Euro 2012 và giấc mơ thành hiện thực
Cập nhật lúc 07:48, Thứ Hai, 02/07/2012 (GMT+7)

Trước khi trận tứ kết Euro 2012 Anh - Italia, cùng với những lá cờ của 2 quốc gia này, Kiev còn rực rỡ với màu xanh và vàng của quốc kỳ Kazakhstan; các màu đỏ, trắng và xanh của quốc kỳ Nga hay màu xanh, đỏ và xanh lá cây của quốc kỳ Azerbaijan.

Với những người hâm mộ Ukraine, Euro 2012 là một ngày hội thật sự dù đội chủ nhà đã sớm chia tay giải đấu.
Với những người hâm mộ Ukraine, Euro 2012 là một ngày hội thật sự dù đội chủ nhà đã sớm chia tay giải đấu.

Những lá cờ được người hâm mộ phủ lên mình trong sân vận động Olympic tại Kiev đã chứng minh rằng, khi tổ chức Euro 2012, UEFA đã đạt được mục đích khi đưa bóng đá tiến về phía Đông Âu: mang các trận đấu đến những quốc gia mà ở đó bóng đá chưa có tầm ảnh hưởng mạnh.

Người hâm mộ Tây Âu đến với Euro 2012 ít hơn so với các Euro khác; cơ bản do khoảng cách địa lý, chi phí đi lại và những khó khăn trong việc tìm chỗ ở; cùng với việc một số phương tiện truyền thông đã thổi phồng về nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực ở 2 quốc gia đồng chủ nhà. Nhưng bù vào đó, lượng lớn người hâm mộ khác vẫn tiếp tục đổ về xem các trận đấu, mặc dù đội chủ nhà Ukraine và người láng giềng Nga đều đã bị loại.

Trước khi vòng bán kết diễn ra, ông Denis Ivanov - một du khách từ Mátxcơva cùng hai người bạn đến Ukraine dự xem giải đấu - cho biết: “Bây giờ, chúng tôi đang rất nóng lòng để có được những chiếc vé xem bóng đá.

Khi UEFA trao cho Ba Lan và Ukraine quyền đồng đăng cai tổ chức Euro 2012, tổ chức lãnh đạo bóng đá châu Âu đã đề ra mục tiêu giúp bóng đá phát triển vững chắc hơn ở Đông Âu - nơi mà các nền kinh tế đang bùng nổ mạnh mẽ.

Đã có những lo ngại về việc giải đấu sẽ mất đi sức hấp dẫn khi cả hai đội đồng chủ nhà đều bị loại khá sớm. Tuy nhiên, trong các trận đấu còn lại, sân vận động vẫn không thiếu những màu vàng - xanh từ hàng trăm người hâm mộ Ukraine. Trước khi các trận đấu bắt đầu, trên các khán đài vẫn vọng những tiếng hò reo: “Ukraiyina Ukrayina!”.

Ngay tại Kiev, bất chấp việc đội chủ nhà đã bị loại, rất đông các cổ động viên Ukraine vẫn mặc những chiếc áo đấu của Anh hoặc mang những lá cờ với chữ thập đỏ trên nền trắng, biểu tượng của Thánh George; mặc dù “Tam Sư” cũng đã chính thức bị loại từ vòng tứ kết. Một fan khác lại mặc chiếc áo đấu của CLB AC Milan với cái tên của ngôi sao Ukraine Andriy Shevchenko được in phía sau.

Taras Stepchuk (người Ukraine) mặc chiếc áo tuyển Anh, rời sân trong thất vọng khi đội tuyển này bị loại khỏi vòng bán kết ngay trên chấm phạt đền, trong trận đấu với Italia. Tuy nhiên, Stepchuk đã rất hạnh phúc khi tận mắt nhìn thấy cầu thủ yêu thích của mình là John Terry: “Tôi yêu thích John Terry và tôi cũng chơi bóng đá ở vị trí hậu vệ”. Stepchuk cũng cho rằng, việc Ukraine bị loại không quan trọng lắm với anh. Quan trọng nhất vẫn là việc anh có cơ hội dự khán những trận đấu hay nhất của châu Âu. “Tôi thích được xem bóng đá”, anh cho biết.

Đông Âu hiếm có cơ hội được xem các giải đấu lớn kể từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã. Mátxcơva chỉ một lần tổ chức trận chung kết UEFA Champions League vào năm 2008 trong khi từ đó đến nay, chỉ có 2 CLB bóng đá Đông Âu giành được Cúp châu Âu UEFA Cup là Zenit St Petersburg (Nga) vào năm 2008 và Shakhtar Donetsk (Ukraine) năm 2009.

Euro 2012 là sự kiện thể thao lần đầu tiên được tổ chức trong một quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ, trước khi một loạt sự kiện lớn cũng sẽ tiếp tục được tổ chức. Đáng kể là Olympic mùa Đông tại Sochi (Nga) vào năm 2014 và World Cup cũng diễn ra ở Nga vào năm 2018.

Một fan người Nga là Kusik hân hoan: “Trước tiên, chúng tôi có Olympic mùa Đông Sochi và sau đó là những ngày lễ hội của World Cup 2018. Bây giờ, chúng tôi sẽ được nếm trải cảm giác thú vị đó”…

NGUYÊN AN
 

.
.
.