Làng quần vợt Anh Quốc bây giờ không khác gì một ngày hội lớn mặc dù những kết quả cuối cùng của Wimbledon 2012 vẫn chưa ngã ngũ. Bởi vì Andy Murray vừa mới phá dớp lịch sử thành công sau 74 năm cho đất nước anh khi lọt vào chơi trận chung kết đơn nam diễn ra tối nay với Roger Federer kể từ thời của Henry Wilfred “Bunny’’ Austin.
Murray phải đánh bại Fed Federer để tiến vào lịch sử - Ảnh: Getty |
Chưa đăng quang, cũng chưa một lần nềm mùi vị ngọt ngào của việc giành 1 danh hiệu Grand Slam, song Murray đã đi vào lịch sử quần vợt Anh Quốc khi trở thành tay vợt đầu tiên kể từ năm 1938 có được tấm vé tham dự trận chung kết Wimbledon sau khi đánh bại đối thủ người Pháp Jo-Wilfried Tsonga 3-1 với tỷ số các set 6-3, 6-4, 3-6, 7-5.
Tsonga đã thua về mọi mặt: tâm lý, bản lĩnh thi đấu, thể lực và cả lối chơi. Murray tiếp tục thể hiện khả năng phòng thủ đáng ngưỡng mộ, thứ luôn giúp anh có được nhận xét của giới chuyên môn là "một trong những tay vợt có nhãn quan chiến thuật tốt nhất trong lịch sử". Những cú trái tay, điểm yếu của Murray cũng được cải thiện đáng kể. Anh giao bóng tốt hơn với tỷ lệ thành công ở lần giao bóng 1 là 78%. Để gỡ 1-2 ở set đấu thứ 3 và phải chống đỡ những pha phản công đầy quyết tâm của Tsonga ở set quyết định nhưng Murray vẫn chơi rất tập trung và giành được điểm break quan trọng ở game thứ 11 trước khi kết thúc với tỷ số 7-5.
Khi Novak Djokovic và Rafael Nadal đều đã bị loại, mọi con mắt lại đổ dồn về Federer, Murray, 2 con người đang đi trên 2 quãng đường rất khác nhau. Một người đã có tất cả những gì mà mọi tay vợt khác đều khao khát, đã là người đàn ông của gia đình nắm trong tay mọi đỉnh cao sự nghiệp. Một người vẫn "phòng không", vẫn mải mê tìm kiếm những vinh quang của tuổi trẻ, những đỉnh cao chói lòa nhất mà anh chưa từng một lần chạm đến. Một người đã 8 lần vào chơi chung kết Wimbledon, còn người kia mới lần đầu tiên được hét lên sung sướng vì vinh dự ấy.
Người Anh cuối cùng lên ngôi vô địch Wimbledon Fred Perry đã không còn sống để mang tới cho Murray những lời khuyên hay kinh nghiệm chơi trong 1 trận chung kết. Đối thủ của anh lại là người quá "nhãn mặt" với sân đấu này, một người đang là huyền thoại sống của quần vợt thế giới và đang là chủ nhân của biết bao giai thoại đẹp đẽ nhất. Murray có cơ hội hay không?
Trong suốt 74 năm qua, người hâm mộ nước Anh lần lượt hứng chịu những thất bại cay đắng của tới 11 "đứa con cưng" không thể nào vượt qua bán kết tại sân đấu quê hương họ. 74 năm ấy, quần vợt thế giới đã có biết bao chuyển biến, nhiều thế hệ tay vợt đã cống hiến rồi giã từ, 1 phần 7 thời gian ấy Roger Federer đã làm mưa làm gió trên mọi mặt trận với 16 danh hiệu Grand Slam trong đó có tới 6 chức vô địch Wimbledon. Hay cả những Rafael Nadal, Novak Djokovic, các tay vợt có mặt trong tốp 4 đều đã trải qua đỉnh vinh quang ở All England Club. Nhưng tại sao luôn là người Anh, những chủ nhân thực sự của giải đấu này? Tại sao không phải là Murray, tài năng lớn nhất họ có được gần một thế kỷ qua?
Những câu hỏi ấy vẫn đang cần một đáp án chung mà tối nay Murray sẽ cho họ câu trả lời. Hoặc là những điệp khúc chán nản quen thuộc, hoặc là lần đầu tiên "Nước Anh trọn niềm vui". Nhưng dù thế nào, thì đây là lúc mà xứ sở sương mù và "đứa con cưng" Andy Murray của họ cần phải vui cái đã, vì cuối cùng 74 năm ấy đã trở thành con số 0. Nữ hoàng Anh Elizabeth cho biết bà sẽ tới xem trận đấu này để khích lệ tinh thần cho Murray. Thời khắc này đang ủng hộ Murray, yếu tố con người và sân nhà vừa là áp lực nhưng cũng là động lực to lớn dành cho anh. Bao nhiêu năm qua, Murray vẫn chưa thể nào thoát nổi cụm từ "tiềm năng", đây là cơ hội lớn để anh chứng tỏ mình hoàn toàn có thể làm nên lịch sử, đã đến lúc "lớn" rồi, Murray!
TT&VH