.

Miếu cổ giữa làng chài

.

Có một ngôi miếu cổ nằm giữa làng chài Nam Ô, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, mấy năm trở lại đây có một số bài báo cho rằng đây là miếu Công chúa Huyền Trân được dân làng lập ra thờ vọng. Thật ra, theo cụ Huỳnh Diễn đã ngoài 80 tuổi - người đã nhiều năm chăm lo công việc tế lễ đình làng, thì miếu này dân làng từ lâu đã quen gọi là miếu Bà Bô Bô.

Ngôi miếu sắp sửa sụp đổ...
Ngôi miếu sắp sửa sụp đổ...

Thoạt nhìn miếu, ta phải xuýt xoa mà thốt lên: Không có di tích nào trong vùng còn lại cổ hơn! Miếu nhỏ, một gian hai chái, mái lợp ngói âm dương, mái trước chái bên đã sạt ngói qua mấy trận mưa bão mấy năm qua, trơ sườn rui mè dưới nắng mưa.

Một miếu với ba làng

Bên trong miếu, trên đòn đông có dòng chữ Hán: “Tuế thứ Ất Tỵ niên, quý bách tải, cát nhật, cải tạo linh miếu, Sửu khắc thượng lương” (Năm Ất Tỵ, ngày lành trăm năm trước, cải tạo linh miếu, giờ sửu thượng lương). Mặt trước trính có 8 dòng chữ Hán, mỗi dòng 3 chữ khắc đứng: Tự Đức thập lục niên tuế thứ Quý Hợi, thập nguyệt kiến Quý Hợi sơ thập nhựt Quý Hợi Xuân Thiều xã phụng tạo”. Nghĩa là: Tự Đức thứ 16 năm Quý Hợi (1863 - NV) tháng 10 ngày 10 làng Xuân Thiều  phụng tạo.

Về 2 lưu khắc này, mười năm trước cụ Đinh Ngọc Hoàng (tục gọi cụ Sáu Hào) nay đã qua đời, lúc đó tuy đã hơn 90 tuổi nhưng rất minh mẫn đã giảng: “Nếu Ất Tỵ là năm 1845 thì đến năm phụng tạo Quý Hợi (1863) chỉ mới 18 năm, không thể xem là bách tải (trăm năm). Trăm năm trước theo lịch can chi phải là Ất Tỵ (1785). Rõ ràng miếu này được cải tạo rất cổ! Còn xã Xuân Thiều lập miếu trên đất làng Xuân Dương sao lại gọi là miếu Bà Bô Bô Hóa Ổ? Câu hỏi này được cụ kéo theo một chuyện xưa để giải thích thú vị.

Nguyên 3 làng Nam Ô, Xuân Thiều, Xuân Dương thời xưa vốn là một làng liền cõi có tên gọi là Hoa Ổ - Xuân Sơn; có đình chung, miếu chung thờ thần, chùa chung thờ Phật (hiện còn ngôi chùa cổ mang tên là Hoa Sơn Tự). Theo “Hoa Ổ xã địa bộ” (hiện còn lưu giữ), năm Minh Mệnh thứ 12 đã chia thành 2 làng theo nghề nghiệp biển, nông. Ngoài đồng lúa, biển cá cho mỗi bên thuận nghề, trên đất bằng mỗi làng được chia một hòn núi. Làng Hoa Ổ, sau đổi thành Hóa Ổ nay là Nam Ô, quản núi gành Hóa Ổ và rừng ngập mặn (quen gọi Bần Giá) bên bờ tây sông Hoa Ô có nhiều tôm cá để cải thiện trong những ngày biển động. Làng Xuân Sơn, sau đó đổi tên thành làng Xuân Thiều, quản núi Xuân Sơn để khai thác đá tăng thu nhập cho những ngày nông nhàn. Điều ấy giải thích cho các thế hệ đời sau biết vì sao núi Xuân Thiều lại ở giữa làng Nam Ô và rừng Giá Bần ngập mặn Nam Ô lại nằm trên đất Nà Xuân Thiều.

Miếu cổ nói trên ban đầu nằm phía đông núi Xuân Sơn trên địa phận làng Xuân Thiều, cả hai làng Xuân Thiều và Nam Ô cùng chăm lo việc tế tự xuân thu nhị kỳ. Đến năm Tự Đức thứ mười sáu (1863), như đã nói ở trên, làng Xuân Thiều bỏ công trùng tu phụng tạo cùng lúc dời mộ âm linh xây dựng miếu thờ nhằm xác lập chủ quyền trên phần đất được chia.

