.

Cù lao Chàm dưới Triều Nguyễn

.

Trong điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên và khoảng cách cô lập về địa lý, việc cư trú và sinh sống trên đảo không hề dễ dàng. Tuy nhiên, do các điều kiện và hoàn cảnh lịch sử khác nhau, từ lâu đời người dân Đại Việt đã tìm cách bám trụ sinh sống và phát triển trên Cù lao Chàm cho đến ngày hôm nay.

Miếu Tổ nghề Yến trên bãi Hương, Cù lao Chàm.Ảnh: V.T.L
Miếu Tổ nghề Yến trên bãi Hương, Cù lao Chàm.Ảnh: V.T.L

Dưới Triều Nguyễn, người dân Cù lao Chàm mưu sinh bằng các nghề chính như nông nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp - dịch vụ, khai thác lâm thổ sản.

Ngoài đất đai, thiên nhiên đã ưu đãi cho Cù lao Chàm những nguồn nước ngọt dồi dào từ các khe, suối, giếng để có thể canh tác lúa nước, lúa nương và các loại hoa màu khác nhau. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn chép: “Ở ngoài cửa Đại Chiêm có núi to gọi là Cù lao Chàm, ba ngọn đối nhau, hai ngọn lớn mà xanh tốt, có dân cư, ruộng nương, có các thứ cam, quýt, đỗ, lạc, trên có suối nước ngọt, một ngọn thì nhỏ mà khô khan, ra biển hai canh thì đến”.

Theo tài liệu lưu trữ ở Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, địa bạ của xã Tân Hiệp (tức Cù lao Chàm) được lập năm Thiệu Trị thứ 4, chính quyền lúc đó đã lệnh cho người dân phải kê khai các loại ruộng đất của từng hộ gia đình sở hữu. Địa bạ cũng liệt kê rất nhiều khe, suối là nguồn nước cung cấp cho những thửa đất canh tác nông nghiệp. Từ điều kiện tự nhiên kết hợp với kinh nghiệm sản xuất mang ra từ đất liền nhân dân ở đây đã cải tạo đất đai, điều tiết các nguồn nước để sản xuất nông nghiệp phục vụ nhu yếu phẩm cho cuộc sống.

Các nguồn lợi lâm sản ở Cù lao Chàm cũng tạo nên nghề làm rừng cho cư dân địa phương với nhiều phương thức khai thác, chế biến, sử dụng khác nhau. Bộ sách Quảng Nam xã chí (Viện Viễn Đông Bác cổ), còn sao lại hai tờ đơn từ năm Thiệu Trị thứ 2 và năm Tự Đức thứ nhất có nội dung xin nhà nước đốn cây củi trên núi mà sinh nhai.

Đến năm Thành Thái thứ 17, làng lại trình báo với Chính phủ Pháp rằng nếu sở Kiểm lâm đến quản lý rừng ở đây thì có lẽ dân làng không biết lấy gì sinh nhai; dẫu biết làng có trên hai mươi mẫu ruộng, nhưng vì nghề nông không phải dễ làm như ở trong kia (đất liền) nên chỉ sống được có 3 tháng vì nghề nông. Dân làng có thể sinh nhai thêm được 3 tháng nữa bằng nghề đánh cá thì 6 tháng còn lại không biết lấy gì mà làm ăn. Sau khi nhận đơn của dân làng, Chính phủ chuẩn y cho dân trong làng có quyền lên núi, đốn cây gỗ, mây, làm than để chi dụng; nếu chỉ bán trên đảo thì khỏi bị thuế, chứ ra khỏi địa phận thì phải chịu thuế kiểm soát của sở kiểm lâm. Còn nếu như ai muốn tới đây đốn cây cũng phải chịu tiền cho làng (tiền này nộp vào công quỹ) tùy theo nhiều hay ít người đến làm.

Như vậy, nông nghiệp và ngư nghiệp chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu lương thực, chi dụng cho cuộc sống của nhân dân trên đảo và việc khai thác lâm, thổ sản dưới sự quản lý của nhà nước (thuộc địa) đã tạo thêm kế sinh nhai cho nhân dân ở đây. Các nghề xưa còn để lại dấu ấn qua các di tích văn hóa tâm linh như nghề nông thì có miếu thờ Thần Nông, nghề đánh bắt hải sản thì có lăng Ông Ngư, nghề khai thác yến sào có miếu tổ nghề Yến ở Bãi Hương…

Ngoài ra, vị trí địa lý cũng là điều kiện thuận lợi cho nhân dân ở đây phát triển thương nghiệp, dịch vụ trao đổi hàng hóa, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, củi… cho thương thuyền các nước trên hải trình qua đây. Tuy nhiên, ngay từ Triều Nguyễn, việc thương thuyền các nước qua lại Cù lao Chàm đã được kiểm soát nghiêm ngặt. Sách Quảng Nam xã chí có đoạn nói về những người có lẽ trước tiên đến cư trú tại hòn đảo này, “theo di chỉ giấy má (từ đời Vĩnh Thạnh, Cảnh Hưng, Chánh Hòa) thấy kê tên năm ông năm họ là Trần Đắc Lộc, Nguyễn Văn Sắc, Nguyễn Văn Lúa, Hồ Văn Thành, Võ Văn Cọi, Mai Văn Bài”, còn chép rằng năm ông này đã cùng gia đình, thay phiên để canh tuần chợ nghiêm ngặt những thương thuyền ngoại quốc.

Như thế, người dân Cù lao Chàm xưa bên cạnh việc mưu sinh cho chính mình còn là tai mắt của nhà cầm quyền trong việc giữ yên biển đảo quê hương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

NGÔ ĐỨC CHÍ

;
.
.
.
.
.