điều dưỡng tại các điểm nghỉ dưỡng trong nước, 4.985 người được điều dưỡng tại Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng thành phố (số còn lại được nhận chế độ điều dưỡng tại nhà). Toàn thành phố có 1.404 Bà mẹ VNAH, trong đó có 161 mẹ còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng với mức từ 500.000 đồng trở lên và mỗi năm có trên 13.000 ĐTCS được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Hằng năm, 100% quận, huyện, xã, phường thực hiện thu nộp Quỹ đền ơn đáp nghĩa vượt chỉ tiêu và trong 5 năm qua, toàn thành phố đã huy động hơn 21 tỷ đồng Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân đã tặng các gia đình chính sách hơn 3.000 sổ tiết kiệm với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể ở xã, phường rất năng động, sáng tạo trong công tác quản lý, chăm sóc ĐTCS, có giải pháp phù hợp để giúp đỡ, giải quyết chính sách, chế độ, nhu cầu cuộc sống cho ĐTCS sát, đúng, đủ và kịp thời. Qua khảo sát, kiểm tra, cả 56 xã, phường trong thành phố đều được công nhận là “Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công”.

Trong các dịp Tết cổ truyền và kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ hằng năm, lãnh đạo thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với những người có công cách mạng. Chỉ riêng Tết Canh Dần 2010, UBND thành phố đã hỗ trợ, tặng quà các đối tượng chính sách gần 9 tỷ đồng và trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về mức quà Tết tặng ĐTCS.

Không những đối với ĐTCS, mà chính quyền, đoàn thể các cấp còn đặc biệt chăm lo xây dựng, tu bổ nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Toàn thành phố có 20 Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) và 21 Nhà bia ghi tên liệt sĩ đều được xây mới hoặc tu sửa khang trang. Từ năm 2009, Thành Đoàn phối hợp với các đoàn thể tổ chức “Đêm thắp nến tri ân” tại các NTLS vào dịp Ngày Thương binh-liệt sĩ, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo nên một điểm nhấn trong đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đoàn Thanh niên xã Hòa Tiến, đến ngày 27-7 hằng năm đều tổ chức Hội trại “Uống nước nhớ nguồn” với nhiều hoạt động thiết thực như đi tìm địa chỉ đỏ, tham quan các di tích cách mạng, tìm hiểu truyền thống quê hương, đất nước.

Mô tả ảnh.
Bệnh viện C Đà Nẵng khám, chữa bệnh miễn phí cho ĐTCS.

Với phong trào “Người con hiếu thảo”, nhiều hội viên phụ nữ ở Hòa Vang đã nhận làm con các đối tượng chính sách già yếu, neo đơn, sớm hôm tận tình thăm hỏi, chăm sóc, chẳng khác nào cha mẹ ruột của mình. Trên quê hương Ngũ Hành-Non Nước, hằng năm những người đi làm ăn xa đã gửi về giúp đỡ các gia đình chính sách hàng trăm triệu đồng và chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2010, nhân dân trong quận đã đóng góp, ủng hộ hơn 50 sổ tiết kiệm tình nghĩa. Các quận Hải Châu, Cẩm Lệ, Sơn Trà không chỉ trao tặng tiền, quà trong các dịp lễ, Tết, mà còn tổ chức khảo sát, tìm hiểu nguyện vọng của từng hộ chính sách và các nhu cầu chính đáng đều được giải quyết. Hộ chưa có phương tiện nghe nhìn thì được hỗ trợ tivi, hộ chưa có dụng cụ đun nấu hiện đại thì được hỗ trợ bếp gas, nồi cơm điện. Nhiều hộ được hỗ trợ bàn ghế, giường nằm, tủ thờ, chăn bông, quạt điện... Không ít đối tượng chính sách đau ốm được hỗ trợ cả nệm ấm và nệm nước. Một cán bộ ở Phòng Lao động-TBXH quận Hải Châu cho biết: Trên địa bàn quận hiện nay, tất cả gia đình chính sách đều đã có nhà ở khang trang, kiên cố.

Ở các vùng căn cứ cách mạng như Hòa Phú, Hòa Bắc, Khu căn cứ lõm K20 (phường Khuê Mỹ) vào những dịp lễ, Tết nhộn nhịp các hoạt động về nguồn, nghe các nhân chứng lịch sử kể chuyện, khám-chữa bệnh miễn phí cho ĐTCS..., do Hội CCB, Đoàn Thanh niên và các bệnh viện trong thành phố tổ chức. Đặc biệt, những thầy thuốc ở Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức Chương trình “Hát cho những người nằm xuống” tại NTLS phường Hòa Quý hết sức ấn tượng và trở thành đơn vị đầu tiên của cả nước có hình thức giáo dục thế hệ hệ hướng về cội nguồn bằng những ca khúc cách mạng hào hùng trước anh linh các anh hùng liệt sĩ.

Trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng những năm qua, thành phố Đà Nẵng thực hiện tốt phương châm “kiềng ba chân”: Chế độ trợ cấp của Nhà nước, sự chăm lo của toàn xã hội và sự phấn đấu vươn lên của chính đối tượng chính sách. Ngoài vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và có đội ngũ cán bộ chuyên trách giàu tâm huyết, nguyên nhân quan trọng tạo nên thành công to lớn trong công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công cách mạng ở Đà Nẵng chính là nhờ khai thác tốt các nguồn lực trong nhân dân và tạo được sức mạnh đồng thuận của toàn xã hội.

Minh Ngọc

;
.
.
.
.
.