.

Những bệnh viện của lòng nhân ái

.
Cách đây đúng một năm, gia cảnh vợ chồng anh Huỳnh Văn Thọ, chị Phạm Thị Huệ, trú tại tổ 6, phường Bình Hiên, quận Hải Châu trở nên kiệt quệ khi hai vợ chồng cùng lâm trọng bệnh. Người chồng trong lúc hành nghề xe thồ bất ngờ bị tai nạn liệt nửa người, nhũn não. Không lâu sau, người vợ phát hiện bị ung thư cổ tử cung, phải phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u đang di căn. Trong quá trình điều trị bệnh, chị Huệ đã được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố hỗ trợ, giúp đỡ toàn bộ chi phí phẫu thuật, điều trị.

Mô tả ảnh.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến động viên các cán bộ, người lao động trên công trình Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng nhân dịp năm mới.
Những ngày gần đây, gặp lại chị Huệ, nhiều bác sĩ trực tiếp phẫu thuật vui mừng vì sức khỏe của chị đã được cải thiện đáng kể. Trái với những âu sầu khi chống lại căn bệnh ung thư quái ác, chị Huệ vẫn luôn giữ cho mình niềm tin vào cuộc sống, vào lòng nhân ái của xã hội dành cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn như chị.

Nếu không bây giờ thì bao giờ?

Tiến sĩ Phan Gia Anh Bảo - Giám đốc Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng: Những người phụ nữ thuộc diện nghèo khi đến bệnh viện chẩn đoán, điều trị phần lớn mắc những bệnh nan y như ung thư vú, ung thư cổ tử cung…, nếu không được hỗ trợ chi phí, chắc chắn việc điều trị của chị em là rất khó khăn.
Chị Huệ chỉ là một trong số nhiều hoàn cảnh khó khăn nhưng mang bệnh tật hiểm nghèo được Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố mà trực tiếp là Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời để điều trị bệnh. Bà Trần Thị Thanh Loan, trú tại phường An Mỹ, thành phố Tam Kỳ kể rằng, bà biết mình mắc bệnh ung thư vú mà không biết chạy chữa ở đâu để giữ lại mạng sống. Đi xa thì không đủ điều kiện kinh tế. Rất may là ở thành phố Đà Nẵng có một bệnh viện dành riêng cho phụ nữ, ở đó những người nghèo như bà Loan dù không phải là dân Đà Nẵng chính gốc cũng được hỗ trợ ít nhiều chi phí chữa bệnh.

Nhiều người từ phương xa khi đến Đà Nẵng đều cảm nhận về một thành phố trẻ, năng động với nhiều đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt, chính sách an sinh cho người dân đã và đang được nhiều địa phương khác học tập. Trong số những đột phá ấy, có những mô hình bệnh viện mà nghe ra thì chẳng giống ai, bởi không phải của tư nhân nhưng cũng chẳng phải từ sự đầu tư của Nhà nước. Đó là Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.

Những năm trước đây, người dân miền Trung, nhất là phụ nữ muốn tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung… không còn sự lựa chọn nào khác là phải khăn gói đi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để chẩn đoán, điều trị. Nỗi day dứt là biết mình mắc bệnh mà không có điều kiện chữa chạy thì sống cũng như chết. Càng khổ hơn khi cứ vài tuần đến 1 tháng phải di chuyển xa để tiến hành xạ trị, theo dõi khối u ác tính… Đó là chưa kể những hoàn cảnh gia đình nghèo khó, đành chịu “sống chung” với bệnh suốt đời.
 
Và, trong suy nghĩ của nhiều người, có một trung tâm điều trị bệnh ung thư cho phụ nữ tại Đà Nẵng là điều cần thiết và cần phải thực hiện sớm, vì nếu phát hiện mình mắc bệnh sớm chừng nào thì hy vọng khả năng điều trị lành bệnh cũng sớm chừng ấy. Nhưng lấy đâu ra hàng trăm tỷ đề để xây dựng cơ sở, đầu tư trang thiết bị để hình thành một bệnh viện hiện đại. Những vất vả của người nghèo bị bạo bệnh luôn được lãnh đạo thành phố chia sẻ, thấu hiểu. Người nghèo đã khổ, nhưng người nghèo bị bệnh càng cực khổ hơn. Thế là một bệnh viện dành cho phụ nữ nghèo hình thành trong ý nghĩ và chỉ mấy năm sau thành hiện thực.

