.
Trưởng bộ môn Quần vợt (Tổng cục Thể dục thể thao) Đoàn Quốc Cường:

Đà Nẵng đã làm tốt vai trò chủ nhà

.

Khởi tranh từ ngày 27-7, giải Quần vợt U-18 quốc tế nhóm 5 đã kết thúc tốt đẹp vào chiều 2-8 tại Làng Thể thao Tuyên Sơn. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Đoàn Quốc Cường, Trưởng bộ môn quần vợt (Tổng cục Thể dục thể thao) đã đánh giá khá tốt về vai trò chủ nhà của Đà Nẵng.

Sự nỗ lực của Đà Nẵng đã giúp các VĐV có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, góp phần vào thành công chung của giải Quần vợt U-18 quốc tế nhóm 5.	                                      Ảnh: BẢO AN
Sự nỗ lực của Đà Nẵng đã giúp các VĐV có điều kiện chuẩn bị tốt nhất, góp phần vào thành công chung của giải Quần vợt U-18 quốc tế nhóm 5. Ảnh: BẢO AN

Ông Đoàn Quốc Cường cho biết:

- Bất chấp những khó khăn khách quan, cả về hệ thống sân bãi lẫn lý do thời tiết, Đà Nẵng đã làm tương đối tốt vai trò của đơn vị đăng cai giải ITF Junior 2015. Liên đoàn Quần vợt Đà Nẵng đã hết sức linh động khi nhờ sự hỗ trợ của một số đơn vị có quan hệ, giúp đỡ sân tập.

Nhờ đó, hầu hết VĐV tham gia tranh tài đều có sự chuẩn bị rất tốt trước khi bước vào thi đấu, góp phần vào thành công chung của giải. Mặt khác, Đà Nẵng khá chu toàn khi tổ chức các chuyến xe đưa đón VĐV, từ nơi ở đến sân tập, sân thi đấu cũng như ngược lại.

Nếu so với thành phố Hồ Chí Minh, vốn thường xuyên tổ chức các giải đấu quốc tế, Đà Nẵng vẫn được đánh giá cao hơn, dù chỉ mới lần đầu tổ chức một giải đấu quốc tế. Chính sự chu đáo ấy đã được Tổng trọng tài (Liên đoàn Quần vợt quốc tế) thừa nhận trong đánh giá chung về giải.

* Như thế, để có thể tiếp tục được đăng cai các giải quần vợt quốc tế, Đà Nẵng cần cải thiện những gì, thưa ông?

- Cơ sở vật chất, cụ thể là hệ thống sân bãi, chính là mối quan tâm lớn nhất của những nhà tổ chức. Chẳng hạn, Bình Dương có một cụm gồm 9 sân thi đấu, trong đó có 4 sân có mái che. Không những thế, sân trung tâm còn phải có khán đài để có thể đáp ứng tốt yêu cầu thưởng thức của người hâm mộ.

Tận dụng không gian bên dưới khán đài, có thể xây dựng các phòng chức năng như văn phòng của Liên đoàn Quần vợt địa phương, phòng chuyên môn phục vụ kỹ thuật, phòng dành cho Tổng trọng tài, phòng dành cho VĐV nghỉ ngơi trước và sau giờ thi đấu.

Trong khi đó, Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được điều này. Dù sân trung tâm có khán đài nhưng vẫn chưa đáp ứng được chỗ ngồi đủ cho các khán giả. Chưa kể đến việc do chưa có các phòng chức năng nên từ Tổng trọng tài cho đến các VĐV lẫn thành viên Ban tổ chức cứ phải… vật vạ trong suốt thời gian diễn ra giải.

Dĩ nhiên Liên đoàn Quần vợt thế giới lẫn Liên đoàn Quần vợt Việt Nam hoàn toàn thông cảm và chia sẻ với những khó khăn, bất cập của Liên đoàn Quần vợt Đà Nẵng. Song, điều đó không có nghĩa chúng ta cứ mãi xuê xoa cho nhau khi yêu cầu ngày càng cao và thể thao ngày càng phát triển.

Vì thế, Đà Nẵng rất cần bảo đảm hệ thống sân bãi cũng như một số cơ sở vật chất khác để có nhiều cơ hội hơn trong việc đăng cai các giải quần vợt quốc tế, cũng như tạo nền tảng để Quần vợt Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai…

NGUYÊN AN thực hiện

;
.
.
.
.
.