.

Lo trước cái lo của dân

.

Để người dân có nhà ở, lãnh đạo Đà Nẵng đã quan tâm, đầu tư phát triển quỹ nhà ở, đất ở. Một phần của đô thị hóa đã xoay chuyển cuộc sống và bảo đảm an cư cho từng hộ dân nghèo.

Mô tả ảnh.
Một khu chung cư dành cho người thu nhập thấp tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn.

Một ngày đầu tháng 8, tôi trở lại thăm vợ chồng anh Mai Văn Bê ở khu chung cư Vũng Thùng (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Đôi vợ chồng trẻ sinh sống trong căn hộ chung cư rộng 48m2 đã 3 năm qua nay ngập tràn hạnh phúc. Có nhà ở, có việc làm ổn định, dù chỉ là lao động phổ thông, nhưng đời sống gia đình đã thay đổi.

Anh Bê bồi hồi nhớ lại ngày được nhận nhà mới: “Điều đó như một giấc mơ, bởi gia đình chúng tôi không thể tự mình có được căn hộ khang trang như vậy. Ngày lập gia đình, vợ chồng không có chỗ ở nên như mọi trai làng cá Nại Hiên cứ cắm bừa túp lều ra nổng cát. Vợ đi làm công nhân chế biến thủy sản, tôi đi bạn đánh cá ngoài khơi. Khi có dự án đô thị mới phải giải tỏa nhà đất, tôi cứ nghĩ mình trắng tay vô gia cư nhưng thành phố đã quan tâm bố trí căn hộ chung cư”.

 Nhà ở ven biển Thọ Quang, khi thành phố triển khai giải tỏa làm đường Sơn Trà - Điện Ngọc, chị Mai Thị Cúc lên Ban quản lý dự án nhận số tiền được đền bù về thanh toán rất nhiều khoản nợ trước đó đã vay mượn để nuôi 4 đứa con ăn học. Thế rồi, chị Cúc đổ bệnh với căn bệnh ung thư cổ tử cung. Số tiền dự định để mua lại đất, làm nhà lần lượt đội nón ra đi. May mắn đến lúc gần như trắng tay, chính quyền các cấp đã xem xét để gia đình chị được nhận một căn hộ 60m2 ở khu chung cư đầu tuyến Sơn Trà - Điện Ngọc. Gặp chúng tôi, chị Cúc nghẹn ngào: “Cách đây một năm, cả nhà tôi gần như suy sụp, số tiền được đền bù phần lo ăn, phần lo chữa bệnh rồi cũng hết. Khi chuẩn bị giao nhà, giao đất, hai vợ chồng khóc hết nước mắt, tưởng không còn chốn nương thân”.

Tại khu chung cư Nại Hiên Đông, chị Lê Thị Hiền (tổ 4 Nại Tú, phường Nại Hiên Đông) nói trong nước mắt: “Suốt 5 năm qua, với 5 lần thay đổi chỗ ở trọ, nay gia đình tôi được vào ở căn hộ chung cư mới khang trang rộng 50m2, có phòng khách, 2 phòng ngủ, bếp và công trình phụ. Thật không gì bằng!”.

Cũng ở địa bàn quận Sơn Trà, đầu năm 2000, anh Trần Thêm cùng vợ dành dụm chút tiền mua cây dựng tạm căn nhà chênh vênh trên sóng nước tại làng cá Nại Hiên Đông. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài những tấm ván ép đóng đinh vội vã làm vách ngăn, vài tấm tôn rách nát sắp chồng trên mấy cây gỗ tạm vớt vát được trong các đợt lũ làm mái che mưa, nắng. Nhìn ngôi nhà chật chội, ọp ẹp chưa đầy 10m2 phải “gánh” 4 người, anh Thêm lo cho tương lai của cả gia đình. Anh Thêm kể: “Lo nhất khi mình đi biển, thấy trời nổi gió lại lo ở nhà không biết vợ và hai con nhỏ có hề hấn chi không.

