.

Kể chuyện Lộc Yên

.

Lộc Yên, nay thuộc xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, không những nổi tiếng với những ngôi nhà cổ có lịch sử ra đời đã hàng trăm năm, những ngõ đá kỳ thú, đường làng ngoằn ngoèo, quanh co, lên lên xuống xuống, mà trong ký ức dân gian còn lưu lại một số câu chuyện kể khá thú vị…

Phong cảnh làng Lộc Yên.
Phong cảnh làng Lộc Yên.

1. Ở Lộc Yên, tộc Nguyễn Công, đứng đầu là ông Nguyễn Công Tiết, được xem là tộc tiền hiền vì đã có công đặt chân đầu tiên lên khai phá vùng đất này. Đến lập nghiệp đầu tiên, ông Nguyễn Công Tiết cũng là người giàu nhất của làng Lộc Yên xưa.

Có một chi tiết khá đặc biệt là ở làng Lộc Yên, đàn ông dù giàu có cũng không ai ra đứng bộ. Nghĩa là khi mua ruộng đất, tất cả đều đứng tên vợ. Chồng coi như… không có. Giải thích hiện tượng khá kỳ thú này, dân làng khẳng định rằng xưa các bậc tiền hiền đến Lộc Yên là để trốn lính, như tiền hiền tộc Nguyễn Công từng trốn chủ trương “tam đinh thủ nhất” (ba người chọn một) của nhà nước phong kiến bấy giờ. Đó là lý do khiến nhiều cánh đồng ở Lộc Yên đều mang tên các bà như đồng Bà Liễn, đồng Bà Tự, đồng Bà Chức, đồng Bà Kiền, đồng Bà Điểm, đồng Bà Voi, đồng Bà Phước... Dĩ nhiên, không có cánh đồng nào mang tên ông cả!

2. Hồi nửa đầu thế kỷ XX trở về trước, Lộc Yên cũng như các làng xã ở Tiên Phước là vùng đồi núi, cây cối rậm rạp, không chỉ cọp nhiều mà cũng không hiếm các loại thú khác như heo, nai, mang... nên ngoài việc đồng áng, người dân địa phương còn tổ chức đi săn bắt. Thường thường, những người đi săn hầu hết đều là những gia đình tương đối khá giả. Trong đó, săn giỏi nhất ở Lộc Yên là ông Cửu Dung. Ông này tên thật là Nguyễn Đình Dung nhưng gọi thế vì được phong cửu phẩm. Ngoài ông Cửu Dung còn có nhiều người khác như các ông Trác, ông Sáu Ngô...

Dụng cụ đi săn có lưới, giáo và chó săn. Tùy theo điều kiện kinh tế gia đình mà người ta nuôi chó săn, đan lưới săn hay đơn giản chỉ sắm mỗi cây giáo. Tương truyền, do nhà quá giàu nên ông Cửu Dung nuôi đến vài chục con chó săn. Phổ biến nhất vài ba con. Nghèo quá, chỉ cần sắm mỗi cây giáo cũng có thể tham gia vào “đội quân” săn bắt được. Lưới săn hồi ấy đan bằng cây gai. Bấy giờ, chuyện sở hữu một tấm lưới săn xem ra rất kỳ công. Do kinh tế gần như “tự cung tự cấp” nên muốn đan  lưới, trước hết bà con phải… tự trồng cây gai rồi tự đan.

Địa điểm săn thường là ở núi Đá Vàng. Thỉnh thoảng, khi “nổi máu nghề nghiệp”, họ còn tổ chức đi săn ở Trà My, địa danh mà nhiều người cho rằng là nơi rừng thiêng nước độc. Mỗi lần đi Trà My phải mất một tuần, ít nhất cũng ba, bốn ngày. Khi heo mắc lưới, người ta dùng giáo đâm. Heo nhỏ cũng đâm. Còn heo con mà gặp chó, chó sẽ lao vào xé xác mà ăn. Đi xa nên lúc săn được heo nhỏ, họ mổ ăn tại chỗ. Săn được heo lớn, mới khiêng về chia. Cách chia khá đặc biệt. Phần mông heo này dành cho… chủ có chó săn. Phần mông bên kia dành cho chủ có lưới săn. Người đi săn đầu tiên trực tiếp dùng giáo đâm heo, gọi là giáo tiên, ăn nọng. Người đi săn thứ hai cũng dùng giáo đâm tiếp, gọi là giáo nhì, ăn cái thăn heo. Chủ nhà, ý chỉ người tổ chức đi săn, ăn bộ xương heo… Nói chung, chuyện ăn chia khá phức tạp, tỉ mỉ. Và, mỗi nơi, mỗi hội săn đều có cách chia khác nhau tí chút, nhưng về cơ bản hễ ai có nhiều chó săn, lưới săn được nhiều hơn. Đầu heo thì nấu cháo ăn chung. Trước khi ăn cháo, người ta cũng tổ chức cúng sơn lâm, ngay trước nhà gia chủ.

3. Ở Lộc Yên, thời trước, bên cạnh việc săn bắt heo rừng, mang, nai… lại có người chuyên đi bẫy cọp và bẫy cọp có tiếng. Đó là ông Trần Thiêng, cha ruột của ông Trần Hòe. Để bẫy cọp, ông chọn nơi cọp hay qua lại kiếm mồi làm một cái bẫy. Vật liệu làm bẫy chủ yếu cây gỗ, đá… có sẵn trong rừng. Mồi nhử cọp là chó, đặt trong bẫy. Chó sủa, dụ cọp đến. Cọp mò vào, làm sụp bẫy, nhốt lại. Công việc của ông lúc bấy giờ đơn giản là giết cọp, thu “chiến lợi phẩm”. Ông thường bẫy cọp ở tận vùng đất Trà My.

Tương truyền, ông bẫy được tổng cộng… 21 con cọp. Và, nhiều người còn kháo nhau rằng, nhờ bẫy được 21 con nên ông tổ chức hai lần hát bội. Theo phong tục, cứ bắt được 12 con, tức một chục, bất cứ là con gì, từ heo đến mang hay nai, người ta phải tổ chức cúng sơn lâm một lần, gọi là tạ ơn thần núi. Ông Trần Thiêng cũng không là ngoại lệ. Thế nhưng, ngoài việc tổ chức cúng sơn lâm, ông còn mời gánh hát bội đến hát để bà con xem chơi. Đủ biết, thu nhập từ nghề… bẫy cọp của ông không tồi, nếu không nói là khấm khá.

Lần một, bẫy đủ 12 con, ông tổ chức cúng sơn lâm và mời gánh hát đến biểu diễn. Lần thứ hai, bẫy mới 9 con, ông cũng tổ chức cúng sơn lâm và mời gánh hát. Ông không đợi đủ 12 con vì ông giải nghệ, không làm bẫy bắt cọp nữa. Đó là vào khoảng cuối thập kỷ 1950. Người ta bảo có lẽ nguyên nhân khiến ông giải nghệ vì ông “sát sinh” nhiều quá, đâm ra sợ, nên quyết tâm bỏ nghề…

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.