.

Hết lòng phục vụ dân

.

Thành tựu 5 năm qua trong chính sách an sinh xã hội đã khẳng định quyết tâm của Đảng bộ TP. Đà Nẵng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng một chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Nhiệm kỳ 2005-2010, Đảng bộ TP. Đà Nẵng có thể tự hào về những thành quả trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chăm lo và tạo dựng một môi trường sống lành mạnh cho toàn dân. Thông qua nhiều chương trình cụ thể, Đà Nẵng đã giúp người nghèo có nhà ở, có việc làm, động viên trẻ bỏ học trở lại trường, ổn định đời sống của những đối tượng chính sách…

“5 không” và “3 có”

Mô tả ảnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Nông Thị Ngọc Minh tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (10-8-2009).

Đà Nẵng được nhắc đến với thương hiệu thành phố “5 không”. Dấu ấn của chương trình này đã thực sự đi vào lòng người dân thành phố và lan tỏa mạnh mẽ trong cách nhìn nhận của cả nước về Đà Nẵng. Tiếp tục thực hiện chương trình “5 không” trong nhiệm kỳ 2005-2010 kết hợp với chương trình “3 có” là chủ trương đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng sống, bảo đảm cho người dân những điều kiện tốt nhất để sinh sống và tham gia vào công cuộc xây dựng, phát triển thành phố.

Năm 2009, mục tiêu “không có hộ đói” và “không có người mù chữ” được điều chỉnh thành “không có học sinh bỏ học” và “không có hộ đặc biệt nghèo”. Và từ đó đến nay, thành phố quyết liệt triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm thực hiện hiệu quả 2 mục tiêu trên. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc Ban Thường vụ Thành ủy ban hành 2 chỉ thị: Chỉ thị 24 và Chỉ thị 25 về việc giúp đỡ những hộ đặc biệt nghèo, trẻ em bỏ học, thanh-thiếu niên hư, vi phạm pháp luật và phòng ngừa, ngăn chặn bạo lực gia đình đối với phụ nữ. Hệ thống chính trị ở tất cả các cấp cùng với các hội, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp đều được huy động để cùng chung tay giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ trẻ em phương tiện đến trường, chăm lo và bảo vệ phụ nữ.

Đến nay, ngoài Đà Nẵng, chưa có địa phương nào mà người lãnh đạo cao nhất trực tiếp gặp gỡ những ông chồng có hành vi bạo hành với vợ, để rồi sau đó khen thưởng cho những ông chồng có chuyển biến tích cực, không tiếp tục “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người “đầu ấp tay gối”. Một việc làm tưởng chừng đơn giản, nhỏ nhặt nhưng thực sự đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của người dân về vấn đề bình đẳng giới. Và cho thấy Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm sát sao đến mọi mặt đời sống của người dân, không chỉ là những bữa cơm no đủ, môi trường sống lành mạnh mà còn giúp họ có một mái ấm hạnh phúc với quyền lợi của người phụ nữ được chính quyền cam kết bảo vệ.

Kết quả điều tra hộ nghèo theo chuẩn mới cho thấy, Đà Nẵng có hơn 32.790 hộ nghèo trong tổng số 170.268 hộ dân. Để đến năm 2015 giảm hết số hộ nghèo này, thành phố đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để giảm nghèo. Trong đó, đáng chú ý là việc giúp đỡ xóa nhà tạm hộ nghèo, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục và vốn vay làm ăn. Mục tiêu của thành phố là nâng cao chất lượng sống của hộ thu nhập thấp cả về vật chất và tinh thần, lấy kết quả đó làm cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chính quyền vì dân, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đến nay, với việc huy động các nguồn lực từ phía chính quyền, nhân dân và các tổ chức chính trị, xã hội, Đà Nẵng đã cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm cho những hộ nghèo có đất ở ổn định và triển khai xây dựng 7.000 căn hộ chung cư cho những gia đình thu nhập thấp.