Với sự chung tay đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và cả những người dân có điều kiện kinh tế, ngày 2-9-2009, Bệnh viện Phụ nữ thành phố chính thức đi vào hoạt động trong niềm tự hào của người dân thành phố biển. Có thể nói, Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng là bệnh viện duy nhất hiện nay trên cả nước không phải là bệnh viện công mà cũng chẳng phải bệnh viện tư. Đây cũng là bệnh viện đã phát huy được chính sách xã hội hóa y tế dựa vào các tổ chức xã hội. Ở Đà Nẵng, tổ chức xã hội đó chính là “Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh” của thành phố.

Chữa bệnh tật để xóa nghèo

Mô tả ảnh.
Chị Phạm Thị Huệ đã chiến thắng căn bệnh hiểm nghèo nhờ sự hỗ trợ đắc lực của các bác sĩ Bệnh viện Phụ nữ Đà Nẵng.
Thời gian đầu, không ít người cho rằng, vận động những 850 tỷ đồng (hai giai đoạn) để xây dựng một bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc tế là điều khó có thể thực hiện được. Khó là điều đương nhiên, nhưng không phải không có cách làm sáng tạo để cho nhiều tổ chức, cá nhân quyết định ủng hộ hàng tỷ đồng cho một công trình mang nhiều ý nghĩa xã hội như Bệnh viện Ung thư. Thực tế, khi các nhà đầu tư đến Đà Nẵng, họ cũng được giới thiệu về một công trình quy mô và mang tầm khu vực nên đã không ngần ngại đóng góp kinh phí để cùng với chính quyền, nhân dân thành phố chung tay lo cho những người không may mắn khi mang bệnh tật. Sự có mặt của bệnh viện chuyên ngành quy mô sẽ tạo ra nhiều thuận lợi: Tạo điều kiện cho bệnh nhân ung thư được điều trị tại chỗ, chăm sóc tại chỗ, giảm khoảng 1/3 chi phí điều trị bệnh do giảm các chi phí vận chuyển, ăn ở, công ăn việc làm của người nhà bệnh nhân đi theo phục vụ...

 Theo ước tính, từ sau năm 2010, mỗi năm thành phố sẽ có thêm 1.400 - 1.800 trường hợp bị bệnh ung thư mới mắc. Con số này cộng với số bệnh nhân cần chữa trị trong các năm trước sẽ nâng lên hơn 3.000 ca. Đó là chưa kể số bệnh nhân đến từ các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và các tỉnh Tây Nguyên.
Sự ra đời một bệnh viện ung thư như thế không những đáp ứng nhu cầu điều trị mà còn đậm tình người. Điều này càng ý nghĩa hơn đối với mảnh đất miền Trung bao đời nay khốn khó, luôn phải chống chọi với thiên tai, địch họa. Điều đáng mừng là từ khi phát động đến nay, Ban tiếp nhận đã tiếp nhận hơn 400 tỷ đồng tài trợ xây dựng bệnh viện, từ nhiều nguồn, nhiều thành phần ở khắp nơi cả trong nước và nước ngoài. Có người đóng góp hàng tỷ đồng nhưng không muốn nêu danh. 

Với mục đích hoạt động từ thiện, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng dự kiến đưa vào hoạt động vào năm 2012 sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ bệnh nhân ung thư, nhất là bệnh nhân ung thư nghèo. Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng ra đời, không chỉ giảm gánh nặng quá tải cho ngành y tế mà là mong muốn thiết tha của các bệnh nhân ung thư. 

Bây giờ, chuyện những bệnh viện không giống ai được người dân thành phố Đà Nẵng tự hào mang “thương hiệu Đà Nẵng” vì trên hết, đây là ý nguyện của lãnh đạo thành phố mong muốn mang lại cuộc sống tốt nhất cho người dân. Và chuyện xóa nghèo ở thành phố Đà Nẵng cũng sẽ được nhắc đến bằng việc xóa bệnh tật trước, tức là bảo đảm sức khỏe để làm việc, rồi từ đó mới đến xóa nghèo một cách bền vững nhất. Bởi xã hội phồn vinh trước hết phải là xã hội của những người luôn có niềm tin vào cuộc sống. Đó là mong mỏi của gần 900 ngàn người dân thành phố và cũng là ước muốn chung của người dân Việt Nam.

Việt Dũng                                                                                               
;
.
.
.
.
.