Từ năm 2005 đến nay, TP. Đà Nẵng đã hoàn thành 66 nhà ở chung cư với 2.859 căn hộ. Trong đó, theo chương trình “Có nhà ở” có 52 chung cư với 2.532 căn hộ. Riêng từ tháng 5-2009, triển khai “Chương trình 7.000 căn hộ phục vụ  nhà ở xã hội” thì đã hoàn thành 14 căn nhà với 534 căn hộ. (Nguồn: Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng)

Mỗi khi đài báo có bão dù gần hay xa, cả mấy mẹ con cũng đều di tản sang ở tạm những nhà người quen. Hết bão lại lục tục kéo nhau về”. Xung quanh nhà anh có hàng trăm ngôi nhà cũng được dựng tạm bợ như vậy, chen chúc, nhếch nhác, mất vệ sinh và cũng phập phồng lo sợ mỗi khi mưa bão đến. Đứng trong ngôi nhà mới nhận, anh Trần Thêm loay hoay không biết phải bắt đầu kê dọn đồ đạc từ đâu. Chưa bao giờ anh lại nghĩ gia đình mình có được căn nhà đẹp đẽ, vững chắc như thế. Bây giờ, câu chuyện “bao giờ mới có cái nhà” đã lùi xa vào dĩ vãng.

Còn ông Lê Quyến, 75 tuổi, cho biết ông và gia đình đã tá túc trên nhà chồ hơn 40 năm. Cuộc sống ở nhà chồ ven biển cực khổ ra sao, lo nắng sợ mưa như thế nào ông cũng đều nếm trải. Ông tâm sự: “Gặp cảnh trẻ con, phụ nữ, người già nháo nhào chạy trú bão mới thấy thương hơn cho dân làng chài chúng tôi”. Những năm trước, nước sạch chưa có, bà con phải mua từng thùng với giá cắt cổ về dùng, nhưng phải tằn tiện. “Còn tắm rửa thì xuống dòng nước này”, ông Lê Quyến chỉ tay về phía những dòng nước đen ngòm chảy phía trước nhà.

Ước mơ của họ thành hiện thực khi tất cả những hộ nghèo được bố trí ở những khu nhà liền kế phía dưới chân cầu Thuận Phước. Anh Nguyễn Chinh, 43 tuổi, cứ líu ra líu ríu đôi chân, xúc động không nói nên lời. Cô bé Nguyễn Thị Oanh, con gái của anh, nắm tay mẹ hết đi lên nhà trên rồi đi xuống nhà bếp, miệng cười tươi với tất cả mọi người cho dù mới gặp lần đầu. Ở tuổi 13, bé Oanh cũng không ngờ gia đình mình sớm có một căn nhà khang trang như vậy. 

Từ chương trình vận động xây dựng nhà ở cho phụ nữ và trẻ em nghèo do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố phát động, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan (tổ 6, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) ngày nhận nhà mới đã vui mừng đến trào nước mắt. Người cha già, em gái và 2 con của chị Lan cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình lại có ngày được “sinh hoạt riêng tư” trong một căn nhà rộng 67m2 sạch sẽ, khang trang so với 16m2 nhà thuê trọ bao năm qua. Cầm giấy tờ nhà, hai chị em bà Lê Thị Thương và Lê Thị Hết (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) thẫn thờ như bước ra từ câu chuyện cổ tích. Đây là 3 hoàn cảnh của 126 gia đình phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh ở thành phố được giao nhà ở. “Dẫu đây không phải là nhà mà các chị được giao quyền sở hữu vĩnh viễn, nhưng lại là nơi mà các chị em nghèo có thể tự do cư trú để làm ăn, vun vén cho hạnh phúc của gia đình mình”, bà Nguyễn Thị Vân Lan - Chủ tịch Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố nói.

Triệu Văn Tùng

;
.
.
.
.
.