.

Nhà thờ tộc gần 150 tuổi

.

Tộc Ngô là một trong những tộc lớn, ra đời và phát triển khá sớm ở Việt Nam. Ở Quảng Nam, con cháu tộc Ngô khá đông, sinh sống rải rác ở nhiều nơi, tập trung đông nhất ở Kế Xuyên, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình. Tộc Ngô ở Kế Xuyên hiện vẫn còn giữ những nét truyền thống văn hóa quý báu của tiền nhân để lại. Đặc biệt là ngôi nhà thờ cổ kính gần 150 năm tuổi.

Mặc dù đã trải qua gần 150 năm với bao thăng trầm, biến động của lịch sử, thêm vào đó là chiến tranh, thiên tai, bão lụt… nhưng nhà thờ tộc Ngô vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn và kiên cố cho đến ngày hôm nay. Đây là ngôi nhà thờ cổ kính bậc nhất làng Kế Xuyên nói riêng và xã Bình Trung nói chung. Nhà thờ Tiền hiền tộc Ngô là một kiến trúc nghệ thuật cổ gồm một gian hai chái, xây dựng theo bố cục hình chữ Nhất (一), mái lợp ngói âm dương, khung sườn bằng gỗ. Trên nóc trang trí cách điệu hình lưỡng long tranh châu, các bờ nóc trang trí hình hoa lá cách điệu.

Toàn bộ khung nhà chịu lực trên 20 cột gỗ mít được đẽo gọt công phu, tất cả đều được kê trên đá tảng. Phía mặt dưới đòn đông còn lưu lại năm xây dựng nhà thờ: năm Tự Đức thứ 21 (1869). Bệ ở giữa thờ Tiền hiền đức thủy tổ Ngô Văn Cang, bệ thờ bên trái thờ Hậu hiền phái thứ nhất Ngô Văn Kiệt, bệ thờ bên phải thờ Hậu hiền phái thứ hai Ngô Văn Giám; bệ thờ bên hữu thờ tộc Phạm, bệ thờ bên tả thờ tộc Bùi. Đó là những vị quê ở làng Đoài – Trảo Nha (nay là xã Đại Lộc, thị trấn Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), có công khai phá và lập nên làng xã Kế Xuyên vào khoảng giữa đầu thế kỷ XVII.

Mộ Tiền hiền Ngô Văn Cang (ảnh trên) và ngôi nhà thờ gần 150 tuổi của tộc Ngô -Kế Xuyên. Ảnh: A.T
Mộ Tiền hiền Ngô Văn Cang (ảnh trên) và ngôi nhà thờ gần 150 tuổi của tộc Ngô -Kế Xuyên. Ảnh: A.T

Theo gia phả tộc Ngô - Kế Xuyên, cuộc chiến Trịnh - Nguyễn phân tranh kéo dài gần 100 năm đã gây nên bao cảnh loạn ly thống khổ cho nhân dân, đồng thời tạo nên những dòng người di cư từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong. Trong bối cảnh đó, vào nửa đầu thế kỷ XVII, ông Ngô Văn Cang với hai con trai là Ngô Văn Kiệt và Ngô Văn Giám cùng hai họ Phạm và Bùi vào Đàng Trong khẩn hoang, khai phá, mở mang cơ nghiệp, xây dựng nên một làng quê ấm no, trù phú. Ông Ngô Văn Cang đã được triều Nguyễn ban sắc phong “Dực bảo Trung hưng Tôn thần”.

Sau khi an cư lập nghiệp, lập thành làng xóm, vào năm Tự Đức thứ 21 (1869), con cháu tộc Ngô đã góp công, góp của xây dựng một ngôi nhà thờ tộc và 2 ngôi chùa, cổng tam quan trong một khuôn viên để thờ tự những bậc tiền hiền, hậu hiền cùng với những bậc tiền bối có công khai canh, lập nên làng Kế Xuyên. Ngoài ra, một ngôi Nghĩa Tự đường ở hướng đông và một ngôi miếu Chánh ở hướng tây cũng được xây dựng, tạo nên một quần thể kiến trúc thờ tự có quy mô liên hoàn. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, hưởng ứng chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, nhân dân đã tháo dỡ các ngôi chùa và ngôi miếu Chánh để phục vụ kháng chiến, chỉ giữ lại ngôi nhà thờ Tộc.

Năm 2002, do nhu cầu sinh hoạt và thờ tự, nhờ sự quan tâm và đóng góp hết mình của con cháu tộc Ngô - Kế Xuyên nói riêng và con cháu tộc Ngô cả nước nói chung, một ngôi nhà thờ mới to đẹp, bề thế được xây dựng trên nền 2 ngôi chùa trước kia, bên cạnh ngôi nhà thờ cũ trong một khuôn viên khép kín có tường rào, cổng ngõ có diện tích rộng gần 3.000m2 với nhiều loại cây xanh và cây cảnh, làm cho khuôn viên của nhà thờ tộc Ngô trở thành một quần thể kiến trúc đẹp và rất hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên nơi đây. Hằng năm, cứ đến ngày 15 và ngày 16-3 âm lịch, trai gái già trẻ tộc Ngô sắp xếp công việc, tranh thủ về nhà thờ Tổ thắp nén hương để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ những bậc tiền nhân đã có công khẩn hoang, khai phá, lập làng năm xưa.

Tộc Ngô đã lập nghiệp ở làng Kế Xuyên đến nay hơn 20 thế hệ. Xét về khía cạnh lịch sử, nhà thờ tộc Ngô  đã cung cấp những thông tin cần thiết để tìm hiểu về quá trình di dân từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong và quá trình hình thành cộng đồng dân cư tại Kế Xuyên nói riêng và tại Quảng Nam nói chung. Xét về khía cạnh xã hội, nhà thờ tộc Ngô có vai trò quan trọng trong việc góp phần giữ gìn, phát huy những giá trị và bản sắc văn hóa truyền thống của làng Kế Xuyên, là nơi thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ hôm nay đối với các bậc tiền nhân, cha ông đi trước.

Nhà thờ tộc Ngô - Kế Xuyên đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2005. Gần một thế kỷ rưỡi đi qua, người dân làng Kế Xuyên càng có trách nhiệm hơn đối với việc bảo vệ, gìn giữ, trân trọng quá khứ của cha ông, của các bậc tiền nhân và đồng thời giáo dục con cháu trong họ tộc phát huy những truyền thống văn hóa cao đẹp này.

AN TRƯỜNG

;
.
.
.
.
.