Khi người Pháp làm đường sắt xuyên Việt vào đầu thế kỷ XX, một số người dân làng Xuân Thiều chuyển sang khai thác đá ở núi Xuân Sơn để cung cấp cho đại công trình này. Họ che lều, dựng nhà quanh núi để tiện cho công việc, hình thành xóm thợ đá trên 50 hộ dân, đủ để xin lập xã hiệu mới là Xuân Dương chia tách từ làng mẹ vào năm Bảo Đại thứ bảy (1932).

Vậy là miếu thờ nằm trên đất làng Xuân Dương hiện nay, từng được làng Xuân Thiều phụng tạo, nhưng lại nằm giữa khu dân cư làng chài Nam Ô.

và các bài vị vẫn còn nguyên vẹn bên trong. Ảnh: V.T.L
...và các bài vị vẫn còn nguyên vẹn bên trong. Ảnh: V.T.L

“Vẫn nguyên miếu thờ”

Ngôi miếu cổ đã tồn tại trên 150 năm kể từ lần tôn tạo sau cùng, hiện vẫn còn nguyên 6 sắc phong quý giá từ triều Nguyễn. Cách thờ thể hiện tính cộng cư của hai dân tộc Chăm - Việt trên vùng đất còn lưu giữ nhiều vật thể và văn hóa tín ngưỡng mang yếu tố Chăm; thể hiện tinh thần hòa nhập trân trọng tín ngưỡng bản địa trên vùng đất mới của người Việt.

Trong những thần có sắc tứ (được vua ban tặng) thờ trong miếu cổ, có hai vị Thượng đẳng thần là Thiên Yana (Bà Mẹ Xứ sở Chăm) và Cao Các Quảng Độ (Nữ thần Đại Việt) thờ ở gian giữa. Gian bên trái có bài vị “Bô Bô Phu nhân Sắc tứ Trung đẳng thần” và “Bổn xứ Thành hoàng Sắc tứ Bảo an Chánh trực Hựu thiện Đôn ngưng chi thần”.

Bô Bô Phu nhân tương truyền là Bà Chúa Động người Chăm, khi thờ sóng đôi với Thành hoàng Bổn xứ dễ nảy sinh ý kiến Thành hoàng Bổn xứ là một nữ thần Việt (bởi nam nữ không thể đứng chung). Có lẽ vì vậy mà có một số bài báo cho rằng đây là miếu thờ vọng Công chúa Huyền Trân, người đã hy sinh thân lá ngọc cành vàng mang về cho Đại Việt hai châu Ô, Lý kéo đến tận đây.

Theo các cụ bô lão, ngày xưa theo lệ 3 làng Nam Ô, Xuân Thiều, Xuân Dương vẫn đến miếu này thỉnh hương thượng cáo mỗi khi đình làng có tế tự và ngày xưa miếu cũng có ngày tế cụ thể nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh kéo dài nên việc thờ cúng theo đó mà xao nhãng chăng? Tình trạng “cha chung không ai khóc” cũng là lý do để miếu cổ này hoang tàn vắng vẻ! Tuy nhiên, đó là điều may mắn, nếu không đã bị tôn tạo trùng tu quá tay theo cách hiện nay thì chắc cũng chẳng còn gì để nói.

“Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng/ Miếu thờ dẫu vắng vẫn nguyên miếu thờ” (thơ Lermentov, Thúy Toàn dịch). Giá trị của ngôi miếu này là ở độ cổ kính nguyên sơ trong kiến trúc từ vật liệu Chăm đến kiểu làm người thợ Việt để các nữ thần Việt “cộng cư” với các nữ thần Chăm hòa thuận trong miếu suốt 150 năm qua. Hãy cứu lấy di tích để “vẫn nguyên miếu thờ”. Chậm một chút, sẽ chẳng còn gì để kể cho con cháu nghe về văn hóa lịch sử và tín ngưỡng cộng sinh một thời, đã được ghi chép một trang nguyên vẹn trong miếu thờ này.

ĐẶNG DÙNG

;
.
.
.
.
.