Sắp xếp lại bộ máy sản xuất, tăng cường đầu tư các trang thiết bị máy móc, nguồn nhân lực, tăng cường sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong nước với chất lượng tốt mà giá cả không quá cao, là hướng đi của nhiều DN trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây.
Trong 6 tháng đầu năm 2010, tổng mức bán lẻ ước đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, đạt gần 60% kế hoạch, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2009. Sự biến động về giá cả những mặt hàng như điện, than, xăng dầu, sắt, thép, vật liệu xây dựng khác… đã kéo theo mặt hàng tiêu dùng tăng giá. Nhưng nhìn chung, thị trường hàng hóa tại Đà Nẵng khá ổn định, phong phú, hoạt động kinh doanh sôi động nhờ nguồn hàng được chuẩn bị tốt. Sức mua tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, cửa hàng tăng khá nhờ nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu.
Đặc biệt, với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhiều mặt hàng của Đà Nẵng nói riêng và hàng trong nước sản xuất nói chung đã thu hút được sự quan tâm của người dân. Hàng Việt đã thực sự tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng, để từ đó nhà sản xuất có thêm động lực để khẳng định mình. Ông Nguyễn Đức Trị, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ cho biết: Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã lan tỏa khá sâu rộng, trong đó chúng tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi này. Rõ nhất đối với doanh nghiệp chúng tôi, năm 2009 đạt 18 tỷ đồng từ doanh thu nội địa, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với mục tiêu xây dựng một thị trường bán lẻ nội địa có sức cạnh tranh cao, nhất là thời điểm năm 2010, là năm Việt Nam thực thi các cam kết gia nhập WTO về mở cửa lĩnh vực dịch vụ, bán lẻ…
Điểm nhấn quan trọng nhất đối với diện mạo hàng nội địa còn thể hiện ở sự quan tâm của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương thông qua Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động trên cả nước, tạo ra một hiệu ứng mới cho sản xuất và tiêu dùng hiện nay. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Đà Nẵng đã nhận thức tương đối cao về sự gắn kết trong bối cảnh thu hẹp về sân nhà. Từ cuộc vận động này, đã có hàng chục doanh nghiệp thực hiện ký kết tiêu dùng sản phẩm hàng hóa của nhau, đó là cách để khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thể hiện lòng yêu nước của mỗi người Việt Nam.
Có thể khẳng định tiềm năng của thị trường nội địa là rất lớn. Điều này được thấy rõ tại 4 phiên chợ Hàng Việt tại Đà Nẵng do Trung tâm Thông tin Xúc tiến thương mại – Sở Công thương thành phố phối hợp với 74 doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức vào đầu năm 2010. Các phiên chợ diễn ra đều nhận được sự ủng hộ của người dân địa phương. Theo báo cáo của Sở Công thương, doanh thu bán hàng của các doanh nghiệp tại 4 phiên chợ đạt 1,4 tỷ đồng.
Mô tả Hàng Việt đã được giới trẻ chọn dùng.. |
Để tạo được sức mạnh cho thị trường nội địa trong thời gian tới, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhấn mạnh: “Muốn chinh phục được thị trường nội địa, các doanh nghiệp của chúng ta phải biết chiếm lĩnh thị trường nông thôn, điều đó hết sức quan trọng. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp của thành phố nên quan tâm”.
DUYÊN ANH