.

Lễ cúng thần núi làng Nghi Sơn

.

Miếu Rừng hay miếu Rừng Cấm là tên gọi của một miếu thờ ở khu rừng làng Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cũng như nhiều nơi khác, rừng cấm và miếu thờ là những câu chuyện tâm linh mang ý nghĩa tích cực cần phát huy.

Đình tiền hiền làng Nghi Sơn.
Đình tiền hiền làng Nghi Sơn.

Miếu thờ nằm ở bìa rừng, cạnh đường mòn dẫn vào khu rừng rộng khoảng 10ha. Miếu có từ thời cha ông dựng ấp lập làng, đơn thuần chỉ để thờ thần rừng. Chiến tranh đi qua, ngôi miếu bây giờ chỉ còn lại nền và những viên đá kê cột bằng sa thạch. Tại đây diễn ra lễ Khai sơn - lễ cúng thần núi hằng năm trước khi đi vào làm nghề săn bắt, hái lượm của những cư dân vùng trung du và miền núi.

Điều chưa từng phổ biến ở các lễ Khai sơn và giỗ tổ đình làng ở Nghi Sơn là những người được dân làng tin tưởng và tôn kính cử vào trong ban tế lễ, gồm: 1 chánh bái, 1 xướng, 1 văn, 2 người chiêng trống, 2 tiếp phẩm (rượu, trà...); tổng cộng 7 người. Ngày trước, họ phải ăn chay ba tháng (tính đến ngày lễ hội), nay giảm xuống còn 10 ngày, không vướng điều trần tục, nếu phạm phải thì báo để làng cử người thay thế.

Trước khi đi vào lễ và hội, dân làng tề tựu về rừng miếu để làm lễ Rước vong, có lọng, kiệu, cờ xí, chiêng trống... Ngày nay vì điều kiện kinh tế, lễ hội Khai sơn và giỗ tiền hiền làng mỗi năm tổ chức một lần, nhưng rước vong thì 3 năm diễn ra một lần.

Bàn tế lễ được đặt trước sân đình gần đó. Bàn cúng thành hoàng có hoa quả, heo gà...; riêng bàn cúng Khai sơn là đồ chay, gồm hoa quả, bánh, đường bát… Sau phần lễ là hội, ngày trước có hát bội, hò khoan đối đáp, các trò chơi dân gian, nay thu hẹp lại.

Như trên đã nói, rừng miếu và lễ Khai sơn có lắm điều huyền bí về những câu chuyện tâm linh mà cư dân nơi đây đã bao đời truyền lại. Trước hết nói về những quy định trước đây và dần dần trở thành hương ước của làng. Không một ai được vào rừng đốn củi, đốt than, nếu vào sẽ bị thần núi quở phạt, đau ốm, riêng với làng nếu nhẹ sẽ bị cảnh cáo, nặng thì đánh đòn roi, nghiêm trọng thì đuổi khỏi làng. Hình thức ấy tuy không tồn tại trong đời sống hiện tại, nhưng cũng xuất phát từ đó mà làng có những quy định bảo vệ rừng theo luật pháp hiện hành và đã được người dân nơi đây chấp hành triệt để.

Lại nữa, khi chưa làm lễ Khai sơn, thì mọi người dân không được vào rừng, vì theo quan niệm từ xưa chưa làm lễ Khai sơn, xin thần núi thì không được vào rừng, nếu không sẽ bị thần linh quở trách, bị tai nạn hoặc đau ốm.

Một vài câu chuyện thời nay mà nhân dân nơi đây vẫn còn lưu truyền về tâm linh của ngôi miếu và đình tiền hiền.

Chuyện là, Nghi Sơn, nơi giáp với Hòn Tàu, căn cứ địa của cách mạng của xã và cả Khu V. Đây được xem là đại bản doanh của Đặc Khu ủy Quảng Đà và Mặt trận 4; thế nên, địch thường xuyên tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, kể cả dùng phi pháo để tàn phá địa phương này, nhất là khu rừng cấm, vì địch cho đây là nơi trú quân của cách mạng.

Vào một chiều hè, địch xua quân vào rừng, châm lửa định thiêu trụi cánh rừng, nhưng vừa Khai hỏa, trời đang nắng, bỗng sấm sét, mây đen kéo đến, mưa ập xuống, bọn địch hoảng sợ chạy tán loạn. Lần khác, một đoàn cải lương đến hát cho dân làng xem, vô tình người điều khiển kỹ thuật đưa máy phát điện đặt vào hiên đình tiền hiền, máy không nổ. Ông cụ trong làng bảo rằng nơi ấy là chỗ linh thiêng, đem ra ngoài sẽ nổ, quả nhiên khi chuyển ra ngoài thì máy phát nổ và buổi biểu diễn tiến hành đúng theo ý nguyện.

Những huyền thoại về khu Rừng Cấm, miếu thờ và những lai lịch về cội nguồn của những tiền nhân có công lập ấp giữ làng đang được một người giáo làng là thầy Đinh Hữu Năm sưu tầm, với ước mong là sẽ cho ra đời một cuốn sử làng để truyền lại cho con cháu về những đức tính cao đẹp của tiền nhân trong việc bảo vệ rừng.

Huyền thoại về rừng miếu tuy mang yếu tố tâm linh, nhưng chứa đựng yếu tố tích cực, nhằm giúp người dân nơi đây ý thức được việc chăm sóc và bảo vệ rừng như là giữ được cái hồn của tiền nhân. Nên chăng tại mảnh đất khu miếu thờ, nơi còn có những phiến sa thạch, dân làng phục dựng lại miếu thờ để tôn thêm phần tôn kính tiền nhân và nhắc nhở con cháu trong việc gìn giữ vốn quý mà tiền nhân giao lại cho thế hệ hôm nay, làm hành trang tiếp bước trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương, trước tiên là bảo vệ khu rừng xanh bạt ngàn, bảo vệ nguồn nước cho làng.

PHẠM VĂN BÍNH

;
.
.
.
.
.