Để giảm nghèo hiệu quả, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp như: bảo đảm 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi về lãi suất tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố; tạo mọi điều kiện để hộ nghèo tiếp cận và tiếp thu kỹ thuật sản xuất tiên tiến, rèn luyện kỹ năng và phương pháp làm ăn với những mô hình thiết thực nhất, đơn giản và có hiệu quả; đào tạo nghề miễn phí cho lao động thuộc hộ nghèo có nhu cầu học nghề để tìm việc làm và tự tạo việc làm tại chỗ có thu nhập ổn định; bảo đảm cho 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế và 100% học sinh nghèo các cấp học được miễn giảm học phí, học sinh - sinh viên nghèo được vay vốn ưu đãi để học tập… Những chính sách trên đã góp phần thay đổi điều kiện sống của người dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo và tạo dựng lòng tin trong nhân dân về một chính quyền biết chăm lo cho cuộc sống nhân dân.

An dân

Mô tả ảnh.
Công trình Khu dân cư làng cá Nại Hiên Đông.

Nhiệm kỳ 2005-2010 ghi nhận nhiều chính sách an dân mang đậm tính nhân văn, trong đó quan tâm đặc biệt đến những đối tượng yếm thế trong xã hội như trẻ em, phụ nữ nghèo, người già yếu, tàn tật, neo đơn… Hiện nay, tất cả địa phương đang nỗ lực thực hiện Chỉ thị 24 về việc giáo dục, giúp đỡ trẻ em bỏ học, thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật, quyết tâm chăm lo xây dựng thế hệ trẻ vì sự phát triển của thành phố trong tương lai. Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đã ban hành Chương trình Ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm phạm tình dục và trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2005-2010.

Chính quyền thành phố nhận định: Nếu không có những biện pháp ngăn chặn, hỗ trợ kịp thời thì những trẻ em này dễ có nguy cơ lang thang kiếm sống, phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm, dễ sa vào các tệ nạn xã hội và chính quyền sẽ thêm một áp lực trong tiến trình thực hiện chính sách an dân. Do vậy, việc ban hành chương trình nói trên rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Với những đối tượng phụ nữ nghèo, neo đơn, ngoài chính sách cho vay vốn, hỗ trợ việc làm, thành phố đã xây dựng nhà ở, bệnh viện dành riêng cho phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tạo điều kiện để họ có nơi ở ổn định, được khám và điều trị bệnh miễn phí. Những năm qua, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng kéo theo nhiều vấn đề xã hội bức xúc, trong đó không chỉ là chuyện nhà ở, thu nhập mà quan trọng là làm sao tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng bởi dự án xây dựng cơ bản, những khu tái định cư. Trong 5 năm (2005-2010), trung bình mỗi năm thành phố giải quyết việc làm mới cho 3,23 vạn người, giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 4,9% năm 2010. Một khi có công ăn việc làm ổn định, người dân sẽ an tâm sinh sống, giảm bớt tình trạng vi phạm pháp luật và đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Một chặng đường 5 năm với bao nhọc nhằn, thách thức nhưng Đảng bộ và chính quyền TP. Đà Nẵng đã chủ động phát huy những nguồn lực sẵn có và tranh thủ trợ giúp từ phía Chính phủ và các tổ chức quốc tế để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Trong định hướng phát triển, Đảng bộ thành phố chủ trương phải gắn tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, làm sao bảo đảm hài hòa đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Những năm đến, TP. Đà Nẵng tiếp tục đối phó với nhiều khó khăn, thách thức của quá trình hội nhập cùng với áp lực của việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, không vì vậy mà Đảng, chính quyền thành phố xem nhẹ việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Vì mục tiêu phát triển vẫn hướng đến kết quả cuối cùng là làm sao cho người dân được ấm no, hạnh phúc. Với quyết tâm của Đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận của toàn dân, TP. Đà Nẵng nhất định sẽ hoàn thành các mục tiêu an sinh xã hội đã đề ra, đồng thời, xây dựng thành công một chính quyền hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

HÀ AN

;
.
.
.
.
.